Vẫy vùng
Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM vừa thông báo, 3 cổ đông nội bộ của CTCP tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (TTF) không mua được cổ phiếu nào trong thời gian đăng ký, do giá thị trường không phù hợp. Trong đó có ông Võ Trường Thành (Tổng giám đốc kiêm chủ tịch HĐQT) đã mua bất thành 1 triệu cổ phiếu trong khoảng thời gian từ 21/8-19/9.
Thông tin nói trên không mấy tác động tới cổ phiếu TTF, thậm chí, với lực mua vào cổ phiếu này khá mạnh khiến TTF tăng trần 6%, từ 5.000 đồng/cp lên 5.300 đồng/cp trong phiên 1/10, với giao dịch lên tới gần 1,4 triệu đơn vị. Sáng 2/10, TTF tiếp tục tăng thêm 3,8% lên 5.500 đồng/cp.
Trong bối cảnh TTCK tăng điểm trong 2 tuần qua, cùng với việc TTF được chào bán cổ phiếu huy động vốn, thì cổ phiếu tăng giá là bình thường, nhất là khi giá trị sổ sách của TTF hiện ở mức trên 11.500 đồng/cp so với mức trên 5.000 đồng hiện tại.
Trước đó, TTF đã trở thành DN đầu trên trên TTCK được phép chào bán cổ phiếu dưới mệnh giá, với tổng số phát hành lần này là 14,4 triệu cổ phiếu ở mức giá chào bán 5.000 đồng/cp. Kế hoạch phát hành được đưa ra trong bối cảnh DN này kinh doanh vẫn có lợi nhuận nhưng dòng tiền yếu kém và nợ nần chống chất.
Theo báo cáo hợp nhất 6 tháng 2013, TTF vay nợ ngắn hạn các ngân hàng gần 1.570 tỷ đồng; nợ thuế và người lao động trên 85 tỷ đồng. Mới đây, đứng trước áp lực nợ ngần, Trường Thành đã thông qua Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Bình Dương có cuộc họp cứu nợ với các DN.
Theo đó, (TTF) bao gồm công ty mẹ và 14 công ty con, hoạt động chính là chế biến gỗ và trồng rừng nguyên liệu, hiện nợ 13 ngân hàng với số tiền 1.174 tỷ đồng. Trong đó, Vietcombank Bình Dương trên 232 tỷ, MB Bannk 77 tỷ, HD Bank 174 tỷ, Đông Á 162 try, Kiên Long 99, SHB 79 tỷ đồng...
Tại đây, TTF đã kiến nghị 5 điều kiện trợ giúp và được các ngân hàng cho tái tục hạn mức tín dụng, với mức vay hiện hữu trong vòng 12 tháng kể từ ngày 1/9/2013.
Khối nợ ngàn tỷ và những lần hút chết
Khoản nợ hơn ngàn tỷ lần này quả là một sức ép lớn với DN và cá nhân ông Thành. Không biết, đại gia này sẽ tìm cách nào để vượt qua nguy cơ này, dù với kinh nghiệm hàng chục năm trên thương trường và đã nhiều lần đối diện với những pha hút chết.
Lần khủng hoảng lớn đầu tiên mà doanh nhân gốc đất võ Bình Định này gặp phải có lẽ là vào cuộc khủng hoảng kinh tế châu Á năm 1997, cùng lúc với chỉ thị cấm xuất khẩu gỗ được ban hành. Nhưng nhờ các biện pháp hợp lý, TTF là một trong số ít các đơn vị trụ được tới khi lệnh cấm gỗ được tháo bỏ năm 1999 và phát triển.
Mười năm sau đợt khủng hoảng lớn thứ nhất, ông Thành lại đối mặt với một số khó khăn do cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008 mang đến, cùng với những hậu quả do quyết định đầu tư lớn gây ra.
Với việc thắt chặt chính sách tiền tệ, lãi suất tăng vọt lên 18-20% cũng như những quyết định vay tiền có lẽ dễ dãi, đã khiến TTF liên tục đứng trên bờ vực phá sản. 2008 là năm đầu tiên TTF chứng kiến tổng nợ cũng như nợ ngắn hạn vượt vốn chủ sở hữu và vượt ngưỡng 1.000 tỷ đồng. Các năm tiếp theo nợ ngắn hạn (luôn ở mức suýt soát bằng tổng nợ) liên tục tăng mạnh, và lên tới đỉnh điểm là trên 2.400 tỷ đồng vào cuối năm 2011.
Riêng trong năm 2010, tiền trả lãi vay ngân hàng của TTF đã là trên 170 tỷ đồng. Năm 2011, DN này phải chi hơn 230 tỉ đồng để trả lãi vay ngân hàng, gấp 23 lần lợi nhuận tập đoàn mang về cho cổ đông. Sức ép lãi vay là rất lớn, trong khi kế hoạch phát hành cổ phiếu tăng vốn khi đó không khả thi.
Cuối năm 2012, đầu năm 2013 có lẽ đợt khủng hoảng lớn thứ ba của DN này, và có lẽ cũng là một đợt khó khăn rất lớn, bởi nợ ngắn hạn vẫn ở mức cao xấp xỉ các năm trước đó nhưng dòng tiền vào - doanh thu của DN - lại tụt giảm nghiêm trọng. Nhiều quý doanh thu đã xuống dưới 500 tỷ đồng, trong khi lợi nhuận có quý lỗ, có quý về gần bằng 0.
Cuối quý III/2012, quy mô vốn vay của Trường Thành có tín hiệu giảm xuống và lãi vay cũng giảm từ 18-20% xuống 13-15% theo diễn biến chung trên thị trường. Tuy nhiên, cái khó về dòng tiền có lẽ tệ hại không kém.
Tới cuối quý II/2013, tiền và tương đương tiền của TTF chỉ còn hơn 2,3 tỷ đồng. Nợ ngắn hạn lên tới trên 2.100 tỷ đồng, trong đó vay nợ ngắn hạn các ngân hàng gần 1.570 tỷ đồng, nợ thuế và người lao động là trên 85 tỷ đồng. Dù đã có nhưng lần thoát chết trong lịch sử, nhưng lần này, nhiều người lo ngại về tình trạng đầu tư dàn trải với 14 công ty con, 2 liên kết, về khối nợ khổng lồ, cao hơn vốn chủ sở hữu, cũng như triển vọng của ngành gỗ.
Quy mô hiện nay của TTF lớn hơn nhiều so với cách đây hơn 10 năm, do vậy nếu dòng tiền không được đảm bảo thì bất kỳ DN nào cũng có thể gục ngã trên đống tài sản và thương hiệu của mình. Đợt phát hành 14,4 triệu cổ phiếu này nếu tốt đẹp cũng chỉ thu về hơn 70 tỷ đồng, rất nhỏ nếu so với tổng nợ ngắn hạn gần 2.100 tỷ đồng. Trong khi tồn kho tới cuối quý II/2013 là 2.041 tỷ đồng, cao hơn so với đầu năm 1.964 tỷ.
Một điều các cổ đông quan tâm hiện nay, ông Thành chỉ còn nắm 7,4 triệu cổ phiếu, tương đương hơn 10,8% của TTF. Mọi vấn đề ở DN và các bước đi sẽ bị chi phối bởi rất nhiều các cổ đông lớn khác, nó hoàn toàn khác với vai trò chi phối và khả năng tự quyết của ông Thành cách đây 10 năm.