Nợ xấu 3%
Thông tin trên được một quan chức Việt Nam khẳng định tại Diễn đàn Đối tác phát triển (VDPF) 2013. Theo đó, thời gian qua, Việt Nam đã kiềm chế được gia tăng nợ xấu và dự kiến hết năm 2013, VAMC xử lý được 30.000 - 35.000 tỷ đồng nợ xấu.
“Năm 2014, sẽ xử lý 100.000 - 150.000 nghìn tỷ đồng nợ xấu, phấn đấu đến năm 2015 chỉ còn 3% nợ xấu trong toàn hệ thống ngân hàng”, vị này nói.
Số liệu thống kê cho thấy, 8 tháng đầu năm 2013, tốc độ tăng nợ xấu bình quân là 2,52%/tháng, giảm đáng kể so với tốc độ tăng bình quân 3,91%/tháng cùng kỳ năm 2012.
Tại phiên thảo luận tại Quốc hội mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, nợ xấu trong toàn hệ thống ngân hàng tính đến thời điểm đó là 4,64%.
Con số nợ xấu được đưa ra, sau khi Bộ GTVT vui mừng thông báo Vinashin đã giảm nợ gốc và lãi vay được 13.152 tỉ đồng sau khi thoát xác mang danh Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC).
Từ một doanh nghiệp thua lỗ chồng chất, nợ trên 80.000 tỷ đồng, Vinashin lột xác thành một DN hoàn toàn mới, không có lỗ lũy kế, có vốn điều lệ 9.520 tỷ đồng. Ngành nghề chính vẫn là đóng mới tàu thủy, hoán cải tàu thủy, tư vấn, thiết kế tàu thủy…
Ngoài ra, tổng công ty còn có nhiệm vụ khai thác cảng biển, cảng thủy nội địa, bến tàu, cầu tàu; kinh doanh hoạt động lai dắt, tàu kéo, tàu đẩy, xà lan, phương tiện nổi
Đồng thời, SBIC hoạt động trong lĩnh vực xây dựng công trình thủy, nhà máy đóng tàu; sản xuất chế tạo kết cấu thép và các ngành, nghề sản xuất phụ trợ phục vụ trực tiếp cho ngành đóng mới và sửa chữa tàu thủy.
Bộ trưởng Giao thông vận tải Đinh La Thăng cho biết, khoản nợ các tổ chức tín dụng trong nước của Vinashin đã được các tổ chức tín dụng giảm 13.152 tỉ đồng, khoản nợ các tổ chức tín dụng nước ngoài 13.163 tỉ đồng cũng đã được Chính phủ bảo lãnh trên thị trường Singapore, khoản nợ bắt buộc với các chủ tàu cũng đã giảm 1.704 tỉ đồng.
Ông Thăng cũng khẳng định sau tái cơ cấu tài chính, các khoản nợ của tập đoàn này cơ bản sẽ được giảm nợ, xóa lãi, giảm lãi suất, một số khoản nợ sẽ được tập đoàn thực hiện mua lại nợ. Số nợ còn lại cơ bản được kéo dài, gia hạn thời gian trả nợ đến 2023 và 2025. Theo tính toán, tổng các nguồn thu cơ bản đáp ứng được kế hoạch trả nợ của tập đoàn.
Nợ xấu xây dựng biến mất
Trước đó không lâu, con số nợ đọng xây dựng cơ bản cũng được báo cáo giảm mạnh. Báo cáo do Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, nợ đọng xây dựng cơ bản từ hai nguồn vốn trên chỉ còn 43.358 tỉ đồng đến giữa năm 2013.
Như vậy, nợ đọng xây dựng cơ bản đã giảm tới hơn một nửa của con số khoảng 91.000 tỉ đồng đến cuối năm 2012 mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định trước đây.
Trong số đó, nợ đọng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước là 32.873 tỉ đồng của 14.674 dự án, và từ trái phiếu chính phủ là 10.485 tỉ đồng của 964 dự án.
Tuy không đưa ra lý giải chi tiết, vì sao nợ đọng giảm nhanh như vậy, song Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết, các bộ, cơ quan và chính quyền địa phương đã bố trí 15.567 tỉ đồng để thanh toán nợ đọng cho 2.619 dự án trong năm 2012.
Ông Vinh cho biết, nợ xây dựng cơ bản tập trung chủ yếu vào chính quyền địa phương, chiếm khoảng gần 94% tổng số nợ của cả nước. Phần nhỏ còn lại là nợ của các bộ, ngành trung ương.
"Những con số đó cứ thế nào"
Tuy nhiên từng nói về số liệu của Việt Nam, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan lại chia sẻ: "Những con số đó cứ thế nào. Tôi không dám tin".
Hay như ông Vương Đình Huệ, Trưởng Ban kinh tế Trung ương đã phải thốt lên:”Không biết GDP chạy đi đâu?”. Lý do ông Huệ đặt câu hỏi thảng thốt này là bởi theo số liệu báo cáo từ các tỉnh thành, GDP các địa phương đều cao. Có nhiều địa phương lên đến 2 con số. Thế nhưng trong khi đó, GDP cả nước lại chỉ tăng có 5,5%. Vậy thì “nó”, cái GDP ấy, chạy đi đâu nhỉ?
Ông Nguyễn Văn Tiến, Chủ tịch Hội Thống kê Việt Nam, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cùng từng cho biết: số liệu thống kê hiện nay ở nước ta luôn có hai số, một số dùng khi nghiên cứu sẽ chính xác hơn, và một số dùng để công bố công khai, con số này có thể bị tác động bởi nhiểu vấn đề.