Cựu Chủ tịch bị bắt, JVC hoạt động như thế nào?

Pha Lê |

Khi bị bắt, ông Hướng giữ chức Giám đốc kiêm Chủ tịch JVC, nắm giữ 13.335.987 cổ phiếu, chiếm 11,85% vốn điều lệ tại JVC.

Cựu Chủ tịch bị bắt, cổ phiếu công ty lao dốc

Những ngày cuối tháng 6 vừa qua, trên thị trường chứng khoán dậy lên thông tin về việc ông Lê Văn Hướng, khi đó là Chủ tịch của Công ty Cổ phần Thiết bị Y tế Việt Nhật (mã JVC-HOSE) bị tạm giam để phục vụ điều tra, làm rõ một số sai phạm cá nhân.

Không lâu sau đó, JVC đã có thông báo khẳng định những thông tin trên.

Ông Hướng sinh năm 1976. Từ tháng 4/1996 - 4/2001, ông Hướng du học tại Nhật Bản theo diện học bổng Monbusho của chính phủ Nhật Bản.


Ông Lê Văn Hướng

Ông Lê Văn Hướng

Trước khi trở thành Giám đốc kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị JVC, ông Hướng từng là Giám đốc Công ty TNHH Thiết bị Y tế Việt Nhật (sau này đổi tên thành Công ty Cổ phần Thiết bị Y tế Việt Nhật) từ tháng 9/2001 - 9/2010.

Tháng 10/2010, ông đảm nhiệm chức Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Công ty cổ phần Thiết bị Y tế Việt Nhật.

Khi bị bắt, ông giữ chức Giám đốc kiêm Chủ tịch JVC, nắm giữ 13.335.987 cổ phiếu, chiếm 11,85% vốn điều lệ tại JVC.

Để ổn định tình hình công ty trước scandal này, ông Hướng đã bị Hội đồng quản trị miễn nhiệm chức danh. Tuy nhiên, điều này không kìm hãm được sự tuột dốc của mã cổ phiếu JVC.

Chỉ trong mấy ngày khi thông tin về vị cựu Chủ tịch này được công bố, cổ phiếu công ty có nhiều phiên giảm điểm liên tục. Đặc biệt, trong 3 phiên từ 10 -12/6, JVC đã bay hơi 18% giá trị.

Ngay sau đó, từ ngày 22/6 – 25/6, hơn 2 triệu cổ phiếu của ông Hướng đã bị bán giải chấp. Việc bán số cổ phiếu nêu trên đã không thực hiện công bố thông tin.

JVC ra sao sau sự cố?

Khi ông Hướng bị bắt, nhiều người đặt ra câu hỏi: Hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp này như thế nào?

Và mới đây, trong thông báo gửi lên Ủy ban chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh, những thông tin này đã dần được hé lộ.

Đại hội cổ đông thường niên của công ty đã không diễn ra theo đúng kế hoạch do số lượng cổ đông có quyền biểu quyết của công ty không đạt được theo quy định trong điều lệ.

Chỉ có 48,72% cổ đông sở hữu có quyền biểu quyết tham gia đại hội trong khi theo điều lệ, có ít nhất 65% cổ phần có quyền biểu quyết thì mới đủ điều kiện tiến hành đại hội.


Đại hội cổ đông của JVC

Đại hội cổ đông của JVC

Theo đề nghị của các cổ đông có mặt, mới đây, Hội đồng quản trị công ty đã tiến hành đối thoại trực tiếp với cổ đông.

Báo cáo của JVC cho biết, vụ việc liên quan đến ông Lê Văn Hướng hiện vẫn được các cơ quan chức năng điều tra, làm rõ và chưa có kết luận cụ thể.

Sau sự cố của ông Hướng, “tài sản của công ty vẫn còn nguyên vẹn. Tất cả các dự án đầu tư vẫn còn nguyên và hoạt động bình thường.

Việc điều chỉnh phương án sử dụng vốt thu được từ đợt năm 2014, trong đó cắt giảm một số khoản đầu tư và sử dụng 235 tỷ đồng để trả nợ ngắn và dài hạn.

Nguyên nhân là tại thời điểm xảy ra sự cố của ông Hướng, tiền tăng vốn trong đợt tăng 750 tỷ vẫn còn trên tài khoản vì dự án chưa được triển khai.

Nhưng ngân hàng Vietinbank yêu cầu JVC giảm dư nợ về bằng 0, mặc dù công ty đã nỗ lực đàm phán hoãn thu nợ với Vietinbank nhưng công ty vẫn bị cưỡng chế thu nợ, ngân hàng đã cắt tiền trên tài khoản.

Sau khi cắt tiền, JVC chỉ còn tổng dư nợ ngắn hạn và dài hạn hơn 80 tỷ đồng”, bản báo cáo nhấn mạnh.

Ngoài những thông tin liên quan đến ông Hướng, báo cáo của JVC còn đề ra kế hoạch kinh doanh năm 2015 cho công ty.

Theo đó, JVC đưa ra doanh thu trong năm là 501 tỷ đồng, lãi sau thuế đạt 17,2 tỷ đồng.

Lý giải về mức doanh thu, lợi nhuận giảm mạnh, phía công ty cho biết:

“Do trong năm 2015 công ty có nhiều biến cố nên đã ảnh hưởng đến khách hàng, doanh thu bán hàng bị sụt giảm, các dự án chuẩn bị triển khai bị trì hoãn”.

Chính vì vậy, trong năm 2015, mục tiêu chính của công ty tập trung vài việc tái cấu trúc hoạt động kinh doanh, xây dựng chiến lược kinh doanh mới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại