Tháng trước, Chính phủ Hoa Kỳ cho biết họ sẽ điều tra hoạt động tuyển dụng của JP Morgan liên quan đến việc chào mời các con cháu của một số nhân vật quan trọng ở đại lục vào làm việc cho mình tại Hong Kong. Do vậy, nhiều cậu ấm cô chiêu làm việc cho các ngân hàng nước ngoài khác đang nghiêm túc xem xét tìm việc làm mới.
Phản ứng của họ với vụ điều tra này ra sao? Vẫn ở lại Hong Kong nhưng bỏ việc ở các ngân hàng nước ngoài để làm cho các văn phòng của các công ty đại lục đóng tại Hong Kong.
Trường hợp JP Morgan đã thu hút sự chú ý ở đại lục trong lúc công chúng đang tức giận về nạn tham nhũng. Do đó, các văn phòng Hong Kong của nhiều ngân hàng và các công ty chứng khoán lớn của đại lục đang trở thành những thiên đường mới cho các cậu ấm cô chiêu thuộc những gia đình danh giá thế hệ đầu tiên, hiện vẫn còn là những tinh hoa chính trị kể từ khi thành lập nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa vào năm 1949.
Một số lại không muốn làm việc cho các ngân hàng đại lục ở Hong Kong (họ không muốn sử dụng thẻ tín dụng của các ngân hàng đại lục ở nước ngoài vì không thích những thương hiệu đại lục). Vì vậy, họ tìm việc ở những nơi khác, chẳng hạn như quỹ đầu tư SAFE, bộ phận đầu tư ra nước ngoài hàng đầu của cơ quan Quản lý Ngoại hối (SAFE), nơi quản lý nguồn dự trữ ngoại hối lớn nhất thế giới, trị giá hơn 3.000 tỉ USD.
Một phần lý do tại sao một số cậu ấm cô chiêu đang nghiêm túc xem xét thay đổi công việc và vào làm trong một công ty Hong Kong có nguồn gốc đại lục là họ không muốn thu hút sự chú ý không cần thiết hoặc những rắc rối chính trị cho bản thân và gia đình mình.
Chính phủ Hoa Kỳ có thể tiến hành điều tra JP Morgan, nhưng có ai dám chọc mũi vào xung đột lợi ích tại các công ty đại lục ở Hong Kong? Có lẽ là Uỷ ban độc lập chống tham nhũng (ICAC), nhưng uỷ ban này hiện giờ cũng đã quá bận rộn với rất nhiều vụ nổi cộm khác tại đây.
Trong thực tế, rất nhiều cậu ấm cô chiêu thường không coi việc làm trong các ngân hàng đầu tư lớn là lựa chọn sự nghiệp suốt đời.
Theo nhà phân tích độc lập David Webb của Hong Kong: “Nhiều con cháu của các ông trùm Hong Kong có những lúc – thường là ở giai đoạn đầu trong sự nghiệp của họ, vừa rời trường đại học - đã làm việc cho các ngân hàng đầu tư muốn củng cố các mối quan hệ với cha mẹ họ. Trên quan điểm của nhà tài phiệt, ngân hàng sẽ “đào tạo chúng nên người” và bồi dưỡng “kinh nghiệm làm việc” cho chúng”.
Có thể xem Jiang Zhicheng, cháu trai của cựu lãnh đạo nhà nước Giang Trạch Dân, là một minh hoạ.
Thoạt đầu Jiang làm việc cho Goldman Sachs sau khi tốt nghiệp đại học Harvard và bây giờ ông là người đồng sáng lập một quỹ riêng của mình với lượng vốn lớn và có nhiều ảnh hưởng, được hỗ trợ một phần bởi Li Ka-shing, người giàu nhất của Hong Kong.