Theo anh Trần Bá Trình, nhân viên bán hàng tại một cửa hàng đồ gỗ cao cấp trên đường Hoàng Quốc Việt (Cầu Giấy, Hà Nội), ngọc nghiến còn có tên gọi dân dã là nghiến "hóa thạch", mắt nghiến, nu nghiến hay bìu nghiến.
Đây là phần cứng nhất của cây gỗ nghiến, được hình thành từ một "cái lỗi" hay khuyết tật nào đó như: sâu bệnh, chặt chém, bị sét đánh... trong quá trình phát triển của cây.
Theo đó, cây gỗ nghiến phải dồn tích rất nhiều dưỡng chất vào chỗ bị thương để bảo vệ và chống sự xâm nhập từ bên ngoài nên phần này phát triển dị thường, tạo những phần gỗ mọc phình ra, đó chính là ngọc nghiến.
Nói về đặc điểm của ngọc nghiến, anh Trình cho hay ngọc nghiến có vân gỗ tự nhiên, độc đáo, lạ mắt. Vân nghiến nhìn như những lớp sóng cuồn cuộn, sờ tay vào ngọc nghiến thấy mát lạnh như chạm tay vào đá.
Cây càng lâu năm thì ngọc nghiến càng chất lượng và cũng tùy vào kích thước của những chiếc nu nghiến mà tạo nên giá trị của mỗi sản phẩm.
Ngọc nghiến thường được sử dụng để đóng bàn ghế, sập, làm các đồ mỹ nghệ, đồ trang trí như lộc bình, tượng thần tài, tượng cóc ngậm tiền,... với mức giá từ vài triệu cho đến vài trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng.
Cụ thể, một bộ bàn ghế ngọc nghiến ở đây có giá từ 150 triệu đến 200 triệu đồng, sập có giá từ vài trăm triệu đến 1,5 tỷ đồng.
Để chứng minh, anh Trình dẫn chúng tôi vào gian hàng phía bên trong, nơi có trưng bày chiếc sập gỗ ngọc nghiến có giá 1,5 tỷ đồng.
Anh nói: “Chiếc sập gỗ này có chiều dài 2,3 m, rộng 1,7 m, dày 28 cm, nặng khoảng 1,3 tấn.
Sập được làm từ ngọc nghiến nguyên khối, được lấy từ thân cây nghiến có đường kính 5 m trên rừng ở Na Hang (Tuyên Quang)”.
Anh Trình cũng tiết lộ, ở Việt Nam hiện có duy nhất 2 chiếc sập ngọc nghiến được khai thác từ hai cây nghiến khác nhau trong cùng một khu rừng, trong đó, một đại gia của Hà Nội đã mua một chiếc với giá 1,5 tỷ đồng.
“Đây là hàng hiếm bởi ngọc nghiến to cỡ này không phải dễ tìm. Để có thể hình thành được một nu nghiến như thế này phải mất cả nghìn năm chứ không ít nên giá trị của chiếc sập mới cao như vậy”.
Anh nói và cho hay, chi phí khai thác và vận chuyển nu nghiến rất đắt đỏ, không phải chỉ dùng sức người mà còn phải dùng tới cả máy móc cỡ lớn mới có thể vận chuyển ra được khỏi rừng.
Ngay như ở Hà Nội cũng vậy, chiếc sập ngọc nghiến này vừa rồi cũng đã có người mua nhưng cuối cùng lại thôi vì không thể vận chuyển được vào nhà trong ngõ hẹp, còn sập lại được làm từ gỗ nguyên khối, nặng và to không thể tháo rời.
Vị đại gia trước mua sập ngọc nghiến cũng phải mua trước lúc xây nhà, nhờ cửa hàng vận chuyển đến đó, kê vào đúng vị trí phòng khách muốn đặt rồi phủ bạt lên, cho công nhân xây nhà bình thường, lúc xong bỏ bạt che ra.
Làm như vậy sẽ dễ dàng vận chuyển vào trong nhà hơn, anh cho hay.
Ngoài ra, anh Trình còn chia sẻ, dân có tiền thích chơi ngọc nghiến bởi ngoài chuyện những vật dụng này đẹp, độc đáo, có đồ bền cao, chôn cả trăm năm dưới đất cũng không hư hại gì thì ngọc nghiến còn được người ta nói là để bên trong nhà sẽ đem lại nhiều may mắn, làm ăn thuận lợi.
Đặc biệt, mùi ngọc nghiến rất dễ chịu, tốt cho sức khỏe.