Thu phí nội mạng ATM: Chưa hợp lý!

Theo Pháp luật TPHCM |

Phát triển hệ thống ATM và khuyến khích người dân sử dụng là đúng nhưng cách tiến hành và chính sách đi kèm lại chưa hợp lý.

Ngày 28-2, Vietcombank là một trong số ít ngân hàng (NH) có thông báo trên website biểu phí đối với giao dịch ATM nội mạng từ ngày 1-3. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Tuân, Phó Tổng Giám đốc Vietcombank, Chủ tịch Hiệp hội Thẻ Việt Nam, tỏ ra lo ngại khi các NH tiến hành thu phí thì dư luận cho rằng đang tận thu, có lợi ích nhóm, “lobby” cho cơ quan quản lý nhà nước… Trong khi đó, kinh tế đang khó khăn, nhiều mặt hàng thiết yếu lăm le tăng giá, lạm phát có thể bùng lên bất cứ lúc nào...

Có sự khác thường?

Dư luận phản ứng cũng có lý do, bởi lâu nay không đề cập đến chuyện thu phí dịch vụ nội mạng, khi dùng phổ biến thì lại đặt ra quy định đó. Lý do này mang tính lịch sử điều hành chính sách chưa hợp lý”- chuyên gia NH TS Nguyễn Trí Hiếu nhận định.

Ông cho rằng xét về chủ trương, việc phát triển hệ thống, nâng cao dịch vụ ATM và khuyến khích người dân sử dụng của NHNN là đúng đắn. Thế nhưng cách tiến hành và chính sách đi kèm lại chưa hợp lý.

Về bản chất, ATM không phải là kênh thu lợi nhuận cho các NH. Chi phí đầu tư thiết bị ATM rất cao, chưa kể kinh phí bảo dưỡng, nhân lực. Nếu đầu tư mà để thu phí thì không đáng là bao.

Các NH dùng đến ATM như một phương tiện chuyển tải dịch vụ của họ. ATM không chỉ dừng lại ở việc gửi tiền, rút tiền cho cá nhân mà thông qua đó có các dịch vụ chuyển khoản, thanh toán, thay vì phải đi lại, khách hàng và NH sử dụng hệ thống Internet và tài khoản ATM để giao dịch 24/24 giờ…

 

Chuyên gia Bùi Văn, giảng viên giảng dạy Chương trình Kinh tế Fulbright, cũng đồng ý thu phí giao dịch ATM nội mạng xét về khía cạnh kinh doanh là bình thường. Nhưng việc thu phí giao dịch ATM mà được Hiệp hội Thẻ Việt Nam và NHNN đứng ra cầm trịch và thông qua với một mức phí sàn là khác thường.

Trên thực tế, hầu hết tiền lương của người lao động đang được trả qua thẻ ATM Tuy nhiên, họ không được lựa chọn NH cung cấp dịch vụ. Với việc thu phí giao dịch ATM nội mạng lần này, người lao động hoàn toàn bị động nếu NH do doanh nghiệp nơi họ làm việc chọn có chủ trương đó. “Cái này giống như cá mè một lứa. Nếu ATM của NH đó có chất lượng và cung cách phục vụ kém thì người dùng cũng đành cam chịu” - ông Văn phân tích.

Ngược với xu hướng của thế giới

Chính vị lãnh đạo của Vietcombank cũng nói rằng ở nhiều nước thẻ ATM được dùng để rút tiền lẻ, xem như phương tiện rút tiền thiếu hụt tạm thời, tương tự như dịch vụ cung ứng tiện ích cho người gửi tiền. Khi phát triển tại Việt Nam, ATM lại trở thành phương tiện phân phối tiền mặt là chủ yếu. Như thế, số lượng người sử dụng tiền mặt trong giao dịch thanh toán vẫn quá nhiều.

Mục đích của cơ quan quản lý nhà nước khi cho phép phát hành thẻ ATM, hệ thống ATM và thu phí giao dịch là nhằm hạn chế giao dịch tiền mặt, tạo ra tính minh bạch, hạn chế tham nhũng, nâng cao chất lượng dịch vụ. Vậy so với mục đích cơ bản của việc sử dụng thẻ ATM ở nhiều nước thì rõ ràng đã có sự mâu thuẫn về chính sách.

Với kinh nghiệm nhiều năm làm việc trong ngành NH ở nước ngoài, TS Nguyễn Trí Hiếu dẫn chứng: “Giao dịch ATM nội mạng tại các nước phát triển, nhất là Mỹ không có bất cứ loại phí nào. Thay vào đó, nhà cung cấp thẻ đưa ra điều kiện số dư trong tài khoản phải luôn duy trì mức 100 USD, dưới mức đó mới bị tính phí dịch vụ. Đối với giao dịch ngoại mạng thì tính mức phí chung 2 USD/giao dịch. Phương án này hoàn toàn có thể áp dụng cho thị trường thẻ ATM Việt Nam với các tính toán phù hợp”.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại