Quất cảnh vàng óng, đẹp mã nhờ hoá chất lạ

Hoàng Đan |

(Soha.vn) - Để giữ quất có màu vàng óng, chín đều, lâu bị hỏng... nhiều chủ vườn đã sử dụng một loại hoá chất lạ được cho có xuất xứ Trung Quốc, với giá rẻ...

Dịp Tết Nguyên đán Nhâm Thìn, thấy những quả quất trên cây mới mua về có màu vàng óng, sáng mã, chị Nguyễn Thanh Nga (trú tại Hà Đông, Hà Nội) có vặt thử một quả để ăn.

Tuy nhiên, trái với mã ngoài đẹp thì bên trong ruột đã bắt đầu ủng, không thơm như những quả quất bình thường khác.

"Vỏ ngoài quả vẫn sáng bóng, vàng ươm nhưng khi ăn thử ruột thì ngoài vị chua còn có vị đăng đắng, nước rất ít và không thơm mà nồng lên mùi quả bị ủng, thối. Chẳng hiểu là thế nào nữa nhưng mà  sợ thật, chẳng khác gì mấy quả cà chua, nhìn ngoài đỏ ngon mà trong thì xanh lè", chị Nga cho biết.

Không ít chủ vườn đã sử dụng loại thuốc lạ để giữ quất lâu bị hỏng.
Không ít chủ vườn đã sử dụng loại thuốc lạ để giữ quất lâu bị hỏng.

Hoảng quá, nên trong suốt Tết chị không dám trẩy thêm bất cứ quả nào và ngay sau Tết chị đem vứt bỏ toàn bộ số quất cảnh này đi.

Tương tự chị Nga, chị Nguyễn Thị Hoa (Mỹ Đình, Từ Liêm, Hà Nội), sau khi thử quả đầu tiên trong rổ quất mới trẩy ở cây quất cảnh ở nhà hàng xóm đã phải vứt bỏ đi hết.

"Nhìn quả quất vẫn vàng ươm, tươi nguyên, không héo thế mà mới thử quả đầu thấy đã thối ủng ra rồi. Bóc tiếp gần chục quả khác thì quả nào cũng thế. Sợ quá nên tôi phải mang vứt bỏ hết", chị Hoa cho hay.

Theo tìm hiểu của PV, thời điểm giáp Tết này cũng là lúc các chủ vườn đang hoàn tất các công đoạn chăm sóc để chuẩn bị đưa quất cảnh ra thị trường tiêu thụ. 

Thế nhưng, để những quả quất cảnh có màu vàng óng, sáng mã, chín đều và giữ lâu bị héo, thối lan bên ngoài, không ít chủ vườn quất cảnh tại một số vùng như Tứ Liên, Nhật Tân, Văn Giang, Khoái Châu (Hưng Yên) lại đang sử dụng một loại thuốc lạ.

"Trồng quất này, ngoài các loại thuốc trừ sâu, phân bón, thì để quất sinh trưởng nhanh mà giữ được quả đẹp mã, vàng óng và lâu héo, hỏng vỏ ngoài để khách đến chọn thích thì phải sử dụng thêm một loại thuốc kích thích, bảo quản phun lên. Đặc biệt vào những năm thời tiết không thuận, thì càng phải sử dụng nhiều loại thuốc này", anh N.V. K (ở Liên Nghĩa, Văn Giang, Hưng Yên) tiết lộ.

Theo các chủ vườn, họ không rõ tên chính xác của loại thuốc này là gì, mà chỉ biết, đây cũng chính là loại thuốc dùng để kích thích cho chuối, cà chua nhanh chín, có mã sáng, đẹp và giữ được lâu.

"Thuốc này dạng nước, cứ hoà thuốc vào bình phun thuốc sâu và phun lên quả lúc còn xanh để nó kích nhanh chín và cách khoảng gần tháng khi chuẩn bị bán để nó giữ quả được lâu hơn", chủ một vườn quất ở Khoái Châu, Hưng Yên bày cách.

Loại thuốc Thúc chín tố được không ít chủ vườn quất sử dụng.
Loại thuốc Thúc chín tố được không ít chủ vườn quất sử dụng.

Còn theo chỉ dẫn của những người bán, phóng viên đã tìm mua được loại thuốc dạng nước có tên “Thúc chín tố” bên ngoài bằng tiếng Việt. Thuốc được đựng trong một lọ nhựa nhỏ chừng 5ml, có hai màu trắng đục hoặc vàng, ngoài ra không hề có bất cứ thông tin về hàm lượng, chất lượng.

Giá của những lọ thuốc này được bán lẻ từ 1.500 - 2.500 đồng (tuỳ theo cửa hàng).

Có thể gây độc cho người sử dụng

Theo chính những người trồng quất cho biết, chính gia đình họ nếu muốn ăn quất thì sẽ trồng riêng những cây quất để lấy quả, còn không sử dụng những quả quất trên cây quất cảnh.

"Thực tế thế nào thì không biết nhưng trong làng này, nhà nào trồng quất cũng có vài cây quất trồng riêng để lấy quả ăn, không lẫn vào những cây quất cảnh", một người dân ở Mễ Sở (Văn Giang, Hưng Yên) cho hay. 

Còn theo TS Nguyễn Văn Khải, thuốc thúc chín có nhiều loại khác nhau. Hoạt chất có trong “Hoa quả thúc chín tố” là ethrel. Hoạt chất này có trong danh mục thuốc điều hòa sinh trưởng nhưng chỉ dùng để kích thích mủ cao su. Hoạt chất này cũng có trong đất đèn.

"Nếu phun hoặc nhúng chất này sẽ tạo ra dư lượng, dễ gây ngộ độc cho người ăn. Nguy hiểm hơn, etylen tác dụng với thành phần nitơrat trong quả sẽ tạo ra chất etylenglycol dinitrat, một chất rất độc cho người sử dụng. Nên tốt nhất, người tiêu dùng không nên sử dụng những loại quả được dấm bằng chất này”, TS Khải nhấn mạnh.

Còn theo TS Nguyễn Văn Khang, một chuyên gia nông nghiệp cho rằng: "Đây là chất không có trong danh mục thuốc được cấp phép lưu hành tại Việt Nam nên tôi mong các cơ quan chức năng sớm vào cuộc kiểm tra và loại bỏ loại thuốc này ra khỏi nền nông nghiệp của chúng ta".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại