Trước một số ý kiến cho rằng gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng mà Nhà nước dành để hỗ trợ thị trường bất động sản thông qua việc phát triển nhà ở xã hội đã thất bại vì hiện nay rất ít người vay được tiền mua nhà. Những dự án nhà ở xã hội đã hoàn thiện và rao bán đều được người dân mua hết. Trong khi đó, phải mất ít nhất từ 6 tháng đến 1 năm nữa mới tiếp tục có sản phẩm bán ra thị trường, và lúc đó dường như đã quá muộn.
Trao đổi với chúng tôi, TS Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, hiện là Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Tổng hội xây dựng Việt Nam cho rằng, việc hỗ trợ 30.000 tỷ đồng đối với thị trường bất động sản thông qua việc hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội trong lúc này là sự cố gắng rất lớn.
"Việc hỗ trợ 30.000 tỷ đồng trong lúc này là sự cố gắng rất lớn, thể hiện sự rất quan tâm của Nhà nước. Gói hỗ trợ này không phải là cứu thị trường bất động sản mà nó giúp làm giảm bớt đi một phần khó khăn. Từ đó, thị trường xây dựng mới có công ăn, việc làm, vật liệu xây dựng mới bán được.
Đây là ý định rất tốt. Thế nhưng, cách đặt vấn đề không đúng nên không triển khai được. Bởi trong gói hỗ trợ đó 1/3 cho vay để giúp phát triển nhà ở xã hội còn lại 2/3 cho vay để mua nhà. Nhưng cho vay để mua ở đây như nhiều lần tôi đã nói là không khả thi, vì thực tế hiện nay, làm gì đã có nhà để mua. Việc nói như vậy, gây ra một ảo tưởng gì đó.
Thêm vào đó, tôi tin là 30.000 tỷ đồng là có nhưng số tiền này là tiền lấy ở ngân sách mà thực tế ngân sách của Nhà nước ta đang thiếu hụt. Nên ở đây, tôi cũng không hiểu là số tiền này sẽ lấy ở ngân sách tăng thêm hay ở ngân sách hụt dự trù. Nói có thể hăng hái nhưng thực tế tiền mặt thì không phải là dễ.
Thực tế, vốn đầu tư công của chúng ta đang nợ, rất nhiều dự án chỉ cần vốn nội ứng thôi nhưng vẫn chưa có, nên không giải ngân được vốn ODA. Ví dụ như ở TP. HCM, dự án rất lớn, rất cần thiết nhưng cũng không có vốn nội ứng...", TS Liêm cho hay.
TS Liêm cũng cho hay, việc đem gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng ra chỉ để phát triển nhà ở xã hội thì người đầu tư dự án cũng như người mua phải đáp ứng được những điều kiện cụ thể nên tạo ra sự gò bó không cần thiết, gây ảnh hưởng đến thị trường...
"Việc đem gói hỗ trợ 30.000 tỷ ra chỉ để làm nhà ở xã hội thì người phát triển nhà ở xã hội muốn vay được phải có điều kiện là chỉ được làm nhà ở xã hội, dự án phải được phê duyệt. Còn người mua thì chỉ được mua nhà ở xã hội và không được bán trong một khoảng thời gian nhất định. Việc này là cần nhưng sẽ rất gò bó.
Giá mà tôi được có ý kiến thì tôi nghĩ rằng, với gói hỗ trợ 30.000 tỷ này, tôi sẽ giúp phát triển loại nhà ở thương mại nhưng giá rẻ hay nhà ở phổ cập.
Tức là bán với mức giá sẽ từ 10 - 15 triệu/m2 do đơn vị tự định giá. Nếu đơn vị nào thực hiện như vậy thì sẽ được vay vốn hỗ trợ còn bán quá mức giá đó sẽ không được vay. Với người mua thì mua bao nhiêu cũng được, muốn bán lại cũng được.
Đây là loại hình nhà ở mà nhiều nước trên thế giới đã thực hiện, phát triển. Đằng này, như nhà ở xã hội hiện nay, Nhà nước nắm trong tay rất chặt và chắc chắn không có chuyện gì nhưng việc xin phép, giấy tờ sẽ rất rối...
Ở đây, thị trường của chúng ta đang gặp khủng hoảng về cung cầu nên khi nhiều nhà ở thương mại giá rẻ ra đời, nếu nhà nước muốn giúp những người thu nhập thấp thì cho họ vay vốn ưu đãi, với lãi suất thấp để có thể mua được nhà ở này.
Nếu như ở ta làm như vậy, Nhà nước lúc này chỉ là người tác động còn thị trường sẽ được vận hành và những khó khăn chắc sẽ được gỡ bỏ nhanh chóng...", TS Liêm nhấn mạnh.
Cùng với đó, TS Liêm cũng bày tỏ, thực tế nên giảm giá thì chắc chắn rồi, bắt buộc phải giảm giá, chứ không còn là nên hay không nên.
Nhưng vấn đề là giảm rồi thì có người mua hay không? Việc giảm giá mới chỉ là của bên kinh doanh thôi, là phía cung. Còn phía cầu liệu có mua hay không thì lại là chuyện khác nữa. Vì vậy, trong lúc này, cần nhất là sự không ngồi yên của cả hai phía.