Công khai thông tin điều chỉnh giá bán xăng dầu là cần thiết
Về vấn đề tin đồn xăng dầu chuẩn bị tăng giá bán lẻ trên thị trường xuất hiện trong những ngày gần đây, bà Phạm Chi Lan cho rằng có cơ sở để khiến người tiêu dùng hoài nghi.
Bà Phạm Chi Lan cho biết: “Trong những ngày vừa qua rất nhiều người tiêu dùng truyền tai nhau tin đồn về khả năng xăng dầu trong nước sắp tăng giá. Tin đồn này không phải là không có cơ sở. Nó xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Trước hết là giá xăng dầu trên thị trường thế giới có tăng lên trong thời gian qua nên doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong nước kêu kinh doanh thua lỗ.
Khi các cơ quan chức năng còn chưa phản ứng thì các đại lý bán lẻ đã có động thái găm hàng, chờ tăng giá bán. Phải nói rằng đây là động thái không phải mới, thực chất các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đang diễn lại trò cũ của mình đó là ‘làm mình làm mẩy’ với Nhà nước và người tiêu dùng để gây sức ép và tăng giá bán xăng dầu trên thị trường”.
Bà Phạm Chi Lan cho rằng: “Có ý kiến cho rằng việc tin đồn trên liệu có khả năng xảy ra hay không, phải chăng thông tin tăng giá bán xăng dầu bị rò rỉ do vấn đề bảo mật thông tin của ta kém,… tôi cho rằng không hẳn như vậy.
Thứ nhất phải khẳng định: về bản chất, tin đồn là không có thực, nhất là việc tăng giá bán xăng dầu chưa hề có thông tin công bố chính thức từ phía các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, ở đây nhiều người tiêu dùng vẫn tỏ ra lo lắng là bởi những ‘tiền lệ’ đã xảy ra và lặp đi lặp lại quá nhiều từ những năm trước đó.
Khi giá xăng dầu thế giới khẽ nhích lên lập tức doanh nghiệp kinh doanh trong nước kêu thua lỗ và đòi tăng giá bán, rồi lại xuất hiện tình trạng găm hàng, đầu cơ xăng dầu. Và cũng mỗi lần doanh nghiệp ‘làm mình làm mẩy’ như vật thì các cơ quan quản lý của nhà nước lại xem xét, điều chỉnh, và lại đồng ý cho tăng giá bán. Chính vì ‘tiền lệ’ đó mà người tiêu dùng lo lắng.
Còn về vấn đề có phải do rò rỉ thông tin về việc tăng giá và cần bảo mật thông tin hay không thì theo tôi là không. Ở đây, thông tin về việc điều chỉnh giá bán xăng dầu (nếu có) thì nên thực hiện công khai, minh bạch, nó không phải là vấn đề liên quan đến lĩnh vực quốc phòng – an ninh hay những bí mật quốc gia khác nên không cần bảo mật.
Việc tăng hay giảm giá bán xăng dầu cần được công bố công khai để người tiêu dùng được biết. Đây cũng là quyền và lợi ích của người tiêu dùng. Tôi để ý trong những ngày qua, khi xuất hiện tin đồn về việc tăng giá bán xăng dầu khiến người tiêu dùng lo lắng, phía các cơ quan chức năng quản lý nhà nước vẫn không có bất kì một động thái phản ứng chính thức gì để trấn tĩnh người tiêu dùng, đây là lỗi của cơ quan chức năng trong vấn đề quản lý kinh doanh xăng dầu, trong đó có quản lý về thông tin giá cả”.
Quản lý kinh doanh xăng dầu chưa tốt
Theo bà Phạm Chi Lan, trong những năm qua, giải pháp tăng giá bán xăng dầu trong thị trường nội địa mỗi khi giá xăng dầu thế giới tăng và doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong nước kêu thua lỗ được áp dụng “khá phổ biến” và “có phần ào ào”, thiếu “tính toán kĩ càng”.
Bà Phạm Chi Lan cho rằng: “Việc tăng giá bán xăng dầu trong nước lâu nay tiến hành khá ào ào, mà thiếu sự cân nhắc tính toán kĩ. Trước hết cần phải xem xét việc tăng giá bán xăng dầu có cần thiết hay không, ngoài giải pháp tăng giá vẫn còn những giải pháp khác có thể áp dụng sao lại không dùng.
Doanh nghiệp kêu thua lỗ nhưng thua lỗ ở mức nào, đã đến mức phải tăng giá bán hay chưa, số liệu kinh doanh cụ thể,… Tôi nghĩ trong vấn đề này, các cơ quan chức năng nhà nước đã làm chưa tốt.
Trong mấy năm qua, không biết bao nhiêu lần các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong nước tìm mọi cách để gây sức ép lên nhà nước và người tiêu dùng, tôi nghĩ hơn ai hết, chính các cơ quan chức năng quản lý kinh doanh xăng dầu đã có ‘quá nhiều kinh nghiệm’ trong vấn đề này, vậy mà không hiểu sao vẫn mắc phải những ‘tiền lệ’ đã có từ trước”.
Bà Phạm Chi Lan nhận xét: “Ngay như việc trong những ngày vừa qua, khi xuất hiện tin đồn sắp tăng giá xăng dầu, khi các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu bắt đầu có động thái gây sức ép để đòi tăng giá thì các cơ quan chức năng nhà nước quản lý lĩnh vực này cần sớm có phản ứng, ít nhất như một thông báo chính thức chẳng hạn để người tiêu dùng an tâm và để ổn định lại thị trường, nhưng lại tỏ ra quá chậm trễ trong việc này.
Ở đây, việc điều chỉnh giá bán xăng dầu các cơ quan quản lý như Bộ tài chính chẳng hạn, hoàn toàn có thể độc lập ra quyết định về việc tăng hay không tăng giá bán, đâu phải đợi đến việc trình lên Chính phủ và chờ Thủ tướng quyết định.
Lâu nay các cơ quan chức năng quản lý kinh doanh xăng dầu dường như mắc ‘căn bệnh ỉ lại’, bất kể vấn đề gì cũng phải chờ Thủ tướng quyết định. Theo tôi, đó là do đã không làm tròn vai trò trách nhiệm quản lý của mình”.