Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TPHCM, Tổ phó Tổ giám sát gia công vàng miếng, đến hôm nay, lô tạm xuất tái nhập cuối cùng, kết thúc hoạt động chuyển vàng miếng phi SJC thành vàng khối.
Việc chuyển từ vàng khối thành vàng miếng SJC cũng đã gần thực hiện xong, hiện tại việc dập loại vàng này đang tạm dừng lại để Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn sản xuất vàng miếng cho NHNN, chuẩn bị cho việc bán ra can thiệp thị trường của cơ quan này trong thời gian tới.
Hiện tại số lượng vàng cần đưa ra thị trường là bao nhiêu vẫn chưa được NHNN tiết lộ. Song theo một lãnh đạo của NHNN số vàng này không quá lớn vì trong thời điểm hiện nay, do thiếu nguồn cung đã lâu nên giá chênh lệch nhiều, nhưng chỉ cần tung ra thị trường một lượng nhỏ, giá có thể sẽ kéo gần lại.
Hiện tại, giao dịch vàng ở các công ty lớn không nhiều, như tại SJC lượng giao dịch hằng ngày chỉ khoảng 1.000 lượng (37,5 kg).
Tuy vậy, việc đấu thầu sẽ chưa diễn ra sớm, do hiện nay cả quy chế và quy trình đấu thầu đều chưa được công bố.
Việc đưa vàng dự trữ ngoại hối ra can thiệp thị trường đã bắt đầu xúc tiến. Tuy vậy, đã có rất nhiều ý kiến cho rằng điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nhà nước. Một thành viên Hiệp hội Kinh doanh vàng cho biết ở nhiều nước trên thế giới, việc bán vàng dự trữ cũng có, nhưng đều phục vụ cho chính sách dự trữ ngoại hối, như thay đổi các loại tiền tệ hoặc vàng trong danh mục ở từng thời kỳ cho phù hợp, làm sao để đến cuối năm, khi quy đổi, lượng dự trữ tăng lên. Việc bán vàng ra thường là trên thị trường quốc tế.
Theo vị này, ở Việt Nam, NHNN dự định bán vàng từ dự trữ ngoại hối để bình ổn thị trường. Điều này rất mới. Nhưng cũng không lạ, vì có rất ít nước trên thế giới người dân "thích" vàng như ở Việt Nam, và cũng có rất ít nước, vàng bị cấm xuất nhập, dẫn đến giá trong nước cao cách biệt so với giá thế giới.
Những điều này khiến cho NHNN khi điều hành sẽ có lúng túng, vì không tham chiếu được với bất kỳ nước nào về cách làm để vừa kéo gần khoảng cách giá, vừa ổn định được các yếu tố vĩ mô khác. Tuy vậy, việc bán vàng dự trữ là một quyết định khá mạo hiểm của cơ quan này.
Còn theo một chuyên gia khác, việc mua bán vàng với thị trường quốc tế luôn có những rủi ro về giá một cách đột biến. Giá vàng tăng giảm phụ thuộc vào tình hình chính trị, kinh tế, và quyết định mua bán của những người đầu cơ.
Vì vậy rất khó đoán biết. Nếu NHNN trước khi đấu thầu bán vàng cho ngân hàng và doanh nghiệp, đã chốt giá trên thị trường thế giới, và dùng vàng dự trữ bán ra sao cho phù hợp thì khó lỗ, nhưng quy trình đấu thầu lâu, giá sẽ không liên thông lập tức mà có độ trễ.
Nếu vậy, giá thế giới xuống đột ngột thì thị trường trong nước sẽ vẫn phải dùng giá cao. Còn nếu mở tài khoản ở nước ngoài mà không đóng, vẫn kinh doanh như các sàn vàng trước đây thì rủi ro cũng lớn không kém do giá thế giới biến động.
“Nếu NHNN có một khoản vàng riêng dùng để kinh doanh, độc lập với dự trữ ngoại hối thì không sao, vì mức độ chịu rủi ro sẽ cao hơn nên việc linh động trong mua bán cũng sẽ tốt hơn”, vị này nói thêm.
Ông cho rằng, thay vì vậy, sao không nhập vàng, sau đó bán trực tiếp, không xuất ra từ dự trữ ngoại hối, và chấp nhận giá sẽ chỉ liên thông ở mức vừa phải nhưng không có rủi ro nhiều.
Lãnh đạo của NHNN nói trên cho biết sau khi cân nhắc nhiều phương án, ông thấy rằng việc bán vàng từ dự trữ vẫn là giải pháp tốt, trong bối cảnh nhà nước không muốn tốn thêm ngoại tệ cho nhập khẩu vàng, vì thực tế số lượng bán ra không lớn
. Và việc linh động điều chỉnh cơ cấu các loại tiền tệ, vàng trong danh mục sẽ được NHNN thực hiện trong từng thời kỳ, không để ảnh hưởng đến tổng dự trữ, vì sự an toàn của dự trữ ngoại hối vẫn là mục tiêu đặt lên hàng đầu, chứ không phải đầu tư sinh lời.
Tuy vậy, vị này cũng cho rằng, với bất cứ quốc gia có dự trữ vàng nào, nếu quy đổi vào cuối năm, cũng sẽ không quy ra giá trị, vì giá thế giới thường xuyên biến động và khó đoán biết.