Sản xuất ô tô trong nước vẫn đảm bảo
Về thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với ô tô dưới 24 chỗ, một số ý kiến đề nghị không chia thành nhóm nhỏ đối với xe có dung tích xi lanh dưới 2.000 cm3, không phân loại dung tích dưới 1.000 cm3 và đề nghị không giảm thuế quá sâu đối với dòng xe dưới 2.000 cm3.
Bên cạnh đó cũng có ý kiến cho rằng, việc chia nhỏ và giảm thuế suất quá sâu đối với dòng xe dung tích xi lanh nhỏ sẽ gây khó khăn rất lớn cho doanh nghiệp sản xuất trong nước và chủ yếu ưu đãi cho xe nhập khẩu.
Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách và cơ quan soạn thảo đề nghị không chia nhỏ dòng xe có dung tích xi lanh dưới 2.000 cm3 như Dự thảo luật.
Đồng thời, điều chỉnh giảm thuế suất thuế TTĐB đối với xe ô tô có dung tích xi lanh dưới 2.000 cm3, mỗi năm giảm 5% so với thuế suất hiện hành và bỏ lộ trình giảm trong năm 2019.
Giải đáp về tác động từ sự điều chỉnh này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho biết, đã có cuộc làm việc với doanh nghiệp ô tô Trường Hải.
Qua đó đã đưa ra kết luận, không có tác động gì lớn và vẫn đảm bảo được việc sản xuất ô tô trong nước.
Bộ Công Thương phụ trách điều tra bán phá giá
Trước ý kiến cho rằng, việc giao thẩm quyền cho Bộ Công Thương quy định thuế chống bán phá giá là chưa phù hợp, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho biết, Thường trực Ủy ban và cơ quan soạn thảo đã thống nhất:
Việc quyết định mức thuế suất sẽ phụ thuộc vào kết quả điều tra của Bộ Công Thương.
Việc gia hạn thuế chống trợ cấp và thuế chống bán phá giá, thuế tự vệ phụ thuộc vào việc các công ty thuộc các quốc gia thực hiện các biện pháp phòng vệ thương mại theo các quyết định điều tra của Bộ Công Thương là phù hợp với thông lệ quốc tế.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng giải thích thêm, khi có biểu hiện bán phá giá, trợ cấp thì tại các nước đều giao cho Bộ Công Thương xác định thiệt hại.
Do đó chúng ta cũng nên giao cho Bộ Công Thương tiến hành điều tra, sau đó mới ấn định số phải thu rồi Bộ Tài chính sẽ tiến hành thu.