Giá điện được điều chỉnh từ ngày 16-3-2015 với mức bán lẻ bình quân tăng 7,5% so với giá trước đó, nhưng nhiều người cho biết tiền điện của gia đình mình tăng gấp đôi, thậm chí gần gấp 3 lần.
Hiện tượng bất thường nhất từ trước đến nay
“Chuyện gì đang xảy ra vậy?” là câu hỏi mà một bạn đọc đã đặt ra khi thấy hóa đơn tiền điện tăng gấp 2 dù mọi sinh hoạt trong gia đình vẫn diễn ra bình thường.
Nhiều gia đình tưởng rằng tiền điện chỉ tăng vài phần trăm (7,5%) như ngành điện công bố.
Bạn đọc này cho biết mình phải trả khoảng 700.000 đồng/tháng một kỳ hóa đơn điện, đến tháng 3-2105 thì tăng lên 1.200.000 đồng và hóa đơn tiền điện tháng 5-2015 đã lên đến gần 1.700.000 đồng.
Một bạn đọc khác cho biết tiền điện tháng 4-2014 là 2.200.000 đồng, trong khi trước đó chỉ khoảng 1.400.000 đồng/tháng. Tiền điện tháng 5 tăng 2,6 lần là trường hợp xảy ra với độc giả Trần Hùng.
"Tiền điện nhà tôi cả năm nay chỉ ở mức 700.000 - 800.000 đồng/tháng kể cả vào mùa nóng, năm nay kỳ hóa đơn tiền điện tháng 5 lên đến 1.559.000 đồng" - bạn đọc tên Duy bức xúc.
Nhiều người cho rằng cách tính tiền điện theo bậc thang lũy tiến chính là nguyên nhân làm hóa đơn tiền điện tăng vọt.
Ngoài ra, nhiều bạn đọc còn đặt câu hỏi liệu thời điểm ghi số điện không cố định có làm hóa đơn tiền điện tăng khác thường?
Ngày chốt số cũng... nhảy
Chị Linh Đan cho biết: “Tháng trước mấy anh ghi điện chốt ngày 8, nhưng tháng sau ngày 14 mới đi ghi điện.
Kết quả là nhà tôi bị tốn thêm 300.000 đồng tiền điện cho việc xài quá định mức và việc này cứ lặp lại cho những tháng tiếp theo”.
Chỉ cần ghi chỉ số điện trễ khoảng một tuần thì tiền điện tháng đó sẽ tăng gấp đôi liền mặc dù công suất tiêu thụ vẫn vậy.
Giá bán lẻ điện sinh hoạt gồm 6 bậc:
Bậc 1 cho kW từ 0-50 là 1.484 đồng/kWh;
Bậc 2 cho kW từ 51 - 100 là 1.533 đồng/kWh;
Bậc 3 cho kW từ 101 - 200 là 1.786 đồng/kWh;
Bậc 4 cho kW từ 201 - 300 là 2.242 đồng/kWh;
Bậc 5 cho kW từ 301 - 400 là 2.503 đồng/kWh;
Bậc 6 cho kW từ 401 trở lên là 2.587 đồng/kWh.
Trước đó, sau khi có thắc mắc về sự tăng vọt của tiền điện, Công ty Điện lực đã đến tận nhà chị Phan Thị Như Phượng (ở đường số 7, P.Bình Chiểu, Q.Thủ Đức, TP.HCM) kiểm tra.
Kết quả cho thấy đồng hồ điện bình thường. Tuy nhiên, chị Phượng vẫn nghi ngờ “có thể trong quá trình ghi điện, nhân viên điện lực đã ghi không chuẩn dẫn đến tình trạng điện không ghi của tháng trước dồn qua tháng sau nên tiền điện mới tăng như vậy”.
Bạn đọc Kim Thoa thắc mắc tại sao giá điện chỉ tăng 7,5% mà hóa đơn tiền điện của nhiều gia đình lại tăng gấp hai, gấp ba.
“Đề nghị ngành điện lực nên có văn bản thông tin rõ cho người dân biết vì sao tăng giá điện khoảng 7,5% mà nhiều nhà khốn đốn vì hóa đơn tiền điện tăng gấp đôi?
Đã tăng 7,5% thì tính cách gì cũng chỉ tính 7,5% thôi chứ sao lại thế?” - bạn đọc đặt câu hỏi.
Bạn đọc Hồng Ân đề nghị nên bỏ cách tính tiền theo lũy tiến vì cách tính này đã lỗi thời so với tình hình kinh tế hiện nay.
“Cách tính lũy tiến như thế này là bắt chẹt người dân” - bạn đọc viết.
Nói về lý do tiền điện tăng, đại diện các công ty điện lực đều cho rằng thời tiết nóng, nhu cầu sử dụng điện của khách hàng tăng cộng với việc giá điện tăng từ ngày 16-3 đã làm hóa đơn tiền điện của nhiều hộ gia đình thay đổi.
7,5% chỉ là mức tăng bình quân, nếu khách hàng sử dụng điện nhiều gấp đôi so với trước đây thì với cách tính theo bậc thang lũy tiến thì số tiền phải trả có khi gấp 2,5 đến 3 lần so với trước là lý giải của ông Nguyễn Thanh Phong - phó giám đốc Công ty Điện lực Thủ Đức (TP.HCM).
Cần một cuộc “đại phẫu” giá điện để dân đồng thuận?
Đó là ý kiến của chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long. Ông Long phân tích từ năm 2007 đến nay, giá điện đã tăng 8 lần, lần gần nhất là ngày 16-3, tăng với biên độ tương đối lớn (7,5%).
“Giá điện theo các bậc lũy tiến được tính từ ngày 16-3 chỉ có lợi cho nhà sản xuất chứ không có lợi cho người tiêu dùng” - tiến sĩ Ngô Trí Long nhận định.
Nguyên nhân tiền điện tăng vọt, ngoài nhu cầu sử dụng nhiều điện do thời tiết nắng nóng, giá điện tăng và cách tính lũy tiến, theo ông Long, không loại trừ khả năng những thiết đo lường thiếu sự chuẩn xác.
Theo ông Long, không phải người tiêu dùng không chia sẻ khó khăn với ngành điện mà người tiêu dùng chưa đồng thuận vì sự minh bạch trong hoạt động của EVN.
“Nên có một cuộc đại phẫu thuật với sự tham gia của các cơ quan chuyên môn, cơ quan tư vấn, kiểm định độc lập có đủ chuyên môn” để tính toán giá điện sao cho hợp lý và tạo được sự đồng thuận cao nhất từ người tiêu dùng, ông Long nêu ý kiến.