Sáp nhập Sacombank và Southernbank: Ẩn chứa điều gì?

Sacombank là một trong các ngân hàng cổ phần hoạt động hiệu quả nhất và có vốn điều lệ nằm trong nhóm các ngân hàng lớn trong nước.

Dẫu việc sáp nhập ngân hàng Phương Nam (Southernbank) vào Sacombank chỉ còn là vấn đề thời gian, nhưng điều khiến giới đầu tư tài chính và nhiều cổ đông Sacombank không khỏi băn khăn đó là trong thương vụ sáp nhập này, thực sự ẩn chứa điều gì và ai sẽ là người được lợi?

Sáp nhập một cơ thể ốm yếu

Trên website chính thức của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín - Sacombank cho biết, Ngân hàng TMCP Phương Nam đã đề nghị được sáp nhập vào Sacombank. Theo đó, Sacombank đã tiếp nhận đề nghị và hiện đang trong qúa trình nghiên cứu và xây dựng đề án để trình Ngân hàng Nhà nước, các cơ quan quản lý và đại hội đồng cổ đông trong kỳ họp vào 25/3/2014 xem xét về mặt chủ trương trước khi tiến hành sáp nhập.

Thực tế, nếu đặt Southernbank lên bàn cân với Sacombank sẽ là một sự so sánh khập khiễng. Hiện tại Sacombank là một trong các ngân hàng cổ phần hoạt động hiệu quả nhất và có vốn điều lệ nằm trong nhóm các ngân hàng lớn trong nước.

Trong khi đó, Southernbank không có nhiều người biết đến bởi quy mô quá nhỏ và chỉ hoạt động tầm địa phương. Southernbank được thành lập năm 1993 nhưng mãi đến năm 2000 số vốn vỏn vẹn chỉ có 100 tỷ đồng. Năm 2008 thời kỳ “đỉnh cao”của thị trường tài chính Việt Nam, ngân hàng này cũng mới chỉ có vốn chủ sở hữu khoảng 2.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, kể từ năm 2008 đến nay bất chấp tình trạng khó khăn của nền kinh tế, Southernbank đã tăng vốn điều lệ lên 4.000 tỷ đồng.

Ngược lại với việc tăng vốn điều lệ ồ ạt thì hiệu quả hoạt động của Southernbank lại ở mức rất thấp. Lợi nhuận sau thuế từ mức gần 100 tỷ đồng năm 2005 nhưng mãi đến năm 2012 cũng chỉ đạt 120 tỷ đồng. Kết quả kinh doanh càng tệ hại khi 9 tháng đầu năm 2013 mới lãi ròng 226,5 tỷ đồng. Con số này không hoàn toàn tương xứng với số vốn điều lệ. Hiệu quả kinh doanh của Southermbank trong mấy năm qua đều rất thấp.

Theo báo cáo tài chính Q3/2013, tổng tiền gửi của khách hàng tại ngân hàng là 66.545 tỷ đồng, tuy nhiên, số tiền cho khách hàng vay chỉ có 43.367 tỷ đồng. Phần tài sản còn lại chủ yếu nằm trong khoản phải thu là 24.995 tỷ đồng. Trong thuyết minh báo cáo tài chính không nói rõ nhưng đây có thể là các khoản nợ chưa thu hồi được và đang bị “treo” lại.

Điều đáng nói là Southernbank vẫn chưa trích lập bất kỳ một khoản tiền nào cho khoản phải thu khổng lồ này. Báo cáo tài chính gần nhất cũng cho thấy tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng này là 3,8%, tăng 25% so với cuối năm 2012. Có lẽ đây là một tỷ lệ thấp hơn nhiều so với con số thực tế của một ngân hàng có tình trạng tài chính được xem là yếu kém.

Sau thương vụ sáp nhập này, ai được lợi?. Ảnh: internet

Sacombank và cổ đông: gánh nợ xấu

Thông tin ban đầu cho hay, ngân hàng sau khi sáp nhập giữ tên là Sacombank và thương hiệu Southernbank sẽ không tồn tại nữa. Theo tính toán sơ khởi, Sacombank mới có vốn điều lệ gần 16.500 tỷ đồng (bằng tổng vốn điều lệ hiện tại của Sacombank 12.425 tỷ đồng và Southernbank 4.000 tỷ đồng), với tổng tài sản khoảng 240.000 tỷ đồng. Theo đó quy mô của ngân hàng mới chỉ đứng sau 4 ngân hàng quốc doanh hiện nay.

Theo báo cáo tài chính, ông Trầm Bê và gia đình ông nắm tỷ lệ 20,81% cổ phần của Southernbank, còn tại Sacombank. dù chính thức ông Trâm Bê và gia đình chỉ sở hữu có 6,8% cổ phần nhưng nhiều người cho rằng tỷ lệ thực tế có thể cao hơn.

Nếu thương vụ sáp nhập thành công, điều dễ dàng nhìn thấy là ngân hàng mới sẽ tăng lên về quy mô như mạng lưới giao dịch, chi nhánh, tổng tài sản và vốn điều lệ. Tuy nhiên điều mà cổ đông của hai ngân hàng, đặc biệt với cổ đông Sacombank cũ họ quan tâm đến hiệu quả hoạt động của ngân hàng mới hơn là phần nổi ai cũng nhìn thấy.

Về mặt lý thuyết, nguyên tắc cơ bản mua bán sáp nhập (M&A) là phải tạo ra giá trị gia tăng cho cổ đông hơn so với việc trước sáp nhập. Đồng thời, về năng lực cạnh tranh, những công ty mạnh mua lại công ty khác thường nhằm tạo ra một công ty mới với năng lực cạnh tranh cao hơn, đạt hiệu quả tốt về chi phí, chiếm lĩnh thị phần lớn hơn, hiệu quả vận hành cũng hơn.

Trong khi đó, hai đơn vị đang sáp nhập đang có xu hướng ngược nhau. Sacombank đang là ngân hàng bán lẻ hoạt động hiệu quả, trong khi Southernbank lại đối mặt với tỷ lê nợ xấu đang có xu hướng gia tăng và những khoản phải thu ngất ngưởng.

Phân tích của CTCK Bản Việt (VCSC), thương vụ M&A này sẽ tăng thêm gánh nặng nợ xấu lên Sacombank và ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của ngân hàng do việc kinh doanh của Southernbank thời gian gần đây có diễn biến không tốt.

Như vậy, nếu việc sáp nhập này diễn ra như dự tính, đây không hẳn là một phép tính cộng bình thường mà nó có thể ẩn chứa nhiều điều khác đằng sau.

Nếu vụ sáp nhập thành công và với tỷ lệ 1:1 (để vốn điều lệ tăng tương ứng vốn 2 ngân hàng), điều đó có nghĩa một phần lớn cổ phiếu của Southernbank sẽ biến thành cổ phiếu của Sacombank mới. Theo đó, cổ phiếu này có giá trị cao hơn rất nhiều so với Southernbank. Còn tình trạng sức khỏe thật sự của Sacombank mới có lẽ cũng chẳng có gì sáng sủa. Ai được lợi trong câu chuyện này, thiết nghĩ câu trả lời đã khá rõ ràng.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại