Bảo tàng Hà Nội, Công viên Hòa Bình - công trình nghìn tỷ lãng phí
Bảo tàng Hà Nội và Công viên Hòa Bình là hai trong số những công trình tổng cộng hàng nghìn tỷ mừng Đại lễ nghìn năm, nhưng đến nay vẫn vắng khách, gây lãng phí lớn.
Tháng 10.2010, Bảo tàng Hà Nội được khánh thành, mở cửa đón khách tham quan. Nguồn ngân sách Nhà nước tốn đến 2.300 tỷ đồng xây dựng, nhưng đến nay, công trình này vẫn gần như để trống, vắng khách.
Tham quan tại Bảo tàng Hà Nội, chúng tôi không khỏi bất ngờ khi bảo tàng nghìn tỷ lại vắng vẻ, thưa thớt người qua lại. Nhìn quanh bãi gửi xe chỉ thấy số xe gửi đếm trên đầu ngón tay. Khuôn viên bên ngoài Bảo tàng Hà Nội khá rộng rãi, sạch sẽ, bày rất nhiều những cây cảnh đẹp, được cho là quý hiếm, nhưng chỉ lác đác vài người qua lại. Tiến đến gần một vị khách trung niên, được biết ông đến thích đến đây để được ngắm... cây cảnh.
Rời Bảo tàng Hà Nội, đến một công trình khác cũng thuộc hàng công trình “khủng” là Công viên Hòa Bình . Với diện tích đất xây dựng hơn 20 ha, công viên Hòa Bình có tổng mức đầu tư 282 tỷ đồng đi vào hoạt động từ dịp Đại lễ nghìn năm Thăng Long , tháng 10.2010.
Khi mới khánh thành, công viên này đã bị xuống cấp, sau đó đã được sửa chữa, hoàn thiện. Tuy nhiên, kể từ khi công viên này khánh thành đến nay, dường như người Hà Nội vẫn chưa quen với địa điểm vui chơi mới. Công viên Hòa Bình luôn ở trong tình trạng vắng khách.
Lý giải cho điều này, một người dân địa phương cho biết, do quang cảnh trong khuôn viên chưa thực sự hấp dẫn, không có cây cổ thụ để che nắng, nhìn công viên này giống vườn hoa nhiều hơn.
"Chơi trội" bóc đường làm lại trong dự án xe buýt nhanh 165 triệu USD
Theo phê duyệt ban đầu, dự án phát triển giao thông đô thị của Hà Nội có tổng mức đầu tư 304,72 triệu USD, trong đó vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB) là 165,3 triệu USD. Riêng hợp phần xây dựng xe buýt vận chuyển nhanh khối lượng lớn là tuyến xe buýt nhanh đầu tiên tại Hà Nội được Sở GTVT khởi công vào tháng 3.2013 với chiều dài 14 km.
Dự án bắt đầu chạy theo lộ trình Yên Nghĩa - Ba La - Lê Trọng Tấn - Lê Văn Lương kéo dài - Láng Hạ - Giảng Võ - Bến xe Kim Mã. Với dự án này, xe buýt nhanh sẽ đi trên 2 làn đường riêng sát dải phân cách giữa của trục đường. Làn đường này được phân cách bằng gờ cao 20 cm. Nhà chờ được đặt trên dải phân cách giữa, ở gần ngã tư nên hành khách đi theo vạnh sơn kẻ đường tại các nút giao thông để tiếp cận xe buýt.
Vừa đưa vào sử dụng từ tháng 10.2010, chất lượng mặt đường còn rất tốt nhưng do nằm trong lộ trình lăn bánh của xe buýt nhanh, nên mặt nhựa đường Lê Văn Lương vẫn bị đào bới để thay thế bằng bê tông.
Theo tính toán, chỉ tính các điểm dừng đỗ của xe buýt với chiều dài 3 km, việc bỏ nhựa để thảm bê tông cũng tiêu tốn cho ngân sách khoảng 12 tỷ đồng. Số tiền đó sẽ lớn gấp nhiều lần, khi mặt đường nhựa từ bến xe Kim Mã về bến xe Yên Nghĩa nếu cũng áp dụng “công thức” bóc nhựa để “ốp” bê tông như cách làm hiện tại.
Đại diện Ban quản lý giao thông đô thị khẳng định “không có sự lãng phí”, bởi phần đường bóc lên ở phố Lê Văn Lương là phục vụ cho các điểm dừng đỗ cho xe buýt nhanh. Tuy nhiên, khẳng định này từ ban quản lý dự án đã gặp phải sự phản ứng gay gắt của dư luận, bởi, hầu như toàn bộ hai chiều đường Lê Văn Lương đã bị bóc xới, thay thế lớp nhựa đường bê vật liệu bê tông.
Trước biểu hiện của sự lãng phí ghê gớm này, đại diện chủ đầu tư cho hay vì đây là dự án phục vụ xe buýt chạy trên đường riêng nên có thể dẫn đến tình trạng mặt đường bị… “mỏi”. Do lo ngại lộ trình tuyến buýt nhanh này nếu sử dụng đường nhựa như đã có sẽ không chịu được nên phải thay bằng mặt đường bê tông cứng.
Tân giám đốc Ban quản lý dự án Giao thông đô thị - Sở GTVT Hà Nội giải thích: “Đây là dự án được nước ngoài tài trợ vốn và được cơ quan chức năng cũng như UBND TP.Hà Nội phê duyệt. Trước khi phê duyệt dự án thì người ta cũng đã tính toán đến hiệu quả kinh tế rồi. Chỉ đường Lê Văn Lương còn tốt nên bóc nhựa để làm bê tông ở vị trí dừng đỗ, còn ở những đường cũ thì phải bóc lên để làm đường mới”.
Và để minh chứng cho sự thuyết phục của dự án, tân Giám đốc Ban quản lý dự án giao thông đô thị cũng đã đưa ra vài tấm ảnh chụp đường xe buýt nhanh ở Indonesia, Philippines… để minh hoạ. Tức ý là việc thực hiện dự án xe buýt nhanh tại Hà Nội cũng đã được học hỏi, tham khảo từ những nước từng thực hiện các công trình này.
Xây 14 nhà vệ sinh "dát vàng" bằng ngân sách
Ngày 31.10 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Văn Khôi đã ký quyết định đầu tư 14 nhà vệ sinh công cộng với tổng mức đầu tư 15 tỷ đồng. Toàn bộ chi phí lấy từ tiền ngân sách của thành phố.
Theo quyết định của UBND TP.Hà Nội, Ban quản lý Chỉnh trang đô thị Hà Nội thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng. Trong đó có 10 nhà vệ sinh 2 buồng và 4 nhà vệ sinh loại 4 buồng. Thời gian thực hiện trong 2 năm từ cuối năm 2013 đến năm 2014.
Trong khi đó, báo giá của Ban quản lý chỉnh trang đô thị trình lên thành phố cho hay: nhà vệ sinh 4 buồng bằng thép kích thước 2,2 x 7,5 x 3 mét, diện tích lắp đặt 22 m2, có bể nước, bể xử lý chất thải, chậu rửa, gương, vòi xịt, đèn chiếu sáng, tủ điều khiển.... với giá 1,050 tỷ đồng, chưa có thuế VAT. Loại nhà vệ sinh 2 buồng cũng được báo giá 675 triệu đồng.
Ông Nguyễn Mạnh Cường - Giám đốc Ban quản lý chỉnh trang đô thị nhấn mạnh chủ trương này là cấp thiết, là đáp ứng nhu cầu, là làm đẹp cho thành phố. Ông Cường còn rất mạnh miệng tuyên bố đây là mức giá thấp nhất, tiết kiệm nhất.
Cung cấp thêm thông tin về vấn đề này, ông Phan Đăng Long - Phó ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội phát biểu tại buổi giao ban báo chí chiều 5/11/2013: "Một tỷ một nhà vệ sinh thì cũng phải xem chất lượng nó như thế nào. Hà Nội là thủ đô của cả nước không thể có một nhà vệ sinh \'úi xùi\' được. Ít nhất nó cũng phải được trang bị hiện đại, đảm bảo mỹ quan đô thị". Theo ông Long trong thời buổi trượt giá như hiện nay thì con số đó không phải là nhiều.
Theo quyết định của UBND TP.Hà Nội, Ban quản lý Chỉnh trang đô thị Hà Nội thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng. Trong đó có 10 nhà vệ sinh 2 buồng và 4 nhà vệ sinh loại 4 buồng. Thời gian thực hiện trong 2 năm từ cuối năm 2013 đến năm 2014.
Trước ý kiến của dư luận cho rằng đầu tư hơn 1 tỷ cho 1 nhà vệ sinh công cộng là quá lãng phí, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã có ý kiến chỉ đạo việc xây dựng 14 nhà vệ sinh công cộng cần đảm bảo hiệu quả, đúng quy định, công khai, minh bạch và tiết kiệm, tránh lãng phí.
4.300 tỷ xây đường cho 6,5 triệu dân Hà Nội đi chùa Bái Đính?
Ngày 15.7, Bộ GTVT đã có Quyết định số 2027/QĐ-BGTVT cho phép lập Dự án đầu tư tuyến đường Mỹ Đình - Ba Sao - Bái Đính, đoạn qua địa phận tỉnh Hà Nam, Ninh Bình. Bộ GTVT đã giao cho Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) làm chủ đầu tư và hoàn thiện các quy trình thực hiện dự án. Thủ tướng đã đồng tình với việc xây dựng tuyến đường sắt trên cao từ Mỹ Đình tới Bái Đính và giao UBND các địa phương phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải bàn về cơ chế vốn.
Dự án đường cao tốc Mỹ Đình - Bái Đính có chiều dài 91,5 km, được thiết kế theo tiêu chuẩn đường ôtô cấp 2 với 4 làn xe, tốc độ tối đa 100 km/h.
Theo thiết kế, tuyến đường có điểm đầu tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (thuộc xã Mễ Trì, huyện Từ Liêm, Hà Nội), điểm cuối kết nối với cầu Trường Yên, khu vực Bái Đính (thuộc xã An Sinh, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình).
Chủ đầu tư Tổng cục Đường bộ (Bộ GTVT) đã đưa ra 3 phương án để xây dựng trục đường tâm linh Mỹ Đình - Bái Đính với mức kinh phí có thể lên tới 4.300 tỷ đồng.
Vào đầu tháng 9.2013, Thứ trưởng Bộ GTVT Trương Tấn Viên cũng đã chủ trì cuộc họp với các cơ quan thuộc bộ và UBND tỉnh Ninh Bình, Hà Nam… để chuẩn bị cho việc lập dự án xây đường du lịch Mỹ Đình - Bái Đính.
Đánh giá về dự án này, ông Nguyễn Đức Thắng - quyền Tổng cục trưởng cho rằng, việc xây dựng tuyến đường Mỹ Đình - Ba Sao - Bái Đính không chỉ bổ sung, hỗ trợ mạng lưới giao thông quốc gia theo chiều dọc Bắc - Nam mà còn là tuyến đường kết nối các điểm du lịch Bái Đính - Ba Sao - Chùa Hương với thủ đô Hà Nội.
"Đây là một dự án rất cần thiết sẽ đáp ứng nhu cầu du lịch, tâm linh của 6,5 triệu dân Hà Nội. Vào ngày cuối tuần mà xuống đó nghỉ ngơi du lịch thì rất tuyệt vời. Bên cạnh đó dự án chỉ là nối liền 3 dự án đã có sẵn. Do vậy, sẽ phát huy hiệu quả vốn đầu tư, chi phí thấp, vậy lý do gì mà chúng ta lại không làm?" - ông Thắng cho biết.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia về đường bộ thì việc xây dựng tuyến đường du lịch Mỹ Đình - Bái Đính vào thời điểm này là không cần thiết và lãng phí vô cùng.
"Tuyến đường nối Mỹ Đình - Bái Đính là một lãng phí cực kỳ lớn, vì hiện nay đã có đến 3-4 tuyến đường nối hai địa điểm này: Đường sắt, đường cao tốc, đường Hồ Chí Minh, đường 1A chồng chéo. Tất nhiên khi làm một con đường mới thì sẽ tốt hơn đường cũ, nhưng chúng ta là nhà nghèo. Nói thật là ngay đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng tôi đã thấy lãng phí rồi.
Vừa lãng phí về vấn đề đất đai, vừa lãng phí về vấn đề kinh phí xây dựng. Nên dùng số tiền đó để đầu tư hạ tầng cơ sở, giải quyết ùn tắc giao thông đô thị sẽ tốt hơn rất nhiều. Cho nên quan điểm của tôi là dứt khoát không nên làm tuyến đường du lịch tâm linh này. Còn nếu muốn phát triển du lịch thì ông Tổng cục du lịch có tiền thì đi mà làm. Nhưng nếu có làm thì cũng nên làm hướng khác, vì tuyến đường Hà Nội - Ninh Bình đã thừa quá nhiều đường rồi" - TS Nguyễn Xuân Thuỷ cho biết.
Trong khi đó, TS Hoàng Tùng cũng cho rằng, lấy lý do xây dựng đường để phục vụ nhu cầu du lịch của 6,5 triệu dân Hà Nội là không hợp lý.
"Các địa điểm như Chùa Hương hay Bái Đính là các điểm du lịch nổi tiếng, mang tính chất du lịch tâm linh nhiều hơn là du lịch vãn cảnh. Mà đã là du lịch tâm linh thì sẽ theo mùa. Tức là ngày tết hay các mùa lễ hội chứ không phải thường xuyên. Thành ra nếu có làm đường thì lưu lượng đi tuyến đường này chỉ vào một thời điểm nhất định.
Đưa ra lý do để phục vụ nhu cầu du lịch tâm linh của người Hà Nội, tuy nhiên trong con số 6,5 triệu người Hà Nội được đưa ra thì không phải ai cũng có điều kiện để đi du lịch cuối tuần, đặc biệt là khi du lịch tâm linh thì không phải đi quanh năm. Ngoài ra, phải thấy thực trạng là hiện nay chúng ta đang rất thiếu vốn cho công trình giao thông. Từ đó, nếu cố làm công trình này, sẽ nảy sinh 2 cái lãng phí có thể dễ dàng nhìn thấy được.
Thứ nhất là làm đường to mà không có người đi. Thứ hai là mở ra mà không có vốn thì sẽ làm dang dở. Mà làm dang dở thì công trình kéo dài, gây thiệt hại rõ rệt về kinh tế. Chính vì vậy, nếu làm một con đường quá lớn thì thực sự chưa cần thiết" - TS Tùng nói.