Không hợp lý...
Sự việc Petrolimex vừa báo lỗ hơn ngàn tỷ trong quý IV/2014, kéo tụt lợi nhuận cả năm chỉ còn bằng gần 1/10 so với năm 2013 đang khiến dư luận rất quan tâm.
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nguyên Tổng Thư ký và Phó Chủ tịch của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), việc kinh doanh xăng dầu của Petrolimex không thể bằng các năm trước là điều hoàn toàn có thể hiểu được bởi giá xăng dầu thế giới giảm chắc chắn ảnh hưởng rất nặng nề tới tập đoàn này, những doanh nghiệp không kinh doanh sành sỏi sẽ khó lòng chịu nổi.
"Tuy nhiên, đo lường ảnh hưởng của giá xăng dầu thế giới làm Petrolimex thua lỗ đến mức nào thì phải có các thông số, kết quả phân tích sâu vào báo cáo tài chính của họ", bà Phạm Chi Lan nói.
Petrolimex kêu lỗ lớn do giá xăng dầu thế giới giảm mạnh
Theo bà, điều đáng tiếc là các chuyên gia kinh tế như bà không được tiếp cận các thông tin đó để có thể phân tích điều Petrolimex đưa ra xác đáng đến đâu.
"Chắc chắn là hiệu quả kinh doanh của Petrolimex sẽ thấp đi nhưng có đến mức thua lỗ hay không, bao nhiêu phần trăm lỗ của tập đoàn do giá xăng dầu thế giới giảm hay do biên độ 30 ngày dự trữ và 15 ngày điều chỉnh giá một lần... thì cần phải phân tích kỹ các thông số mới biết được", bà nhấn mạnh.
Có một điều khiến chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan băn khoăn là, Nghị định 83 quy định thời gian như vậy và Petrolimex được quyền điều chỉnh tăng giá theo biên độ nhất định tại sao trước đây họ không kêu?
Giờ đến khi giá thế giới giảm, ảnh hưởng đến tập đoàn thì họ mới kêu?
"Đó là điều không hợp lý! Những chính sách nào có lợi cho Petrolimex thì họ không nói gì, nhưng đến lúc nào đó có một chút có thể gây thiệt hại cho tập đoàn thì họ kêu ời ời rằng cơ chế đó là không hợp lý", bà Phạm Chi Lan nhận xét.
Đồng quan điểm, TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, việc Petrolimex, doanh nghiệp xăng dầu lớn nhất báo lỗ là một điều đáng quan ngại.
"Petrolimex với vị thế thống lĩnh thị trường còn bị lỗ thế, câu hỏi đặt ra là các doanh nghiệp xăng dầu khác hoạt động theo điều kiện tương tự của Petrolimex có bị lỗ hay không, mức độ lỗ có tương đương với quy mô thị trường của họ hay không".
Điều gây ngạc nhiên, theo ông Lê Đăng Doanh, đó là Petrolimex được chủ động điều chỉnh giá ở một biên độ nhất định mà giờ tập đoàn này kêu lỗ.
Do đó, cần hỏi lại lý do Petrolimex lỗ và nên có kiểm toán độc lập xem xét việc báo lỗ của Petrolimex.
Được trích Quỹ ngay cả khi thuận lợi?
Đặt giả thiết phải chăng Petrolimex báo lỗ lớn để được "mở van" Quỹ bình ổn giá xăng dầu đang rất "khủng", TS Lê Đăng Doanh nói đó là điều đương nhiên, hệ quả dễ hiểu.
Còn chuyên gia Phạm Chi Lan cũng cho rằng đây là điều hoàn toàn có thể.
"Trước đây, Petrolimex vẫn được trích Quỹ bình ổn như thường kể cả trong lúc điều kiện rất thuận. Giờ đến lúc lỗ, Petrolimex muốn xả Quỹ thì kêu như vậy để Nhà nước cho sử dụng.
Điều đó ở các công ty độc quyền, nhất là không minh bạch về tài chính luôn luôn có thể xảy ra.
Kiểu gì họ cũng kêu được mà xã hội thì không có thông tin để phân tích vấn đề doanh nghiệp xăng dầu nêu hợp lý đến mức nào hoặc đánh giá được đầy đủ mức độ ảnh hưởng của thị trường thế giới cũng như những nhân tố do cơ chế, do bản thân doanh nghiệp, do cách thức kinh doanh của họ", bà nói.
Bà Lan còn nói rõ thêm: "Phải xem xét, nhưng cái chính là phải bóc tách được nguyên nhân Petrolimex thua lỗ do đâu.
Nhân tố thị trường thế giới là nhân tố khách quan rồi, phải hiểu điều đó cho họ, còn với mức giá đấy, như với PetroVietnam chẳng hạn, họ xuất khẩu xăng dầu và được Nhà nước giao doanh thu, không có vấn đề về thua lỗ để kêu thì không phải xét đến.
Ở đây phải có thông tin mới phân tích được lỗi của lãnh đạo tập đoàn đến đâu để xử lý".
Xả quỹ bình ổn để giữ giá xăng
Ngày 24/2, Liên bộ Công Thương - Tài chính yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu giữ ổn định giá bán dù giá thế giới tăng mạnh, khiến giá cơ sở trong nước tăng từ trên 1.990 đồng/lít tới gần 2.500 đồng/lít.
Cụ thể, theo văn bản của Liên bộ, các doanh nghiệp phải giữ giá xăng dầu ở mức: Xăng RON 92 không cao hơn 15.686 đồng/lít; Xăng E5 không cao hơn 15.356 đồng/lít;
Dầu điêzen 0,05S: không cao hơn 15.183 đồng/lít; Dầu hỏa không cao hơn 15.623 đồng/lít; Dầu madút 180CST 3,5S không cao hơn 11.861 đồng/kg.
Theo Bộ Công thương, diễn biến giá xăng dầu thế giới gần đây có chiều hướng tăng trở lại, nhằm góp phần ổn định giá cả hàng hóa, tránh tác động bất lợi đến xã hội và tâm lý người tiêu dùng do điều chỉnh giá xăng dầu trong thời gian vừa ra tết, Liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định giữ ổn định giá bán các chủng loại xăng dầu.
Tuy nhiên, mức trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu sẽ thay đổi: Xăng khoáng giảm trích 40 đồng/lít, từ 340 đồng/lít xuống còn 300 đồng/lít; Xăng E5: ngừng trích lập Quỹ bình ổn giá, từ 40 đồng/lít về 0 đồng/lít;
Dầu diesel: giảm 520 đồng/lít, từ 820 đồng/lít xuống còn 300 đồng/lít; Dầu hỏa: giảm 220 đồng/lít, từ 520 đồng/lít xuống còn 300 đồng/lít; Dầu madút: tăng 30 đồng/kg, từ 270 đồng/kg lên 300 đồng/kg.
Ngoài ra, liên bộ cho phép xả Quỹ bình ổn giá để bù đắp chênh lệch giữa giá cơ sở kỳ công bố cao hơn giá cơ sở kỳ trước liền kề.
Cụ thể: Xăng RON 92 các doanh nghiệp đầu mối được xả quỹ bù đắp là 2.448 đồng/lít; Xăng E5 là 2.448 đồng/lít; Dầu điêzen 0,05S là 1.350 đồng/lít; Dầu hỏa là 1.693 đồng/lít; Dầu madút 180CST 3,5S là 2.015 đồng/kg.