Ngà voi hóa thạch giá 2 triệu USD
Cách đây ít lâu, dư luận phố núi Pleiku (Gia Lai) xôn xao về việc ông Nguyễn Trường Sơn, một người dân sở hữu chiếc ngà voi hóa thạch giá 2 triệu USD. Qua cân đo đong đếm bốn khúc ngà voi có khối lượng 24kg, chiều dài cộng lại là 1,26m, chu vi phần gốc lớn nhất là 47cm, theo phân tích khoa học thì đây mới chỉ là phần ngọn của chiếc ngà.
Giám định niên đại, theo kết quả phân tích của Viện khảo cổ học Việt Nam, chiếc ngà voi hóa thạch này có niên đại 19.450 năm (trước Công nguyên). Theo ông Sơn, chiếc ngà này còn độc đáo ở chỗ nó còn dính những hạt li ti có nhiều màu sắc.
Nhiều doanh nhân trong và ngoài nước đã liên lạc với ông Sơn hỏi mua chiếc ngà voi này. “Có thương gia người nước ngoài đã trả giá cho chiếc ngà voi này đến 2 triệu USD, có người thì đề nghị tôi cổ phần 50-50 để mang báu vật này đi triển lãm khắp thế giới, lợi nhuận chia đều... song tôi đã từ chối tất cả bởi tôi còn nhiều tâm nguyện đối với báu vật này”. Lý do khiến ông giữ lại chiếc ngà là vì ông muốn nghiên cứu và tìm phần còn lại của chiếc ngà.
Cây hóa thạch 3 triệu USD ở Thanh Hóa
Chủ nhân của cây hóa thạch triệu đô là ông Hoàng Văn Ngọc (thôn Tráng, xã Lâm Xa, huyện Bá Thước, Thanh Hóa). Cây được người chủ hiện nay tìm thấy trong hang núi từ những năm 1999-2000, với đầy đủ cánh lá đã hóa thạch.
Ban đầu cây rất to, nhưng quá trình cưa cây từ trong hang đem về người ta đã làm gãy thành nhiều phần. Những cành gãy ra được thu nhặt ghép lại thành cây hoàn chỉnh. Đây là một cây được ghép từ những cành gãy.
Chủ nhân của nó nói rằng từng có người trả giá 3 triệu đô la Mỹ để được sở hữu cây này, nhưng ông không bán. Ông Ngọc thú thực: “Chả biết tôi được bao nhiêu tiền, con cái được sung sướng đến đâu, nhưng chắc ở nước ta không còn cái cây độc đáo này nữa. Đó không phải là mong muốn của tôi. Kiên quyết giữ là vậy, nhưng lúc đó tôi cũng sợ. Sợ nhất là an toàn tính mạng của mình và gia đình, vì khi người ta đã thèm muốn quá mức mà không được, dễ bất chấp thủ đoạn để chiếm giữ”.
Khúc gỗ hóa thạch
Ngày 1/5/2013, nhiều người đã đến nhà ông Trà Văn Dương (ở thôn Xuân Trung, xã An Xuân, H.Tuy An, Phú Yên) để xem khúc cây gỗ hóa thạch mà ông tình cờ nhặt được từ rẫy mang về.
Cây gỗ hóa thạch này cao khoảng 1,2 m, đường kính chỗ to nhất khoảng 50 cm, thân cây có màu trắng đục, bên ngoài màu nâu xám, có nhiều đường viền đen chạy dọc thân cây, cứng bóng như đá.
Ông Dương cho biết trong quá trình làm rẫy, sau khi phần đất trong rẫy bị sụt, ông thấy cây này lộ lên. Ông Dương đã đào và dùng xe công nông chở cây về nhà. Nghe tin có cây gỗ hóa thạch, có người gọi điện hỏi mua nhưng ông chưa định bán.
Bộ răng hóa thạch của voi ma mút
Ông Nguyễn Đức Chính sống tại Văn Quán, quận Hà Đông, Hà Nội đang sở hữu hàm răng dưới voi ma mút. Toàn bộ hàm răng có cân nặng khoảng 7-8kg, chiều dài 40cm, bề ngang khoảng 20cm, bề dày khoảng 10cm. Tết năm 2002, tới thăm một nhà bán đồ cổ, ông đã mê mẩn báu vật này và quyết mua bằng được với giá 10.000 USD.
“Thời đó 10.000 USD đáng giá cả một gia tài, người bạn đi cùng thì khuyên can tôi “bỏ” đi, ai lại bỏ ngần ấy tiền rước một “cục đá” về nhà. Nhưng chẳng hiểu sao hàm răng voi này cứ khiến tôi mê mẩn nên quyết phải sở hữu bằng được”, ông cho hay.
Đã có nhiều nhà sưu tầm, người am hiểu về đồ cổ ghé nhà tôi chơi, nhìn thấy “vật lạ”, hông ít người đã xin phép mang đi kiểm định, phân tích xem niên nhưng ông khước từ. Không bán hàm răng quý với bất kỳ giá nào nhưng cửa nhà ông Chính luôn rộng mở để đón mọi người đến chiêm ngưỡng, tham quan.
Răng voi ngàn năm tuổi
Một hàm răng voi hóa thạch được cho là hàng ngàn năm tuổi vừa được phát hiện tại suối Nước Tọa, thôn Mang Tà Bể, xã Sơn Bua huyện miền núi Sơn Tây của Quảng Ngãi. So sánh với những răng voi hóa thạch được tìm thấy ở khu vực khác, thì răng hóa thạch này giống răng voi, vì hình răng có kết cấu thành từng phiến, gắn kết lại với nhau, khiến mặt nhai của răng giống như bàn nghiền (những đặc tính của răng voi).
Theo một số già làng xã Sơn Bua thì hóa thạch răng trên là hàm răng voi, ước tính hàng ngàn năm tuổi. Sau khi phát hiện hàm răng hóa thạch, các đoàn viên thanh niên đã đưa về trưng bày tại Đoàn xã Sơn Bua.