Nhập Pháp Đức... không tem nhãn
Cơn sốt chè khúc bạch đang nóng từng ngày trong giới trẻ và những cửa hàng đồ uống, nhiều người đã tự lên mạng học công thức chế biến và tìm mua nguyên liệu. Cách chế biến chè khúc bạch cũng rất đa dạng nhưng nguyên liệu chính cho món này là gelatin, kem tươi, sữa, nhãn tươi và hạnh nhân. Gelatin được làm từ da lợn, xương gia súc, là nguyên liệu chính được sử dụng trong chế biến chè khúc bạch.
Không khó để mua gelatin tại Hà Nội, dạo qua một vài chợ như Đồng Xuân, Phùng Hưng, trên các gian hàng của quầy bán nguyên liệu chế biến đồ uống, gelatin là thứ được bày công khai, không nhãn mác, cách sử dụng, đóng trong những túi nhỏ khoảng 200gr/túi, hoặc những túi lớn người bán có thể bán lẻ tùy theo nhu cầu của khách.
Giá của nguyên liệu này cũng rất đa dạng, dao động từ 200- 350 nghìn đồng/kg dạng bột, loại lá từ 3.000 – 5.000 đồng/lá.
Chị T (Long Biên) chủ một cửa hàng đang rao bán gelatin trên mạng cho biết, trên thị trường gelatin có rất nhiều loại như của Đức, Bỉ, Pháp, Mexico,Trung Quốc…nên giá bán cũng khác nhau. Như gelatin của Mexico có giá 260.000 đồng/kg, nếu mua lẻ tính 30.000 đồng/lạng; gletin của Pháp đắt hơn giá 350.000 đồng/kg.
"Chị không bán hàng Trung Quốc nhưng nói thật nắm bắt tâm lý sợ hàng tàu của khách hàng nên dù có bán thì cũng chẳng ai dại sẽ tiết lộ gelatin này được nhập từ Trung Quốc đâu", chị T chia sẻ.
Dạo qua một số quầy hàng bán nguyên liệu đồ uống trong chợ Đồng Xuân, chỉ cần hỏi gelatin làm chè khúc bạch ai cũng biết.
Chủ một cửa hàng có bán gelatin cho hay: "Cả cái chợ này chỉ có gelatin của Pháp với Trung Quốc thôi, làm gì có của Đức, Bỉ gì nhưng nhà chị cũng không có hàng Trung Quốc đâu".
Hỏi tất cả các ki ốt thì họ đều nói họ chỉ bán gelatin của Pháp, không có của Trung Quốc.
Tuy nhiên “Gelatin xuất xứ Pháp” như giới thiệu được đựng trong một gói màu vàng, trên bao có dán một tờ giấy vuông nhỏ in ghi vỏn vẹn 3 dòng chữ tiếng Việt: gelatin, xuất xứ Pháp, khối lượng 200g. Mỗi một gói gelatin này có giá 40.000 đồng, tương đương với 200.000 đồng/kg. Rẻ hơn rất nhiều so với glelatin của Pháp đang rao bán trên mạng.
Thậm chí theo quan sát của PV có nhiều gói còn không có nhãn vì mảnh giấy dán sơ sài đã bong lúc nào không hay. Thấy khách chỉ muốn mua với số lượng vài gói và đang chần chừ thắc mắc về nguồn gốc, chủ ki ốt giật ngay gói gelatin trên tay quát “ở đây không bán lẻ”.
Tương tự tại chợ Phùng Hưng, hỏi gelatin làm chè khúc bạch, chủ cửa hàng bán nguyên liệu đồ uống nhanh nhảu giới thiệu cho khách: Em lấy loại nào, lá hay bột gelatin, muốn loại nào có loại đó.
Đưa khách xem hai sản phẩm được gọi là gelatin dùng chế biến chè khúc bạch, không nhãn mác cơ sở sản xuất, cách dùng và hạn sử dụng, khi PV thắc mắc, chủ hàng cho biết: “Hàng họ mang tận nơi giao với những túi to, chị không phong nhỏ từng lạng khách mua bao nhiêu sẽ cân sau. Hàng của Đức đấy. Chị nấu thử nhà ăn rồi, đảm bảo chất lượng tốt, giá 40.000 nghìn đồng/lạng, mua nhiều chị bớt cho”.
"Từ đầu hè tôi bán nhiều lắm, loại lá của Đài Loan – Trung Quốc chỉ cần ngâm nước nóng một lúc rồi cho vào đun với nước và sữa tươi. Loại bột hàng của Đức cứ thể pha đun như công thức lá gelatin", chủ cửa hàng chia sẻ.
Để chè khúc bạch đạt chất lượng tốt chủ hàng bày thêm: Theo tôi, để ngon và giòn hơn trong khi pha chế gelatin nên cho thêm ít bột agar, gelatin chỉ có tác dụng làm đông nên ăn rất mềm, mua thêm agar chỉ 10.000 đồng/100gr mỗi lần nấu cho 1 thìa nhỏ, đảm bảo rất đặc biệt.
Mập mờ nguồn gốc, cách dùng, hạn sử dụng không có, chỉ bằng những lời nói suông của người bán nhưng rất nhiều chủ hàng nước, giải khát vẫn tìm đến mua nguyên liệu này về chế chè khúc bạch bán cho khách.
Cẩn trọng gelatin bẩn
Gelatin siêu bẩn có thể gây ung thư ở Trung Quốc đã được cảnh báo, còn ở Việt Nam không biết các chất này có được nhập về hay không. Và trước những thông tin mập mờ về xuất xứ của gelatin đang bày bán tại các chợ, ai dám chắc đó là gelatin sạch đang được dùng để chế biến chè khúc bạch, bánh…
Khi khách hàng băn khoăn về nguồn gốc thì người bán vô tư, thản nhiên: "cái quan trọng là mình phải thử xem cái loại nào mà mua về nó phải nhanh đông, dai giòn thôi chứ bột của Pháp, Đức, Trung Quốc gì chẳng được”.
Gelatin đã từng gây xôn xao, khi Trung Quốc phát hiện phần lớn gelatin công nghiệp ở Trung Quốc được sản xuất tại các lò thuộc da lậu. Cụ thể trước đấy người ta đã phát hiện ra quy trình sản xuất gelatin siêu bẩn.
Da phế liệu được ngâm trong nước vôi 3 đến 4 giờ rồi cho vào máy làm sạch lại và ngâm trong bồn nước lớn từ 3 đến 5 ngày. Sau đó vớt da mang đi phơi và thành phẩm được nấu thành gelatin. Gelatin nếu được chiết xuất từ nguồn động vật không đảm bảo, quy trình sản xuất kém vệ sinh sẽ trở nên gây hại cho sức khỏe của con người.