Bò Kobe nổi tiếng thế giới "made in Vietnam"

Quang Huy |

Người tiêu dùng Việt Nam sẽ được thưởng thức thịt bò Kobe nổi tiếng thế giới nuôi ngay trên đất Việt.

“Tháng 11 tới đây những lứa bò Kobe “made in Vietnam” đầu tiên sẽ xuất chuồng, và sản phẩm thịt sẽ bán ra thị trường”, ông Nguyễn Trí Đức Vũ, Giám đốc Công ty Cổ phần Bò Kobe Việt Nam, thông tin.

Trước mắt, theo ông Vũ, loại thịt bò này sẽ được bán tại các nhà hàng, khách sạn, siêu thị… ở những TP lớn như Hà Nội, TP HCM.

Hợp tác với đối tác Nhật

Câu chuyện gầy dựng đàn bò Kobe đầu tiên tại Việt Nam bắt nguồn từ ý tưởng của ông Đặng Văn Thành - Chủ tịch Tập đoàn TTC và ông Nguyễn Minh Tuấn - Tổng giám đốc Công ty Kềm Nghĩa trong chuyến đến Nhật để thăm những người bạn Nhật thân thiết lâu năm.

Trong chuyến đi này, hai ông đặt chân đến vùng nuôi bò Kobe nổi tiếng để tìm hiểu quy trình nuôi và tiện mua quà cho người thân.

Món quà ở đây là vài kg thịt bò Kobe với giá 170 USD/kg cho loại A5 (cấp độ cao nhất trong thang đo thịt bò Kobe của Nhật, tính theo giá hiện nay khoảng 3,8 triệu đồng/kg).

Dù giá đắt đỏ nhưng loại thịt bò này vẫn không thiếu người mua. Với sự nhạy bén của một doanh nhân, những người như ông Thành và ông Tuấn không khó nhìn thấy cơ hội kinh doanh đầy hấp lực từ đây.

Bò Kobe được nuôi tại Lâm Đồng.
Bò Kobe được nuôi tại Lâm Đồng.

Sau khi về lại Việt Nam, hai ông quay trở lại Nhật một lần nữa để khảo sát kỹ lưỡng con giống, quy trình công nghệ nuôi bò Kobe.

Một lời mời hợp tác được đưa ra với đối tác Nhật có truyền thống nuôi bò Kobe qua nhiều thế hệ.

Theo đó, mỗi bên góp một nửa vốn đầu tư xây dựng Công ty Cổ phần Bò Kobe Việt Nam đặt tại xã Tân Lạc, huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng.

Quý hiếm

“Đối tác Nhật đóng vai trò quan trọng xây dựng, thiết lập quy trình kỹ thuật nuôi bò Kobe và chuyển giao công nghệ cho phía Việt Nam thực hiện”, ông Thành nói.

Tuy nhiên, Công ty Cổ phần Bò Kobe Việt Nam vướng vấn đề về giống. Người Nhật hạn chế xuất khẩu bò Kobe ra nước ngoài để bảo tồn nguồn gen quý hiếm.

Ông Thành đành phải đi đường vòng, mua tinh bò Kobe tại Mỹ để lai tạo ra giống bò Kobe thuần chủng.

Hiện nay trang trại bò Kobe đã có gần 100 con đang giai đoạn trưởng thành. Không tiết lộ cụ thể số tiền nhưng các khoản đầu tư nuôi bò này lên đến hàng triệu USD.

Và nếu không có gì thay đổi, lứa đầu tiên sẽ xuất chuồng trong tháng 11/2015. Bò Kobe khi xuất chuồng đạt trọng lượng 800-1.000 kg, cho ra 400-500 kg thịt.

Chưa công bố mức giá bán nhưng ông Vũ cho biết giá thịt bò Kobe Việt Nam thấp hơn so với thịt bò Kobe nhập khẩu.

Với việc nuôi thành công bò Kobe, Việt Nam đã gia nhập vào hàng ngũ một số nước nuôi giống bò quý hiếm trên.

Mỗi ngày cho bò uống 10 lít bia

Khi nhập tinh bò Kobe về Việt Nam, công ty cho phối với bò HF (Holstein Friesian), một giống bò sữa của Hà Lan có phẩm chất tốt và có khả năng thích nghi với vùng đất Lâm Đồng.

Ông Nguyễn Trí Đức Vũ nói hiện nay đã có giống bò Kobe đến thế hệ F3, gần như thuần chủng.

“Tuy nhiên, việc nuôi bò, chăm sóc không hề đơn giản. Thường mọi người cứ nghĩ bò Kobe thì tự nhiên sẽ cho ra miếng thịt có vân mỡ trong sớ thịt nhưng thật ra không phải như vậy.

Cần những kỹ thuật nuôi, chăm sóc đặc biệt, kỳ công mới tạo ra những miếng thịt bò vân mỡ đẹp đạt được phẩm cấp tương tự thịt bò Kobe của Nhật”, ông Vũ tiết lộ.

Nghe nhạc, uống bia, massage… là những điều mà mọi người thường được nghe khi nói đến bò Kobe.

Mới nghe những điều này, không ít người cứ nghĩ đó là chuyện vui nhưng hiện nay nó được lý giải hết sức đơn giản và khoa học.

“Nghe nhạc để giúp bò thư thái, ăn được nhiều hơn. Còn mở nhạc cho bò nghe khi ăn là nhằm tạo phản xạ có điều kiện.

Cụ thể, khi bò Kobe đạt đến trọng lượng trên 800 kg thường có xu hướng biếng ăn. Nếu bò không ăn thì lớp mỡ sẽ tiêu hao, khi đó không thể tạo vân mỡ trong thịt bò.

Do đó, dù bò không muốn ăn nhưng nghe nhạc là tự động đến máng ăn”, ông Vũ lý giải.

Nghe nhạc vẫn chưa đủ. Mặc dù trong quá trình nuôi bò đã được cho ăn hèm bia, ba tháng trước khi xuất chuồng, bò phải được cho uống bia để tích tụ mỡ, giữ trọng lượng theo quy chuẩn.

Tùy theo thể trọng của bò mà có thể cho uống 1-10 lít bia mỗi ngày.

Tích tụ mỡ là điều kiện cần song bò phải có vóc dáng tốt mới là điều kiện đủ. Vóc dáng tốt được diễn giải là mỡ tích tụ ở bắp vai, bắp chân, hông,…

Tiếp đó, các chuyên gia Nhật sử dụng công nghệ massage để đưa lớp mỡ thấm sâu vào trong lớp thịt.

“Đây là bí quyết quyết định chất lượng thịt ngon hay không và giá cả sẽ được tính toán theo hình thái lớp mỡ hiển thị trong sớ thịt bò”, ông Vũ lý giải.

Các chuyên gia Nhật đánh giá bò Kobe nuôi tại Việt Nam sẽ có hương vị ngon có thể không thua kém bò Kobe nuôi tại Nhật.

Công ty Bò Kobe Việt Nam có kế hoạch trong thời gian tới chuyển giao kỹ thuật và bò Kobe cho nông dân nuôi gia công.

Theo đó, doanh nghiệp sẽ chăm sóc bò đến sáu tháng tuổi mới đưa cho nông dân nuôi vì giai đoạn 0-6 tháng tuổi, bò Kobe rất khó nuôi và dễ chết.

Sáu tháng trước khi xuất chuồng sẽ đem về công ty để thực hiện các công đoạn vỗ béo, tạo thể hình tối ưu, thực hiện các công nghệ massage… để thấm mỡ vào sớ thịt.

Vì sao thịt bò Kobe đắt nhất thế giới?

Thịt bò Kobe nổi tiếng khắp thế giới và là một đặc sản của TP Kobe thuộc vùng Kinki (Nhật Bản).

Với hương thơm nhẹ đặc trưng không giống một loại thịt bò nào trên thế giới, kết hợp vị béo quyện cùng với những thớ thịt mượt mà như tan dần trong miệng đã làm cho thịt bò Kobe được xếp vào hàng “cực phẩm”.

Giá thịt bò Kobe được xem là đắt đỏ nhất thế giới, dao động từ 500 USD đến 1.000 USD/kg tùy loại. Giá đắt một phần còn do nguồn cung ít ỏi, chi phí chăm sóc và chất lượng thịt đặc trưng.

Riêng tại Việt Nam, thịt bò Kobe có giá nhập khẩu không dưới 9 triệu đồng/kg.

Ở Hà Nội, có thời điểm một nhà hàng bán giá một tô phở bò Kobe lên đến 850.000 đồng, cao gấp 40 lần so với một tô phở bình thường; một phần bít tết bò Kobe giá tới 2 triệu đồng.

Tháng 4/2014, bò Nhật Bản chính thức được Việt Nam cho phép nhập khẩu sau nhiều năm chỉ có hàng xách tay hoặc nhập lậu.

Theo ông Phạm Đức Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, việc đầu tư nuôi bò Kobe tại Việt Nam sẽ tạo ra những sản phẩm đặc thù để doanh nghiệp có thể cạnh tranh ở phân khúc cao cấp, do nhu cầu thị trường vẫn rất lớn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại