Con số 30 lần/2 ngày tất nhiên cũng là mượn tạm từ bài viết về kiều nữ Hải Dương, vì cho đến nay chưa có thống kê chính xác số lần các đại gia viễn thông thu phí vô lý của khách hàng, và tỷ lệ trung bình mỗi thuê bao ra sao.
Nhưng chắc chắn nếu tính theo số lượt mỗi ngày thì chắc chắn Mobifone, Viettel và Vinaphone vượt xa cô “kiều nữ Hải Dương” kia.
Nếu bạn chưa đọc bài viết về “kiều nữ Hải Dương cưỡng dục” thì xin tóm tắt như sau: một tờ báo làm một “phóng sự” với những thông tin lan truyền trong dân gian về một cô gái ở Hải Dương gọi taxi đến nhà và dùng thuốc hoặc dụ dỗ tài xế lên phòng mình quan hệ tình dục. Theo bài viết đó thì có đến 90% số tài xế tại Hải Dương đã bị “cưỡng” kiểu này. Nghe cứ như truyện Liêu Trai Chí Dị.
Nếu bạn chưa đọc thông tin về việc 3 nhà mạng lớn là Mobifone, Vinaphone và Viettel thu tiền của người dùng mà không thông báo rõ ràng, thì xin tóm tắt như sau: Bộ Thông tin và Truyền thông vừa công bố kết quả thanh tra, theo đó thì 3 ông lớn này đã sai phạm khi tích hợp ứng dụng trên SIM trả trước, tính phí cho các dịch vụ này mà không hỏi ý kiến người dùng, thu lợi gần hàng trăm tỷ đồng.
Chuyện các nhà mạng thì không mang màu sắc Liêu trai chút nào. Hai câu chuyện này mặc dù không cùng bản chất nhưng xét ra rất nhiều tính chất chung, khi lừa người khác hiến dâng cho mình một thứ, một bên là tình dục một bên là tiền, trên danh nghĩa là đối phương... tự nguyện, không ép.
Cô “kiều nữ Hải Dương” kia thì chưa biết có thật hay không chứ chuyện “đại gia viễn thông” thì đã có kết luận của Bộ. Nhưng hôm qua, trên mạng xã hội, không thấy có làn sóng dư luận nào về “đại gia viễn thông cưỡng cước khách hàng”. Người ta chỉ nói về cái câu chuyện chưa chắc có thật ở Hải Dương.
Nếu nói một cách lý thuyết thì việc một cô gái nghiện tình dục, thứ không còn mới trong xã hội, rõ ràng không thể lạ bằng việc các công ty nhà nước, đại diện cho lợi ích của nhân dân, lại “chơi xấu” người dân.
Nhưng nếu nhìn nhận từ thực trạng xã hội thì rõ ràng là chuyện Liêu Trai ở Hải Dương hấp dẫn hơn, đáng bàn luận hơn, vui vẻ hơn. Chuyện đó vô thưởng vô phạt, lại có dính tý tình dục là vấn đề ưa thích muôn thuở của cánh đàn ông.
Còn chuyện các công ty nhà nước có “phốt” gì đó hay không làm lợi cho người dân đã trở nên quen thuộc đến mức khiến dư luận mệt mỏi rồi.
Dù thực chất chính thứ mà Viettel, Mobifone và Vinaphone đang làm mới xứng với các tính từ “choáng”, “kinh hoàng”. Tít bài đáng ra nên được đặt thế này: “Kinh hoàng đại gia cưỡng bức hàng triệu người”. Vài trăm tài xế Hải Dương thấm vào đâu?
Thực tế xã hội có vẻ như đang trở nên hoang đường tới mức sự hoang đường của các công ty nhà nước trở thành bình thường, người ta cần những câu chuyện vô cùng hoang đường, hoang đường cấp độ “kiều nữ Hải Dương” để bàn luận với nhau lúc trà dư tửu hậu.
Bao Thanh Thiên, nhân vật nổi tiếng với câu “Hoang đường!” đầy mạnh mẽ trong phim, nếu tái sinh ở nước ta chắc sẽ rất mỏi mồm.