Sau sáp nhập, Sacombank sẽ chỉ đứng sau 4 ngân hàng quốc doanh

Thương hiệu Southernbank sau đó sẽ không còn tồn tại, thay vào đó là cái tên hợp nhất Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín Sacombank.

Thông tin từ ông Phạm Hữu Phú, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cho hay, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2014 diễn ra vào 25/3 tới đây, Sacombank sẽ trình đại hội cổ đông thông qua phương án sáp nhập một ngân hàng khác.

Ông Phú nói, “Hiện tại tên ngân hàng nào sẽ sáp nhập vào Sacombank chưa cụ thể, lý do sẽ phải chờ ý kiến Ngân hàng Nhà nước. Vào ngày 10/3 này, mọi thông tin sẽ rõ ràng”.

Trong một diễn biến khác, tổng giám đốc Sacombank Phan Huy Khang chia sẻ, vừa qua SouthernBank đã có văn bản đề nghị được sáp nhập vào Sacombank. Sacombank đã tiếp nhận và đang tiến hành các thủ tục, xây dựng đề án để trình Ngân hàng Nhà nước và Đại hội đồng cổ đông thông qua trong kỳ họp tới đây.

Ông Khang cho biết, từ năm 2013, đại hội đồng cổ đông Sacombank đã ủy nhiệm cho hội đồng quản trị tìm kiếm ngân hàng nhỏ để sáp nhập nếu thuận lợi. Sau thời gian tìm hiểu, ban lãnh đạo Sacombank nhận thấy sáp nhập với Phương Nam là thuận lợi vì có nhiều điểm tương đồng.

"Phương Nam cũng nhận thấy họ tự tái cấu trúc là không khả thi, nên đã đề nghị được sáp nhập vào Sacombank. Từ đó hai bên thống nhất nghiên cứu khả năng sáp nhập. Việc này đối với cả hai là tự nguyện, phù hợp với chủ trương của Nhà nước", ông Khang nói.

Sau sáp nhập, Sacombank sẽ chỉ đứng sau 4 ngân hàng quốc doanh - Ảnh 1

Tổng giám đốc Sacombank cho biết, đề án sáp nhập sẽ thống nhất giữ toàn bộ nhân sự của hai bên. Thương hiệu Southernbank sau đó sẽ không còn tồn tại, thay vào đó là cái tên hợp nhất Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín.

Như vậy, nếu thương vụ này thành công, ngân hàng sau sáp nhập sẽ giữ tên Sacombank. Tổng vốn điều lệ của Sacombank sau đó sẽ lên gần 16.500 tỷ đồng (bằng tổng vốn điều lệ hiện tại của Sacombank là 12.425 tỷ đồng và 4.000 tỷ đồng của Southernbank). Với tổng tài sản khoảng 240.000 tỷ đồng, Sacombank sẽ nâng cao vị thế và chỉ đứng sau 4 ngân hàng vốn nhà nước.

Theo Tổng giám đốc Phan Huy Khang, việc sáp nhập để tạo ra các ngân hàng lớn, vững mạnh hơn đang là xu thế tất yếu của việc tái cơ cấu thị trường tài chính, ngân hàng, được các cơ quan quản lý ủng hộ. Ngoài ra, việc sáp nhập cũng mang tới khả năng mở rộng hoạt động cho ngân hàng cũng như đối tác sáp nhập, bổ sung lợi thế kinh doanh cũng như quản lý chi phí.

"Nếu sáp nhập thành công, Phương Nam cũng sẽ đi theo xu hướng đẩy mạnh hoạt động bán lẻ-vốn là thế mạnh hiện nay của Sacombank", ông Khang chia sẻ. Còn về tỷ lệ hoán đổi cổ phần, thành viên ban lãnh đạo sau sáp nhập, sẽ thảo luận chi tiết trong đề án và công bố sau, ông Khang cho biết thêm.

Trong lộ trình tái cơ cấu bắt đầu từ năm 2012 đến nay, bên cạnh việc xử lý những đơn vị quy mô nhỏ hoạt động không hiệu quả và không minh bạch về quản trị, sở hữu, thì kế hoạch sáp nhập để cho ra đời một số ngân hàng quy mô lớn tầm khu vực cũng là một chủ trương được các nhà băng lớn quan tâm thực hiện.

Thương vụ giữa Sacombank và Sourthenbank nếu thành công sẽ là vụ sáp nhập đình đám tiếp theo trên thị trường. Trước đó, đã có vụ sáp nhập của 3 nhà băng tại thành phố HCM vào cuối năm 2011. Tại Hà Nội, Habubank và SHB đã sáp nhập năm 2012 và gần đây nhất là hợp nhất Western Bank với Công ty Tài chính PVFC.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại