Từ đổ sữa đến bán bò
Tiếp chúng tôi trong căn phòng cũ kỹ loang nổ, ông Đinh Văn Tẹo (thôn Phú Dực – Phù Đổng - Gia Lâm) ngồi co hai chân lên ghế buồn bã thở dài.
Ông nuôi 2 con bò, mỗi ngày vắt được 40kg sữa tươi, số sữa này được nhập cho một trạm thu mua liên kết với công ty CP sữa quốc tế IDP.
Nhưng khi trạm sữa giảm nhập xuống còn một nửa sản lượng cũ, ông Tẹo trở thành một trong số những nông dân nuôi bò phải đem sữa đi đổ đầu tiên ở Phú Dực.
“Người ta bảo mùa này nước còn chả ai muốn uống nữa là sữa, nên họ chỉ mua một nửa thôi.
Còn 20kg, họ bảo tôi mang về uống thì uống, cho thì cho, hay nhập được ở đâu được thì nhập.
Tôi mang sang nhập cho trạm của Vinamilk, thì người ta bảo là không mở mã mới ở thời điểm này. Tôi mang sang trạm của Hanoimilk, KCS lại chê sữa loãng từ chối tiếp”.
Số sữa ngày hôm ấy và những ngày hôm sau nữa, ông Tẹo phải mang cho một nhà nuôi lợn ở cuối xóm. Cho đến khi ông tìm cách chia nhỏ ra và gửi nhờ được vài người quen nhập hộ ở một trạm khác.
Ông Đinh Văn Tẹo
Còn chị Trần Thị Oanh, chủ một trang trại nuôi bò trên địa bàn xã Phù Đổng thì cho hay, chị cũng vừa trải qua mấy ngày “xất bất xang bang” vì hoảng sợ.
Chị Oanh vừa mua lại trang trại bò với gần 100 con, trong đó có 12 con bò sữa từ tay một người bạn làm ăn của gia đình.
Trước đó, số sữa vắt ra được bạn chị nhập cho một trạm thu mua chuyên cung cấp cho thị trường Hà Nội, đến khi chị tiếp quản cũng là lúc chủ trạm này khống chế mua vào vì nhu cầu thị trường giảm.
“Một con bò mỗi ngày vắt được 20kg sữa, 12 con gộp lại là 2,4 tạ, thế mà họ chỉ mua đúng 1 tạ, năn nỉ thế nào cũng không được nên đành đổ cho bê con ăn.
Tôi cũng đã xin mở mã chuyển sang bán cho Vinamilk, nhưng chưa được họ chấp thuận”.
Cũng rơi vào cảnh khó như ông Tẹo, và chị Oanh, nhưng số sữa thừa không biết gửi vào đâu, nên bà Nguyễn Thị Lương cùng xóm đã phải bán bớt bò vào chiều hôm qua, chấp nhận lỗ gần 15 triệu (so giá bán bò ở thời điểm khác).
“Tôi có hai con bò, mỗi ngày vắt được 40kg sữa nhập cho trạm của IDP, nhưng giờ người ta bảo chỉ nhập sữa một con thôi, còn sữa con kia thì trả lại.
Thế là mỗi hôm thừa ra 20kg, đến ngày thứ tư thì hoảng quá, thôi thì bán quách bò đi cho xong. Chờ bao giờ ổn ổn thì gây con mới vậy”, bà Lương trầm ngâm nói.
Doanh nghiệp và nông dân đều bị động
Theo thống kê của HTX Bò sữa Phù Đổng, toàn xã có gần 800 hộ chăn nuôi bò sữa, với khoảng 1.800 con. Hiện số lượng bò đang khai thác khoảng gần 900 con,cung cấp gần 20 tấn sữa cho thị trường.
Hiện ở xã Phù Đổng đang là mùa bò sinh sản, sản lượng sữa tăng vượt 40 - 50% so với mùa hè, nhưng số lượng tăng thêm không khiến người nông dân vui mừng, mà ngược lại, nhiều hộ còn đang “khóc mếu"
Không chỉ bị siết chặt hạn mức nhập, giá sữa trong xã cũng có sự chênh lệch do các công ty thu mua đưa ra mức mới.
Trong khi giá sữa do Vinamilk thu mua (chiếm hơn 45% sản lượng) vẫn giữ ở mức 14.000 - 14.500 đồng/kg, thì từ tháng 10/2014, sữa nhập cho các trạm thu mua của Công ty sữa Quốc tế IDP (thu mua 43% lượng sữa) giảm xuống chỉ còn 12.200 - 12.500 đồng.
Các nông hộ cũng đã chủ động liên hệ với các trạm thu mua của Vinamilk để xin mở mã nhập, tuy nhiên đơn vị này cho hay chưa có chủ trương.
Không ít người cho rằng, lí do của việc từ chối này là do một số hộ nông dân không ký hợp đồng với công ty.
Cũng có ý kiến cho rằng, khi doanh nghiệp cần nhiều sữa thì nông dân lại ham lợi, tự ý bán ra bên ngoài để lấy giá cao hơn.
Đến mùa đông sản lượng sữa tăng, người dân thừa sữa mới quay lại “đòi hỏi” doanh nghiệp nhập toàn bộ.
Người dân lấy rau nuôi bò
Tuy nhiên khi chúng tôi đặt câu hỏi về vấn đề vừa nêu, ông Nguyễn Văn Hòa, Chủ nhiệm hợp tác xã Bò sữa Phù Đổng lắc đầu: “Doanh nghiệp và nông dân đều bị động trong chuyện này”.
Cụ thể, theo ông Hòa, trên địa bàn xã có 8 trạm thu mua sữa tươi do 8 “chủ bồn” làm chủ.
Gồm 4 trạm chuyên thu mua cho Vinamilk ổn định về sản lượng và giá cả. 4 trạm còn lại thu mua cho các công ty IDP, Hanoi milk và cho thị trường tự do.
“Vào mùa hè khi nhu cầu sữa lên cao, các chủ bồn mua vào rất nhiều, nhưng họ giữ lại một phần để bán ra cho thị trường tự do với giá cao hơn.
Đến mùa đông thời tiết lạnh, nhu cầu thị trường tự do sụt giảm mạnh trong khi sản lượng sữa lại cao vượt lên, khiến cho nguồn cung trở nên thừa mứa.
Doanh nghiệp không chịu mua thêm mà chỉ thu mua đúng với chỉ tiêu trong mùa hè, nên các chủ bồn ngay lập tức dừng mua vào số sữa thừa đó.
Vậy nên mới có cảnh nông dân người đổ sữa cho lợn ăn, người mang sữa cho con cháu tắm là vì thế”, ông Hòa chua xót.
Chiều ngày 26/1 khi chúng tôi liên lạc lại, ông Hòa cho biết thêm ông vừa dự một cuộc họp với ban lãnh đạo công ty CP sữa Quốc tế IDP.
Sau nhiều lần HTX gửi kiến nghị, công ty này đã đồng ý nới sản lượng thu mua thêm 30% với giá bằng giá hiện tại.
“Ví dụ hiện tại chỉ tiêu họ giao cho mỗi chủ bồn mỗi ngày hút 1 tấn sữa, thì giờ có thể hút 1,3 tấn.
Ngoài ra nếu vượt lên con số 1,3 tấn đó, thì mỗi kg sữa sẽ bị tính giá trừ đi 2.000 đồng, còn khoảng 10.500 đồng/kg nữa.
Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế. Mất 2.000 đồng/kg là giảm đi đáng kể thu nhập cho người nông dân rồi.
Người nuôi bò sữa rất vất vả mà lại manh mún và yếu thế. Đầu tư một con bò mất 60-70 triệu, là tài sản rất lớn.
Nhưng thu mua lại không được ký thẳng hợp đồng mà phải qua nấc trung gian, sữa vắt ra bán được ngày nào hay ngày ấy.
Chừng nào mà người nuôi bò vẫn không được kí hợp đồng bao tiêu sản phẩm trực tiếp với doanh nghiệp sản xuất sữa thì chừng đó nông dân và doanh nghiệp còn thiếu tiếng nói chung, còn đổ sữa ra đường nhiều lần nữa!", ông Hòa thở dài cho biết.