Niêm yết giá một đằng, bán một nẻo
Mỗi khi có sự điều chỉnh giá gas, hầu hết các nhãn hiệu đều có chung mức tăng hoặc giảm, tuy nhiên giá bán lẻ tối đa đến tay người tiêu dùng (NTD) lại được niêm yết khác nhau, có khi chênh nhau đến vài chục ngàn đồng.
Chẳng hạn, với mức giảm 17.000đ vào ngày 1/5, giá mỗi bình MT Gas 12kg còn 363.000đ, SP là 364.000đ, Gia Đình Gas 371.000đ, Thành Tài Gas 392.000đ, Elf Gas 384.000đ… Có nghĩa là mỗi bình MT Gas thấp hơn Thành Tài Gas gần 30.000đ.
Trong khi đó, theo một đại lý ở Q.Bình Tân (TP.HCM), mặc dù giá của nhiều nhãn hiệu được niêm yết ở mức cao, song khi bán ra, giá được giảm xuống từ 20.000 - 40.000đ thông qua hình thức khuyến mãi.
Đại lý trên cho biết thêm, thị trường gas hiện khá bát nháo về giá cũng như chất lượng. Trong khi đó, không ít NTD chỉ biết so sánh về giá, nên loại nào rẻ, loại nào nhiều quà tặng là họ mua.
Trước tâm lý này, các đại lý buộc phải tung các chương trình khuyến mãi bằng hình thức tặng quà. Với những đại lý làm ăn đàng hoàng thì phải tự bỏ kinh phí ra để mua quà tặng. Chẳng hạn như với gas SP, giá quy định của Saigon Petro là 364.000đ/bình 12kg, đại lý này phải tăng giá lên 375.000đ, rồi tặng thêm một cái tô (trị giá khoảng 15.000đ).
“Biết làm vậy là sai quy định của công ty, nhưng không tặng quà không thể bán gas. Nhiều NTD không cần biết đại lý có bán đúng giá hay không, mà họ quan tâm đến quà tặng kèm theo”, chủ một đại lý cho biết.
Vẫn theo đại lý nói trên, hiện Thành Tài Gas chỉ được bán với giá 372.000đ/bình hay Gia Đình Gas giá 352.000đ/bình (nếu khách không lấy quà tặng). Chủ đại lý cho biết thêm, mới đây các doanh nghiệp đã bắt đầu có chính sách trợ giá bằng cách áp doanh số cho đại lý. Chính vì thế, nhiều đại lý đã đẩy mạnh khuyến mãi nhằm cạnh tranh.
Tuy nhiên, tình trạng khuyến mãi quá mạnh tay khiến nhiều người phải giật mình và đặt nghi vấn như một số đại lý bán một bình gas Gia Đình chưa tới 330.000đ (thấp hơn khoảng 40.000đ). Biết rằng, đại lý bán thấp hơn giá niêm yết của công ty là tốt cho NTD, tuy nhiên kiểu bán này cần phải xem lại. Trong khi đó, tình trạng chiết nạp gas lậu ngày càng rầm rộ.
65% cơ sở bán gas không đúng trọng lượng
Theo Bộ Khoa học - công nghệ, qua thanh, kiểm tra trong thời gian gần đây, cơ quan này phát hiện đến 65% cơ sở bán gas không đúng trọng lượng với mức độ gian lận khoảng 3% mỗi bình khi giao hàng.
Một cán bộ Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TP.HCM cho biết, trên thực tế tỷ lệ lượng gas bị rút ruột có thể cao hơn rất nhiều, bình gas 12kg bị thiếu 1-2kg rất phổ biến, nhưng NTD khó biết được, dù một số nơi bán hàng đem theo cân chuyên dụng để cân gas. Vấn đề là cân có được kiểm định đảm bảo đúng tiêu chuẩn hay không. Lợi nhuận vào túi các cơ sở kinh doanh gas rất lớn, NTD ngoài việc bị “móc túi” còn đối mặt nguy cơ cháy nổ khi chất lượng vỏ bình gas không đảm bảo.
Ông Phan Hoàn Kiếm, Chi cục trưởng Chi cục QLTT TP.HCM cho biết, trong quý I/2013, các đội QLTT đã phát hiện 28 vụ vi phạm, chủ yếu là vận chuyển, kinh doanh gas không hóa đơn chứng từ, gas gắn giả các nhãn hiệu, chiết nạp trái phép gas vào bình mini, vi phạm, niêm yết giá...
“Gas là mặt hàng được chỉ đạo kiểm tra thường xuyên để đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Riêng các phụ kiện gas lại thuộc nhóm hàng hóa khác nên chỉ kiểm tra về hóa đơn chứng từ, nguồn gốc xuất xứ chứ không kiểm tra độ an toàn, yếu tố này thuộc quản lý của cơ quan khác”, ông Kiếm nói.
Trong khi đó, thực tế hiện nay nhiều loại phụ kiện như dây dẫn, van gas… dỏm, trôi nổi được bày bán tràn lan cũng là một mối nguy gây cháy nổ. Phó phòng kinh doanh một công ty gas lớn ở TP.HCM cho biết, qua nhiều vụ cháy nổ gas cho thấy, nguyên nhân gây cháy nổ chủ yếu do phụ kiện, thiết bị gas kém chất lượng. Đây là vấn đề rất cần được cơ quan chức năng quan tâm kiểm tra và mạnh tay xử lý.
Theo Ban Chỉ đạo 127 (chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại) TP.HCM, TP hiện có 23 tổng đại lý gas, 22 đại lý gas, 19 trạm chiết nạp gas và 1.586 cửa hàng kinh doanh gas. Trong năm 2012, các lực lượng chức năng đã kiểm tra, phát hiện 189 cửa hàng kinh doanh gas giả mạo nhãn hiệu, kinh doanh gas trôi nổi, chiết nạp “chui” từ bình gas 12kg sang bình mini, vi phạm niêm yết giá...
Đáng lưu ý, nhiều cửa hàng có giấy phép nhưng vừa bán gas thật vừa bán gas giả nhãn hiệu, gas trôi nổi, không niêm van...; thậm chí lấy hàng trôi nổi rồi tự gắn niêm van giả bán ra thị trường.
“Lợi nhuận cao nên dù mức phạt theo trị giá hàng hóa vẫn không răn đe được các đối tượng vi phạm. Để kiểm soát hiệu quả, cần sự phối hợp của các doanh nghiệp trong việc phát hiện, thẩm định; đồng thời chủ sở hữu nhãn hiệu gas phải quản lý chặt hệ thống phân phối của mình để tránh tình trạng bình gas rỗng được bán tự do ngoài thị trường tạo cơ hội cho kẻ xấu làm gas giả…”, đại diện Chi cục QLTT TP.HCM nói.