Điện máy Xanh - "chóng mặt"với những con số
Ngành bán lẻ điện máy tại Việt Nam hiện nay vẫn được coi là một ngành còn nhiều "đất" để doanh nghiệp có thể tăng tăng trưởng.
Theo báo cáo của The Economist Intelligence Unit, thị trường bán lẻ của Việt Nam còn rất tiềm năng trong các năm tới với các yếu tố quan trọng hỗ trợ tăng trưởng chính là tỷ lệ gia tăng dân số thuộc tầng lớp trung lưu và mức độ đô thị hóa.
Nắm bắt nhu cầu thị trường, Thế giới di động (mã MWG) bắt đầu thâm nhập vào thị trường điện máy vào năm 2010 với 1 siêu thị duy nhất.
Tuy nhiên, chỉ sau 5 năm, con số này đã tăng vọt lên 50 siêu thị, một con số ấn tượng không phải thương hiệu nào cũng đạt được.
Theo tính toán của ông Trần Kinh Doanh, Tổng giám đốc công ty, đến cuối năm 2015, nếu doanh thu của MWG về đích ở mức 1 tỷ USD như kế hoạch thì Điện máy Xanh sẽ chiếm khoảng 20 – 25%.
Đầu tư vào Điện máy Xanh, MWG có thể tận dụng lợi thế về nguồn vốn, kinh nghiệm quản trị, chọn địa điểm và phát triển mặt bằng.
Tuy nhiên, việc phát triển "quá nóng" như trong thời gian qua cũng sẽ mang lại cho MWG không ít thách thức.
Trong đó, sức ép cạnh tranh để sở hữu mặt bằng bán lẻ đẹp sẽ rất gay gắt, có thể khiến chi phí hoạt động của công ty tăng lên đáng kể.
Trong khi đó, việc mở một siêu thị Điện máy Xanh tốn kém hơn rất nhiều so với một cửa hàng Thế giới di động.
Theo ông Trần Kinh Doanh, mức đầu tư vào một siêu thị Điện máy Xanh gấp 3 – 5 lần việc đầu tư hạ tầng cho một cửa hàng Thế giới di động.
Cụ thể, khi đầu tư một cửa hàng Thế giới di động mất khoảng 2,5 tỷ đồng, trong khi một siêu thị Điện máy Xanh cần đầu tư khoảng 7 – 9 tỷ đồng.
Trong khi đó, lợi nhuận biên của Điện máy Xanh thấp hơn so với Thế giới di động do vẫn đang trong giai đoạn đầu tư.
Chi phí đầu tư lớn trong khi lợi nhuận biên thấp, Điện máy Xanh còn gặp thách thức cạnh tranh không nhỏ từ các "ông lớn" trong ngành như Nguyễn Kim, Trần Anh hay "đại gia" bất động sản Vingroup với chuỗi siêu thị điện máy VinPro.
Đây đều là những đối thủ đáng gờm, nhất là khi Nguyễn Kim có sự hậu thuẫn cực lớn từ phía đại gia điện máy đến từ Thái Lan - Central Group, Trần Anh có sự giúp đỡ của tập đoàn bán lẻ điện máy Nhật Bản Nojima,...
Trong khi đó, không cần sự hỗ trợ từ đối tác ngoại, Vingroup cũng đặt ra mục tiêu khủng không kém với 25 trung tâm điện máy VinPro và 100 cửa hàng VinPro+ trong năm 2015.
Như vậy, có thể nói, thị trường điện máy Việt Nam hiện còn khá rộng mở, nhưng không vì thế mà trở nên dễ dàng với doanh nghiệp.
"Miếng bánh ngon" sẽ chỉ dành cho doanh nghiệp nào có nguồn lực và chiến lược đúng đắn.
Bách hóa Xanh - canh bạc cho năm 2017
Tại buổi gặp mặt nhà đầu tư tổ chức ngày 9/10 vừa qua, Chủ tịch công ty, ông Nguyễn Đức Tài say sưa giới thiệu về chuỗi bán lẻ mới mang tên Bách hóa Xanh với các nhà đầu tư.
"Thay vì phải chạy ra chợ truyền thống hay các cửa hàng, người tiêu dùng vào Bách hóa Xanh sẽ được tiếp cận hàng hóa phong phú hơn và tổ chức chặt chẽ, bài bản hơn.
Nếu ra chợ truyền thống mua rau như thế nào, thì người tiêu dùng có thể mua rau tại đây như thế”, Chủ tịch MWG chia sẻ.
Ông Tài cũng cho biết, MWG tham vọng chuỗi siêu thị mới sẽ trở thành chuỗi nắm giữ thị phần số 1 và lợi nhuận số 1 trong vòng 5 năm tới.
Chủ tịch MWG cũng cho hay, nếu thành công, chuỗi bán lẻ mới này sẽ đóng vai trò trụ cột tăng trưởng của MWG từ năm 2017 trở đi.
"Tăng trưởng của MWG năm 2014 đến từ mảng di động và một phần từ online. Đến năm nay, tăng trưởng sẽ đến cả từ ba mảng.
Năm 2016, phần lớn tăng trưởng của MWG dự kiến sẽ chủ yếu đến từ Điện máy Xanh và Online. Còn từ 2017, tăng trưởng của MWG sẽ dựa vào chuỗi mới", ông Tài cho biết.
Mặc dù khá hào hứng với những chia sẻ của vị Chủ tịch, nhưng nhiều nhà đầu tư không khỏi tỏ ra lo lắng về tương lai của "thành viên mới".
Các câu hỏi liên quan đến vấn đề kiểm soát chất lượng đầu vào được nhà đầu tư quan tâm hơn cả, bởi không giống với các sản phẩm điện máy, thực phẩm tươi sống có đặc thù riêng, có hạn sử dụng và cần đề cao vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.
Trong khi đó, Chủ tịch công ty lại khẳng định, hiện Bách hóa Xanh mới chỉ nhấn mạnh đến tiêu chí "Mua nhanh, Mua rẻ" còn "Mua an toàn" thì vẫn chưa có.
"Bách hóa Xanh chưa cam kết, chưa đặt tiêu chí sản phẩm an toàn lên hàng đầu vì với vài chục cửa hàng trong giai đoạn thử nghiệm thì chưa thể đảm bảo điều này".
Như vậy, có thể nói, đây sẽ là một thách thức, cũng là rủi ro lớn cho MWG khi họ chưa thể thuyết phục khách hàng về chất lượng sản phẩm, trong khi vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm chưa bao giờ được quan tâm như hiện nay.
Trong khi đó, trong trường hợp xấu nhất nếu để xảy ra các trường hợp ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người tiêu dùng như ngộ độc thực phẩm, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến không chỉ thương hiệu Bách hóa Xanh mà còn đến cả chính thương hiệu Thế giới di động mà công ty đã phải mất rất nhiều công sức xây dựng.
Chính ông Tài cũng phải thừa nhận, "nếu thử nghiệm Bách hóa Xanh thất bại thì tăng trưởng năm 2017 của MWG sẽ có vấn đề".
Bên cạnh rủi ro liên quan đến chất lượng sản phẩm, nhiều nhà đầu tư cũng tỏ ra khá lo lắng khi mặc dù Thế giới di động có 11 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực bán lẻ điện thoại; 5 năm kinh nghiệm trong bán lẻ điện máy nhưng kinh nghiệm bán lẻ trong lĩnh vực thực phẩm lại là con số 0 tròn trĩnh.
Trong khi đó, hai lĩnh vực này dường như lại...chẳng mấy liên quan tới nhau.
Trong khi bán lẻ điện thoại, điện máy liên quan nhiều đến nghiệp vụ tư vấn, thì bán lẻ thực phẩm lại thiên về vấn đề bảo quản, lưu trữ, kiểm định chất lượng đầu vào...
Theo đó, MWG gần như sẽ phải dò đường đi lại từ đầu, sẽ là một thách thức không hề nhỏ cho ban lãnh đạo doanh nghiệp.