Tách MobiFone ra khỏi VNPT: Còn đó nhiều áp lực

Mặc dù đề án tái cơ cấu vẫn phải chờ quyết định phê duyệt cuối cùng của Chính phủ, nhưng đã có rất nhiều thông tin xoay quanh phương án tách MobiFone ra khỏi VNPT.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, việc tái cơ cấu VNPT dựa trên nguyên tắc Luật Viễn thông, chống sở hữu chéo và phù hợp quy hoạch viễn thông đã được Chính phủ phê duyệt. Bên cạnh dó, tái cơ cấu lại tập đoàn VNPT vẫn phải đảm bảo mạng viễn thông tách ra sẽ hình thành một DN mạnh cấp quốc gia và bộ phận còn lại cũng là một tập đoàn mạnh.

Việc tái cơ cấu sẽ đảm bảo hình thành và duy trì được thị trường viễn thông có 3 - 4 mạng tầm cỡ quốc gia, phát triển lành mạnh. Hiện tại, VN có 3 thương hiệu viễn thông quốc gia là Vinaphone, MobiFoneViettel.

Thực tế hoạt động của VNPT thời gian qua đã bộc lộ nhiều bất cập. Nhiều chuyên gia nhận xét, nếu không tái cơ cấu, VNPT sẽ tiếp tục lao dốc trong khi các hãng viễn thông khác đang lớn mạnh lên từng ngày. Và việc tách MobiFone ra hoạt động độc lập là điều tất yếu của quy luật thị trường.

Trong thời gian dài, MobiFone thường xuyên có báo cáo doanh thu và lãi lớn, đạt mức tăng trưởng tốt. Báo cáo tài chính năm 2012 của VNPT cho thấy, trong 8.500 tỉ đồng lợi nhuận toàn tập đoàn thì MobiFone đóng góp khoảng 77,6% (tương đương 6.600 tỉ đồng).

 

Tuy nhiên, MobiFone dường như đang phải chịu quá nhiều áp lực bởi sự bao bọc của một gia đình lớn, đông con. Do phải chia sẻ gánh nặng “gia đình” nên MobiFone cũng không đủ nguồn lực để đầu tư các dự án lớn. Cho dù, thời gian qua Mobifone đã duy trì mô hình kinh doanh có độc lập tự chủ tương đối hơn so với các đơn vị khác của VNPT. Nhưng mấy năm gần đây tốc độ tăng trưởng có dấu hiệu chững lại.

Chính vì vậy, MobiFone cần có chiến lược giải pháp kinh doanh mở rộng vùng phủ sóng, tạo ra sức mạnh cạnh tranh với các DN khác. Nếu không tập trung đầu tư vào hạ tầng, Mobifone sẽ khó khăn, đó là chia sẻ của một lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông.

Theo các chuyên gia, việc tách MobiFone có thể không hoàn toàn thuận lợi ở một số mặt nào đó. Ví dụ, MobiFone sẽ gặp khó khi 2 đối thủ còn lại là Viettel và VinaPhone có đầy đủ cơ sở hạ tầng hơn hẳn. Tuy nhiên, nếu MobiFone và VinaPhone roaming với nhau theo nguyên tắc thị trường thì cũng không gặp nhiều trở ngại. Bởi mối quan hệ này chắc chắn sẽ tốt hơn mối quan hệ bằng các mệnh lệnh hành chính của các đơn vị cùng nằm trong VNPT.

Đối với VNPT, khi tách “con gà đẻ trứng vàng” MobiFone ra, thời gian đầu VNPT sẽ gặp khó khăn khi mất đi nguồn thu. Tuy nhiên, điều này hoàn toàn bình thường và phù hợp với kinh tế thị trường. VNPT sẽ buộc phải tự thay đổi, phải cơ cấu, tổ chức lại hoạt động. Đây chính là quy luật tất yếu của sự phát triển.

Còn người tiêu dùng cũng sẽ được hưởng lợi từ thương vụ này khi có thêm sự cạnh tranh giữ MobiFone và VinaPhone trên thị trường viễn thông. Một thị trường có ít nhất 3 DN tương đương cạnh tranh với nhau thì sẽ tạo thế chân vạc vững chắc và ổn định.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại