Sự thật phũ phàng sau thành công của ông Huỳnh Uy Dũng

Ông Huỳnh Uy Dũng (tức ông Dũng “lò vôi”) phải “dứt áo” ra đi khỏi tỉnh này để chuyển hộ khẩu về TP.HCM, trở thành một nhà đầu tư “bất đắc dĩ” tại tỉnh Bình Dương.

Mấy ai ở đời biết được một đại gia có tiếng tăm lừng lẫy trong giới kinh doanh, là chủ của nhiều Khu công nghiệp Sóng Thần 1, 2, 3, nhiều khu dân cư, Khu du lịch Đại Nam và là nhân vật có nhiều đóng góp rất lớn cho sự phát triển kinh tế của tỉnh Bình Dương như ông Huỳnh Uy Dũng (tức ông Dũng “lò vôi”) lại phải “dứt áo” ra đi khỏi tỉnh này để chuyển hộ khẩu về TP.HCM, trở thành một nhà đầu tư “bất đắc dĩ” tại tỉnh Bình Dương. Sự thật phũ phàng sau sự thành công của ông Dũng “lò vôi” đã dần hé lộ…

“Quả đắng” bị bội tín của ông Dũng “lò vôi”

Ông Dũng “lò vôi” nhớ lại thời điểm đầu năm 2004, tỉnh Bình Dương gặp nhiều khó khăn với món nợ khổng lồ cả 1.000 tỷ đồng đến hạn phải trả cho Bộ Tài chính nhưng không đủ khả năng gồng gánh món nợ phải trả này nên đã vận động ông mua lại khu đất trong Khu liên hợp công nghiệp – dịch vụ - đô thị Bình Dương (sau đây xin gọi tắt là Khu liên hợp) để một mặt khi thấy ông vào đầu tư thì thu hút thêm nhiều nhà đầu tư khác cùng nhảy vào và mặt khác cũng để tỉnh có thêm tiền trả nợ đúng hạn.

Ông Huỳnh Uy Dũng.
Ông Huỳnh Uy Dũng.

“Thật tình lúc đó tôi không muốn làm nữa, cộng thêm vì đã đuối sức do đang làm Khu du lịch Đại Nam. Muốn mua khu đất mà tỉnh vận động thì tôi phải vay ngân hàng hơn 400 tỷ đồng, một số tiền rất lớn vào thời điểm đó. Tuy nhiên, tôi nghĩ cần phải giúp tỉnh trong những lúc khó khăn như thế này nên cuối cùng tôi cũng đồng ý” – ông Dũng “lò vôi” nhớ lại.

Lâu nay, người ta cứ nghĩ ông Dũng “lò vôi” được tỉnh Bình Dương ưu ái trong mọi hoạt động kinh doanh chứ có ai ngờ đâu ông Dũng “lò vôi” lại đâm đơn tố cáo ông chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Lê Thanh Cung? Trao đổi với chúng tôi, ông Dũng “lò vôi” bảo rằng, ông bị một “quả lừa” của UBND tỉnh Bình Dương trong việc mua lại đất trong Khu liên hợp.

“Hồi đó, trước khi mua khu đất, tôi đã hỏi và tỉnh bảo với tôi đất này của tỉnh nên tôi mới mua để giúp tỉnh Bình Dương giữ “chữ tín”, có tiền trả nợ Bộ Tài chính 1.000 tỷ đồng, chứ tôi mà biết sau này tỉnh giao lại cho Becamex làm chủ đầu tư Khu liên hợp thì một đồng tôi cũng không mua vì trên đầu một DN chỉ có chính quyền chứ không thể là một DN khác cùng ngành nghề được. Tuy nhiên, sau khi có tiền trả nợ cho Bộ Tài chính 1.000 tỷ đồng thì UBND tỉnh Bình Dương đã “bội tín”, quay ngoắt lại, giao cho Becamex làm chủ đầu tư Khu liên hợp”.

Đó là mốc thời gian khởi đầu cho những “tấn bi kịch trò đời” trong kinh doanh mà ông Dũng “lò vôi” phải gánh chịu. Ở đời, “được chim quăng ná, được cá quăng nôm” cũng là lẽ thường tình. Sau khi chủ đầu tư KCN Sóng Thần 3 là Công ty Cổ phần phát triển KCN Sóng Thần (công ty của ông Dũng “lò vôi”, sau này đổi tên là Công ty Cổ phần Đại Nam, sau đây xin gọi tắt là công ty) thực hiện xong nghĩa vụ tài chính, UBND tỉnh Bình Dương đã phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2.000 KCN Sóng Thần 3 thuộc Khu liên hợp.

Theo định hướng của tỉnh cần giảm bớt diện tích KCN chuyển sang phát triển dịch vụ để đảm bảo cảnh quan cho khu hành chính của tỉnh Bình Dương (tại thông báo số 11/TB –UBND ngày 17.1.2008 của UBND tỉnh Bình Dương), chủ đầu tư KCN Sóng Thần 3 đã có văn bản xin UBND tỉnh Bình Dương chấp thuận cho điều chỉnh, chia tách KCN Sóng Thần 3 thành 2 dự án: Khu dân cư đô thị Đại Nam và KCN Sóng Thần 3. Và đây cũng chính là thời điểm mà nhiều nhà đầu tư hiện có mặt trong Khu liên hợp chịu chung số phận tương tự như ông Dũng “lò vôi”. Tuy nhiên, sau một thời gian chờ đợi không được phê duyệt, ông Dũng “lò vôi” đã từ bỏ ý định chia tách, chỉ đề nghị làm đúng như những gì tỉnh đã phê duyệt tại quy hoạch chi tiết 1/2000.

“Ngâm” quy hoạch chi tiết 1/500

Tại thời điểm mà đoàn kiểm tra của tỉnh đến làm việc, có lập biên bản làm việc vào ngày 25.8.2009, ông Huỳnh Uy Dũng kiến nghị: "Chủ đầu tư chính thức đề nghị thực hiện theo quy hoạch được duyệt, không đề nghị chuyển đổi một phần đất KCN thành đất ở, không chuyển đổi mục đích sử dụng đất".

Khu công nghiệp Sóng Thần 3.
Khu công nghiệp Sóng Thần 3.

Sau khi kiểm tra, Sở Xây dựng đã có báo cáo kết quả (số 2021/BC-SXD ngày 4/9/2009) cho UBND tỉnh Bình Dương. Theo đó, Đoàn kiểm tra thống nhất việc thỏa thuận góp vốn của chủ đầu tư là phù hợp với quy định của pháp luật. Trong văn bản này, Sở Xây dựng nêu rõ như sau: Kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo Công ty Cổ phần Đại Nam lập quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 cho khu đất hành chính - dịch vụ - kho bãi và khu ở trong KCN với diện tích 71,388ha (chủ đầu tư đã đồng ý nội dung này tại buổi làm việc với Đoàn kiểm tra ngày 26.8.2009).

Xin nhấn mạnh lại là lập quy hoạch chi tiết 1/500 cho khu đất hành chính - dịch vụ - kho bãi và khu ở trong KCN với diện tích 71,388ha (đúng với quy hoạch chi tiết 1/2000 mà tỉnh Bình Dương đã phê duyệt cho chủ đầu tư KCN Sóng Thần 3). Sau kiến nghị này, ngày 21.10.2009, ông Lê Thanh Cung (thời điểm đó là phó chủ tịch thường trực, nay là chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương) đã ban hành văn bản 3184/UBND - KTTH trong đó có nội dung: "Yêu cầu chủ đầu tư KCN Sóng Thần 3 khẩn trương lập và trình cấp thẩm quyền phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 đối với khu chức năng (hành chính - dịch vụ, kho bãi và khu ở), đến tháng 12.2009 phải hoàn thành để làm cơ sở triển khai thực hiện đúng mục đích".

Sau chỉ đạo này 1 ngày, chủ đầu tư KCN Sóng Thần 3 đã có văn bản (số 341/CV.ĐN) về việc xin phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 Khu hành chính - dịch vụ - kho bãi và khu ở trong KCN Sóng Thần 3 (không phải quy hoạch chi tiết 1/500 cho Khu dân cư Đại Nam như trả lời của tỉnh tại cuộc họp nói trên) với tổng diện tích 136,6 ha nhưng vẫn đảm bảo đúng như quy hoạch chi tiết 1/2000 đã được phê duyệt chứ không hề thay đổi. Dù chủ đầu tư đã đáp ứng mọi yêu cầu của tỉnh đề ra nhưng kể từ đó đến nay, quy hoạch chi tiết 1/500 KCN Sóng Thần vẫn chưa được UBND tỉnh Bình Dương phê duyệt.

Kiểu này, 100 ông Dũng “lò vôi” cũng chết!

Ông Dũng “lò vôi” bức xúc cho biết: “Khu đất có diện tích 61,49ha đã có chủ quyền trong KCN của chúng tôi được tỉnh Bình Dương công nhận là đất ở và được phép sử dụng lâu dài nhưng từ khi ông chín Cung (tức ông Lê Thanh Cung – thời điểm này là phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Dương) về làm lãnh đạo tỉnh, ông ta đã ban hành một văn bản cấm chuyển nhượng dưới bất cứ hình thức nào là trái với luật đất đai 2003 và đồng nghĩa với việc giết chết một doanh nghiệp”.

Do bị “giam hãm” quy hoạch chi tiết 1/500, gần 50% CBCNV tham gia góp vốn đã đòi lại tiền. Chủ đầu tư KCN Sóng Thần 3 đã phải trả lại toàn bộ số tiền góp vốn kể cả lãi suất ngân hàng gần 400 tỷ đồng. Suốt nhiều năm chờ đợi cái quy hoạch chi tiết 1/500, đến nay vẫn chưa được UBND tỉnh Bình Dương phê duyệt, với lãi suất ngân hàng cho số tiền vay 400 tỷ đồng là một con số không nhỏ đối với một doanh nghiệp.

“Nếu không đủ uy tín và tiền bạc thì 100 Công ty cổ phần Đại Nam, kể cả 100 ông Dũng “lò vôi” cũng chết dưới tay của ông Lê Thanh Cung và Becamex. Chúng tôi đã làm văn bản kiến nghị nhiều lần nhưng hình như họ không nghe thấy gì!” – ông Dũng “lò vôi” bức xúc nói.

Vụ việc đã lên cao trào, những vướng mắc, khó khăn, bức xúc đã không còn là chuyện của cá nhân ông Dũng “lò vôi” nữa mà hàng vạn doanh nghiệp trong cả nước cũng đang “sống dở chết dở” vì “cái lệ” ở địa phương đè nặng. Sau khi ông Dũng “lò vôi” gửi đơn tố cáo lên Thủ tướng Chính phủ, ông Vũ Đức Đam – Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho hay, Thủ tướng Chính phủ đang xem xét đơn tố cáo của ông Huỳnh Uy Dũng để xử lý theo quy định của Luật tố cáo. Quan điểm của Chính phủ là sẽ xử lý nghiêm nếu phát hiện cá nhân nào có sai phạm để đảm bảo môi trường đầu tư thật sự lành mạnh.

“Cái tát” cho UBND tỉnh Bình Dương

Ngày 23.10, UBND tỉnh Bình Dương đã gửi thư mời ông Dũng “lò vôi” đến “Họp giải quyết các vấn đề vướng mắc dự án KCN Sóng Thần 3”. Tuy nhiên, sau khi nhận được giấy mời này, ông Dũng "lò vôi" đã chính thức từ chối không đến dự.

Trao đổi với chúng tôi, ông Dũng chia sẻ: “Nếu trước đây nhiều năm, tôi nhận được một thư mời như thế này thì tôi “trăm trân nghìn trọng” UBND tỉnh Bình Dương. Còn bây giờ, sau nhiều năm chờ đợi không hồi âm đã hết kiên nhẫn tới mức tôi phải làm đơn tố cáo gửi đến Thủ tướng Chính phủ. Có lẽ vì vậy mà UBND tỉnh Bình Dương mời tôi đến gặp để giải quyết vướng mắc khó khăn. Tôi xin cảm ơn sự quan tâm này. Tuy nhiên, sự quan tâm của UBND tỉnh Bình Dương đã quá muộn màng.

Chúng tôi chờ đợi mòn mỏi đã nhiều năm nay rồi thì có chờ thêm một thời gian nữa cũng không sao. Tôi nghĩ rằng, nếu không có đơn tố cáo của tôi và công luận lên tiếng mấy ngày qua, liệu UBND tỉnh Bình Dương có “trân trọng” mời chúng tôi đến họp bàn giải quyết các vấn đề vướng mắc, khó khăn trong triển khai dự án KCN Sóng Thần 3 hay vẫn tiếp tục im lặng một cách khó hiểu như nhiều năm nay?

Tôi mong muốn các cơ quan chức năng vào cuộc để làm rõ, tháo gỡ “cái lệ” lâu nay đã đè nặng lên hàng vạn doanh nghiệp, chứ không riêng gì tôi. Vì thế, nó không còn là chuyện của cá nhân tôi nữa. Đó là lý do tôi từ chối lời mời họp giải quyết vướng mắc của UBND tỉnh Bình Dương".

Việc từ chối của ông Dũng “lò vôi” được dư luận bình phẩm đó như một “cái tát” vào UBND tỉnh Bình Dương. Nó phơi bày một sự thật phũ phàng mà ông Dũng “lò vôi” đã chịu đựng nhiều năm qua, góp phần đưa đẩy ông rời khỏi tỉnh Bình Dương – mảnh đất mà ông luôn cho rằng đó là một phần máu thịt của mình.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại