Vừa qua, hai đại gia bất động sản tại TP.HCM là Novaland và The EverRich 3 đã tuyên bố giảm giá 50% căn hộ khiến không ít người dân khấp khởi mừng thầm và cầu mong một mức giá hấp dẫn hơn. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, mặc dù đã giảm 50% mức giá so với thời điểm trước đó, nhưng giá nhà ở nhìn chung vẫn còn quá cao so với mức chi trả của người dân Việt Nam.
Trước đó, theo kết quả khảo sát thị trường của công ty CBRE Việt Nam công bố hồi tháng 4/2013, giá nhà ở trung bình tại Hà Nội vẫn cao gấp 25 lần so với thu nhập, trong khi khoảng cách tương đương tại các nước châu Âu là 7 lần, Thái Lan là 6,3 lần và Singapore là 5,2 lần.
Ông Vương Ngọc Tuấn, Phó Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS) nhận xét: Việc giá nhà cao ngất ngưởng một phần do các cơ quan quản lý kiểm soát giá chưa tốt, tạo điều kiện, cơ hội cho các doanh nghiệp bất động sản (BĐS) làm giá, lợi dụng vào nhu cầu cao của người tiêu dùng để nâng giá lên. Về kinh doanh, các doanh nghiệp BĐS có lợi thế chủ động trong giá cả, còn người tiêu dùng lại bị động khi mua nhà.
“Nhiều trường hợp giá cao gấp đôi so với giá bán thực tế, rất thiệt thòi cho người dùng” – ông Tuấn bức xúc.
Ông Tuấn phân tích nỗi khổ của những người dân nghèo khi cố gắng để mua được một chỗ trú chân, che mưa, che nắng ở Hà Nội như sau: Giá nhà ở xã hội hiện nay rơi vào khoảng 10 triệu/m2, nếu mua một căn hộ có diện tích 50 - 80 m2, tổng cộng, người mua sẽ phải trả 500 – 800 triệu đồng. Trong khi đó, thu nhập bình quân mỗi gia đình được khoảng 10 triệu đồng/tháng,ngoài chi tiêu hàng ngày, chưa kể chi phí nuôi con cái, cứ cho mỗi tháng tiết kiệm dư dật ra được 3 triệu để góp mua nhà thì cũng phải mất trên dưới 20 năm tích cóp.
“Như vậy, phải mất cả cuộc đời để người tiêu dùng có thể phấn đấu nhà ở Hà Nội, đó là chưa kể những lúc ốm đau… Đúng là người dân không dám mơ tới” – ông Tuấn xót xa.
Ông Tuấn cũng chia sẻ: Việc giá nhà cao đã ảnh hưởng rất lớn tới quyền lợi người tiêu dùng. “Bản thân tôi cũng chưa mua căn hộ nào” – ông Tuấn nói.
Cũng theo ông Tuấn, viễn cảnh mua được nhà của người dân Việt Nam có còn xa hay không phụ thuộc vào chính sách của Nhà nước.
Bởi lẽ, “các chương trình nhà ở xã hội thường rất chậm chạp, trong khi đó, nhà thương mại để bán thì nhanh lắm. Ngoài ra, chất lượng của nhà ở xã hội cũng không ra gì” – ông Tuấn không giấu nổi sự bức xúc bày tỏ.
Cũng đồng tình với quan điểm trên, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho biết: Ông ủng hộ các đợt giảm giá (thậm chí là cắt lỗ) của các đại gia BĐS trong thời gian vừa qua.
Tuy nhiên, mặc dù đã giảm nhưng đối với người mua, theo ông Phong, giá nhà “đương nhiên vẫn còn cao”. Cụ thể, công thức tính của nhà nước về đơn giá xây dựng vẫn cao, bởi hiện nay, đơn giá cao nhất của Nhà nước đối với nhà cao cấp rơi vào khoảng 12 – 16 triệu/m2, cộng tiền đất tùy từng dự án.
“Tóm lại, giá nhà vẫn cao, nhất là nhà ở xã hội, còn giá thị trường thì vô cùng. Bởi giá thị trường cộng thêm chi phí tiêu cực rất khó nói, bao giờ giá cũng đắt hơn ít nhất là 3 lần so với giá nhà nước”.
Theo ông Phong nhận định: Xu hướng thị trường BĐS trong thời gian tới vẫn còn khó khăn nhưng sẽ không “xuống đáy” như những ngày qua nữa. Vì những doanh nghiệp nào “chết” thì đã “chết” rồi, còn những người sống đang tìm cách tồn tại, tìm cách thoát khỏi khó khăn. Đặc biệt, do việc đầu cơ đã giảm, thị trường BĐS trong tương lai gần sẽ khởi sắc hơn.
“Việc giảm giá BĐS trong thời gian tới cũng không mạnh nữa, tối đa giảm 20% hoặc cùng lắm là 30% chứ không giảm tới 50% như trước đây. Vì vậy, những người có nhu cầu thực có thể coi đây là cơ hội tốt để mua nhà” – ông Phong nhắn nhủ.