Thưởng tết Quý Tỵ cao nhất 650 triệu đồng

Thưởng cao nhất thuộc về một doanh nghiệp FDI ở Đồng Nai.

Trao đổi với báo chí chiều 23/1, bà Tống Thị Minh, Vụ trưởng Vụ Lao động - Tiền lương (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) nhận định năm 2012, do tác động của suy giảm kinh tế nên hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp có nhiều khó khăn. Nhiều doanh nghiệp có nguy cơ phá sản, giải thể, ngừng hoạt động. Khoảng 55.000 doanh nghiệp phá sản trong năm qua.

Bà cho biết, đến nay 63 tỉnh đã khảo sát, báo cáo tình hình tiền lương 2012, thưởng Tết năm 2013. Hơn 11.000 doanh nghiệp có báo cáo thưởng Tết, chỉ tương đương 3% số đang hoạt động, với hơn 2 triệu lao động (chiếm 16%).

"Điều này cho thấy con số báo cáo chưa thể hiện hết tình hình lương, thưởng Tết của năm nay", bà Minh nói và cho hay, tiền lương bình quân của người lao động năm 2012 là 4,3 triệu đồng, tăng 12% so với năm 2011 (với khoảng 3,8 triệu).

Thưởng Tết âm lịch cao nhất năm nay là 650 triệu đồng, ở doanh nghiệp FDI tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Anh Quân.

Tiền thưởng Tết dương 2013 có mức trung bình 1,1 triệu đồng mỗi người, tăng 18% so với năm 2012. Người có mức thưởng cao nhất tại doanh nghiệp FDI ở TP HCM khoảng 624 triệu. Một số doanh nghiệp khó khăn không thưởng Tết.

Mức thưởng bình quân trong các loại hình doanh nghiệp có sự chênh lệch. Công ty TNHH một thành viên do nhà nước làm chủ sở hữu khoảng thưởng trung bình 1,3 triệu đồng mỗi người, doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp chi phối của nhà nước 1,9 triệu, doanh nghiệp dân doanh 622.000 đồng, doanh nghiệp FDI 1,2 triệu đồng.

Về thưởng Tết âm lịch, một doanh nghiệp FDI Đồng Nai chi trả cao nhất, lên tới 650 triệu đồng. Theo Vụ Tiền lương, trung bình tổng mức thưởng Tết dương, Tết âm khoảng một tháng lương bình quân. Đợt Tết Quý Tỵ này, mức thưởng cho mỗi người lao động là 3,5 triệu đồng (năm 2012 là 3,2 triệu đồng).

Mức thưởng ở công ty TNHH một thành viên là 4,6 triệu một người, doanh nghiệp cổ phần 4,7 triệu, doanh nghiệp dân doanh 2,5 triệu và doanh nghiệp FDI 3,3 triệu. "Đây chỉ là kế hoạch thưởng Tết của các doanh nghiệp, còn thực tế việc triển khai thế nào, chúng tôi còn phải phối hợp với công đoàn đôn đốc họ thực hiện và có báo cáo sau Tết", bà Minh cho hay.

Tiền lương và tiền thưởng Tết của người lao động năm 2012 có xu hướng tăng so với năm trước, nhưng đại diện Bộ cho rằng chỉ đủ bù đắp trượt giá. Tình hình nợ lương vẫn còn diễn ra phổ biến ở nhiều doanh nghiệp.

Vụ trưởng Minh cho biết, Vụ nhận được báo cáo của 27 tỉnh, trong đó số doanh nghiệp nợ lương gồm 103 doanh nghiệp nhà nước, 8 doanh nghiệp TNHN 100% vốn nhà nước, 16 doanh nghiệp là công ty cổ phần có vốn góp nhà nước, 77 doanh nghiệp ngoài quốc doanh và 2 doanh nghiệp FDI.

Tổng số lao động bị nợ lương là gần 10.200 trong đó 710 người thuộc doanh nghiệp nhà nước, gần 2.700 người ở doanh nghiệp cổ phần có vốn góp nhà nước, hơn 6.700 người ở doanh nghiệp dân doanh và 27 người thuộc doanh nghiệp FDI. Tổng số tiền nợ lương là hơn 76 tỷ đồng, trong đó doanh nghiệp nhà nước 11,1 tỷ, doanh nghiệp có vốn góp nhà nước là gần 9 tỷ, dân doanh 50,5 tỷ và FDI 179 triệu.

"Con số này mới ở 27 tỉnh, một số tỉnh nợ lương, bảo hiểm xã hội lớn như Hà Nội, TP HCM chưa có báo cáo", bà Minh cho hay.

Trước tình hình đó, ngoài việc đề nghị chủ doanh nghiệp tìm nguồn trả lương cho người lao động, cải tiến năng suất, tăng thu nhập cho người lao động, Bộ Lao động đã có tờ trình báo cáo Thủ tướng đề xuất, đối với những doanh nghiệp không liên lạc được với chủ thì chủ tịch UBND tỉnh tạm ứng ngân sách trả lương cho những người có tên trong bảng lương mà doanh nghiệp còn nợ. Sau đó, xử lý tài sản của những doanh nghiệp này hoàn trả ngân sách nhà nước. Trường hợp tài sản không đủ thì báo cáo về Bộ Tài chính để trìnhThủ tướng.

Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội Trần Văn Luận cũng cho hay, tình hình nợ đọng bảo hiểm xã hội đã diễn ra nhiều năm, mỗi năm khoảng 3.000 tỷ đồng. Năm nay khó khăn hơn nên một số doanh nghiệp tiếp tục nợ tồn đọng.

Điều này do nhiều nguyên nhân, do khó khăn một phần, nhưng phần lớn là trốn tránh trách nhiệm và đóng không đủ định mức. Theo quy định của bảo hiểm xã hội, nếu doanh nghiệp nợ thì không thể giải quyết được các chế độ cho người lao động khi cần thiết.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại