Tại giao ban của Ban chỉ đạo công tác phòng chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại (Ban chỉ đạo 127), Thiếu tướng Nguyễn Tiến Lực, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm (Bộ CA), khẳng định: ‘Thương hiệu vàng miếng quốc gia giúp SJC hưởng lợi’.
Theo Thiếu tướng Nguyễn Tiến Lực, trong khi SJC hốt bạc thì những thương hiệu khác thì bị phương hại.
Ông cho biết từ 2012 đến nay, đã xuất hiện độ chênh lệch khá lớn giữa giá vàng trong nước và giá vàng nước ngoài. Đồng thời, cũng xuất hiện tình trạng vàng giả SJC, vàng kém chất lượng đưa vào các doanh nghiệp kinh doanh bán cho dân.
Từ khi vàng SJC trở thành thương hiệu quốc gia, giá của loại vàng này với các thương hiệu khác luôn có một khoản chênh nhất định.
Hiện tại, so với các thương hiệu vàng Rồng Thăng Long của Bảo tín Minh Châu, giá vàng SJC cao hơn gần 3 triệu đồng/lượng, trong khi đó, vàng AAA của Tổng công ty kinh doanh vàng Agribank thấp hơn SJC 2 triệu đồng/lượng. Một số thương hiệu vàng như ACB (của Ngân hàng ACB), Thần Tài (của Sacombank)... thì mức chênh thấp cũng vài trăm ngàn đồng mỗi lượng.
Trước đó, ngay khi NHNN cho phép chuyển đổi thương hiệu vàng khác được gia công thành vàng SJC, các doanh nghiệp "mừng" ra mặt. Họ lập tức xin dập lại số vàng tồn sang SJC.
Theo một giám đốc doanh nghiệp vàng tại Hà Nội: "Khi nhận được tin NHNN cho dập lại 35 ngàn lượng vàng miếng, chúng tôi đã xin cơ quan này cho dập 5000 lượng. Vừa qua, chúng tôi được NHNN cho phép dập 1000 lượng".
Theo tính toán của vị giám đốc này, việc gia công hoàn tất, chỉ bán sang tay, doanh nghiệp của ông cũng lãi 3 triệu đồng/lượng. Với 1000 lượng vàng, trừ đi phí gia công gần 100 nghìn đồng/lượng, doanh nghiệp này đã đút túi gần 3 tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Thanh Trúc, tổng giám đốc công ty vàng Agribank, khi nhận được sự đồng ý gia công của NHNN thì các doanh nghiệp cũng phải chịu một số chi phí nhất định.
Ngoài việc "thuê" gia công 50.000 đồng/lượng cho phía Tổng công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC), các doanh nghiệp còn mất thêm tiền vận chuyển vàng từ Hà Nội vào TP.HCM để dập. Sau đó, doanh nghiệp lại vận chuyển vàng từ Nam ra Hà Nội. Tổng các chi phí để gia công một lượng vàng miếng sang SJC xấp xỉ 100.000 đồng/lượng.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, cơ chế độc quyền đã giúp các doanh nghiệp kiếm được lãi "khủng" khi chuyển đổi từ phi SJC sang SJC. Thêm nữa trong bối cảnh chênh lệch giá như hiện nay thì lại làm lợi cho doanh nghiệp quá nhiều.