Gây ồn ào dư luận từ cuối năm ngoái khi tại ĐHCĐ của HDBank thông tin nhà băng này sẽ sáp nhập với một nhà băng khác được đưa ra lấy ý kiến cổ đông. Dư luận lúc đó dấy lên câu hỏi, vì sao HDBank lại muốn sáp nhập với một nhà băng khác? Thương vụ này thành công sẽ tạo nên một tiền đề mới trong quá trình tái cơ cấu các TCTD đang được khẩn trương thực hiện, không chỉ TCTD yếu kém mới hợp nhất, sáp nhập.
Tới thời điểm này gần như mọi việc thương thảo giữa hai bên cho thương vụ sáp nhập đã hoàn tất. Ngày 25/9 tới, DaiABank sẽ tổ chức ĐHCĐ bất thường và sẽ thông qua chuyện sáp nhập với HDBank.
Đại diện cho HDBank, Phó tổng giám đốc Lê Thành Trung trả lời VTV cho biết, đề án sáp nhập đã cơ bản hoàn thiện, chỉ chờ kết quả từ ĐHCĐ bất thường của DaiABank ngày 25/9 là hai bên sẽ trình NHNN thông qua đề án sáp nhập này.
Thực tế, từ cuối năm ngoái về mặt chủ trương NHNN đã đồng ý cho HDBank "kết hôn" với DaiABank.
Một câu hỏi đặt ra, sau khi sáp nhập vấn đề nhân sự của hai nhà băng sẽ ra sao khi cả hai đều "sở hữu" một lực lượng nhân sự khá hùng hậu. Trả lời câu hỏi này, ông Lê Thành Trung cho hay, cũng giống như những thương vụ sáp nhập của các ngân hàng trước đó, các lao động của hai nhà băng, cũng như quyền lợi, nghĩa vụ và đối tác của HDBank và DaiABank vẫn sẽ được giữ nguyên và hoạt động, làm việc bình thường.
Liên quan tới quyền lợi cổ đông sau khi sáp nhập, Phó tổng HDBank thông tin thêm, tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu trong thương vụ này sẽ là 1:1, nghĩa là 1 cổ phiếu HDBank sẽ đổi bằng 1 cổ phiếu DaiABank và ngược lại. "Với tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu này sẽ khiến các cổ đông có thêm niềm tin, rằng không nhất thiết phải thoái vốn ra khỏi TCTD mà sẽ "ở lại" với ngân hàng mới sau sáp nhập để nâng vốn của mình lên" – ông Trung nói.
Được biết, khác với những thương vụ sáp nhập ngân hàng đã thành công trước đây, HDBank và DaiABank đều được đánh giá là những TCTD "khỏe mạnh". Ngân hàng sau sáp nhập sẽ có vốn điều lệ 8.000 tỷ đồng, tổng tài sản 100.000 tỷ đồng và sẽ lọt vào top 10 ngân hàng lớn nhất Việt Nam.
Thời gian này thị trường tài chính đang "đổ dồn" sự chú ý vào thương vụ sáp nhập giữa NHTMCP Phương Tây (WesternBank) và Tổng công ty CP Tài chính dầu khí (PVFC). Ngân hàng mới sau sáp nhập mang tên PVcomBank sẽ chính thức đi vào hoạt động sau ngày 8/9 tới, tuy nhiên những hình ảnh đầu tiên của nhà băng này đã "âm thầm" lộ diện.
Nói về quá trình sáp nhập các TCTD hiện nay, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú nhận định, tiến trình sáp nhập các ngân hàng yếu kém đang được tiến hành đúng lộ trình, đồng bộ trong hệ thống tài chính ngân hàng. Đến nay đã có 8 nhà băng có quyết định tái cơ cấu và đang tích cực thực hiện.
Phó thống đốc Tú cũng cho rằng, phương án cho các nhà đầu tư ngoại "đổ" vốn mua lại ngân hàng yếu kém cũng được đề cập tới trong các đề án tái cơ cấu của các TCTD. Vì thế, để rộng đường cho quá trình tái cơ cấu, nhằm khuyến khích dòng vốn ngoại, NHNN đang xem xét đề xuất nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài lên 30%.