Những biến động tại Eximbank gần đây thu hút sự quan tâm đặc biệt của giới đầu tư, không chỉ bởi đây là ngân hàng cổ phần lớn thứ hai Việt Nam, mà còn do nhưng liên quan đến ACB và thâu tóm Sacombank .
Dồn dập thay đổi
Liên tục những đợt sóng thỏa thuận cổ phiếu khối lượng "khủng", dồn dập thay đổi lãnh đạo cao cấp cùng các thông tin về những vụ mua bán thâu tóm trong quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng đã khiến nhiều người đặt câu hỏi: Chuyện gì đang xảy ra ở ngân hàng TMCP lớn thứ hai tại Việt Nam - Eximbank?
Sau một thời gian chùng xuống, trong tháng 9/2013, giới đầu tư đổ dồn sự chú ý vào cổ phiếu EIB của Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank). Hàng chục triệu cổ phiếu của ngân hàng này lại được giao dịch kín đáo thông qua hình thức thỏa thuận.
Ngày 19/9, có gần 1,7 triệu cổ phiếu EIB được mua bán (qua hình thức này). Trước đó, ngày 12/9 có gần 6,7 triệu đơn vị được mua bán; ngày 9/9 là hơn 11,1 triệu và trước đó nữa là các thương vụ 7-8 triệu đơn vị/phiên.
Hiện tượng chuyển nhượng kín đáo hàng triệu, thậm chí hàng chục triệu cổ phiếu, thông qua hình thức giao dịch thỏa thuận gần đây lặp lại kịch bản tháng 6, tháng 5, tháng 1/2013 và nhiều tháng trong năm 2012.
Thông tin từ ĐTCK cho biết, một cổ đông tổ chức của Eximbank còn có kế hoạch bán hơn 10 triệu cổ phần EIB (chiếm khoảng 1% vốn điều lệ). Những giao dịch thỏa thuận "khủng" trong suốt gần 2 năm qua cộng với thông tin Công đoàn Eximbank mua vào cổ phiếu EIB làm rấy lên những lời bàn tán về khả năng có sự thay đổi trong nội bộ đơn vị này.
Các câu hỏi về EIB được đặt ra nhiều hơn trong khoảng 2 tuần qua, sau khi chỉ trong vòng một tháng Eximbank có sự thay đổi đáng kể trong ban điều hành, bao gồm: thay tổng giám đốc, thay 2 phó tổng giám đốc và thay kế toán trưởng. Bên cạnh đó, nhiều khả năng đầu năm 2014, chủ tịch HĐQT Eximbank Lê Hùng Dũng sẽ nghỉ hưu.
Những biến động dồn dập tại Eximbank diễn ra trong bối cảnh ngân hàng này đang tiến hành tái cấu trúc, giống như rất nhiều đơn vị khác trong ngành. Dư nợ cho vay, lợi nhuận, tài sản... đều giảm, còn nợ xấu gia tăng. Trong 6 tháng đầu năm, lợi nhuận của EIB giảm hơn một nửa so với cùng kỳ, trong khi tài sản bốc hơi gần 14.000 tỷ đồng (-8,1%) so với cuối 2012.
Chuyện gì đang xảy ra?
Hiện tượng chuyển nhượng cổ phiếu EIB thông qua hình thức thỏa thuận trên thực tế đã xảy ra rầm rộ trong nhiều tháng trước đây và nhiều tháng trong năm 2012. Tính chung trong 9 tháng đầu năm, giao dịch thỏa thuận cổ phiếu EIB đạt gần 175 triệu đơn vị, vượt xa so với khoảng 123 triệu cổ phiếu giao dịch khớp lệnh trên sàn chứng khoán. Trong năm 2012, con số tương ứng là 426,5 triệu đơn vị, so với 358,6 triệu đơn vị.
Trên TTCK, hiện tượng giao dịch cổ phiếu thông qua thỏa thuận không nhiều và chủ yếu diễn ra ở một số DN lớn, có liên quan nhiều tới các quỹ đầu tư, và đôi khi có dính dáng tới các thương vụ mua bán sáp nhập. Đây là điều khiến nhiều NĐT quan tâm.
Trước đó, trong 2012, giới đầu tư đã chứng kiến hàng loạt các giao dịch thỏa thuận bất thường nhất trong lịch sử 12 năm thành lập của Sở GDCK TP.HCM. Hàng loạt những vụ chuyển nhượng hàng chục cho tới cả trăm triệu cổ phiếu STB cùng với giá trị hàng nghìn tỷ đồng đã được thực hiện dồn dập hồi tháng 5-6/2012. Đi cùng với đó là hàng loạt các vụ thoái vốn của các cổ đông lớn (Thành Thành Công, ANZ, REE, Sacomreal, Bourbon Tây Ninh... )
Kết quả cuối cùng có lẽ cũng đã rõ ràng. Đó là sự thay đổi gần như hoàn toàn cơ cấu HĐQT của ngân hàng này, trong đó có sự xuất hiện của các đại diện từ Ngân hàng Phương Nam và Eximbank chuyển sang; STB bổ nhiệm 11 vị trí phó tổng giám đốc và 1 vị trị tổng giám đốc trong năm 2012.
Những giao dịch thỏa thuận cổ phiếu bất thường, với khối lượng lên tới 3-4% tổng cổ phiếu lưu hành, ở ACB hồi tháng 9/2012 sau đó cũng đi kèm với hàng loạt các thông tin từ nhiệm của các "sếp lớn" tại ngân hàng này, như chủ tịch HĐQT, phó chủ tịch...
Với Eximbank, giao dịch thỏa thuận không lớn như ở cổ phiếu STB năm trước. Tuy nhiên, thời gian diễn ra các giao dịch này kéo dài và tổng khối lượng chuyển nhượng qua hình thức này cũng rất lớn. Mối quan hệ giữa EIB và STB cũng khiến nhiều người liên tưởng tới các giao dịch này.
Trên thực tế, trong ĐHCĐ ngày 26/4/2013, Eximbank cũng có nội dung xin chủ trương sáp nhập với tổ chức tín dụng khác là NHTM với mục tiêu mở rộng, phát triển. Trước đó nữa, hồi cuối tháng 1/2013, Eximbank và Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) đã cùng ký một bản thỏa thuận hợp tác, trong đó có định hướng sáp nhập.
Tất cả những chủ trương và thỏa thuận nói trên được lãnh đạo ngân hàng giải thích mới chỉ là những bước đi ban đầu trong một lộ trình 3-5 năm tới nếu mọi việc phù hợp và thuận lợi cho cả hai bên. Như vậy, tất cả mới dừng lại ở các từ "nếu".
Tuy nhiên, mối quan hệ giữa Eximbank với Sacombank (STB) cũng được giới đầu tư quan tâm từ đầu năm 2012 sau khi Eximbank nâng tỷ lệ sở hữu tại STB lên gần 10% và đã có một số đề nghị quan trọng về cơ cấu quản trị, kế hoạch kinh doanh... của Sacombank.
Trong đại hội cổ đông thường niên 2012, Sacombank cũng đã có nhiều thay đổi trong cơ cấu HĐQT, trong đó có đại diện từ Eximbank là ông Phạm Hữu Phú sang Sacombank. Tới đại hội cổ đông 2013, HĐQT STB có thêm 3 thành viên mới: ông Nguyễn Gia Định (nguyên phó Tổng giám đốc Eximbank); bà Nguyễn Thị Lệ An (nguyên phó Tổng giám đốc SCB) và ông Nguyễn Văn Cựu (nguyên phó Chủ tịch HĐQT VietCapital Bank).
Trong khi trên thị trường có rất nhiều cổ phiếu được chuyển nhượng thỏa thuận, giao dịch được công bố lại rất ít. Trong cả năm 2012, chỉ có 2 giao dịch của cổ đông nội bộ và người có liên quan thuộc diện phải công bố thông tin.
Đó là CTCP Sóng Việt mua 140.600 cổ phiếu, nâng tỷ lệ sở hữu từ 0,19% lên 0,2% và bà Hà Thị Mỹ Trang, em gái ông Hà Thanh Hùng mua 20.025 cổ phần. Các thông tin về chủ nhân của các giao dịch thỏa thuận của EIB cuối quý III/2013 gần đây cũng không có. Lý do có lẽ là bởi các gia hầu hết các giao dịch là của các cổ đông nắm chưa tới 5% nên không thuộc diện công bố.
Theo đánh giá của một số NĐT, hiện tượng giao dịch đột biến ở EIB cũng là một điều bình thường trong bối cảnh các ngân hàng đang đẩy mạnh tái cơ cấu. Rất có thể liên quan tới một vụ cơ cấu lại thành phần cổ đông. Xét về lý thuyết, đây là một chuyển biến tích cực và là động lực cho các ngân hàng phát triển.
Hơn thế, xét trong bối cảnh tình trạng sở hữu ngân hàng đang rối như tơ vò hiện nay, với tình trạng sở hữu chéo lằng ngoằng thì các vụ thâu tóm, sáp nhập có lẽ lại làm cho hệ thống lành mạnh hơn. Mặc dù vậy, vấn đề được đặt ra là các bên có thực hiện đúng quy định pháp luật hay không và những ông chủ thực sự là ai, có đủ năng lực hay không?