1. Ông Phạm Nhật Vượng – Tỷ phú Việt đầu tiên được “làng” tỷ phú thế giới thừa nhận
Mới đây nhất, ông Phạm Nhật Vượng – Chủ tịch Tập đoàn Vingroup đã được Forbes ví như “Donald Trump của Việt Nam” và xếp thứ 974 trong danh sách những tỷ phú giàu nhất thế giới.
Ông là người Việt Nam đầu tiên có mặt trong danh sách này. Được biết khối tài sản công khai của ông chủ Vingroup Phạm Nhật Vượng là khối bất động sản trải khắp Việt Nam.
Theo Forbes, ông Phạm Nhật Vượng là tỷ phú USD duy nhất của Việt Nam với khối tài sản gần 1,7 tỷ USD, tăng so với mức 1,6 tỷ USD một năm trước đó.
Năm 2015 là năm thứ ba liên tiếp ông Vượng có tên trong danh sách này.
Khởi nghiệp tại Ukraina, tốt nghiệp đại học, doanh nhân Phạm Nhật Vượng được biết đến khi thành công với thương hiệu mì gói Mivina nổi tiếng một thời tại quốc gia Đông Âu.
Là một trong những tỷ phú kín tiếng nhất làng doanh nhân Việt, ông Phạm Nhật Vượng – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup ít khi xuất hiện trước công chúng và cũng chưa bao giờ tiết lộ hay công bố khối tài sản khổng lồ của mình.
Tuy nhiên, nhìn vào khối tài sản khổng lồ với hàng loạt dự án sang trọng thuộc các lĩnh vực bất động sản, du lịch khách sạn, y tế, sức khỏe, làm đẹp và giáo dục…như Vincom Village, Royal city, Vincom Center Hà Nội và TP HCM, Times City, Vinpearl Villas Hòn Tre, The Beach Villas, Vincom Hải Phòng, Bệnh viện Vinmec, Hệ thống Vincharm Spa và khách sạn, công viên giải trí trải dài cả nước của tập đoàn do ông làm chủ, người ta cũng có thể hình dung phần nào về giá trị tài sản mà tỷ phú này đang nắm giữ.
2. Ông Đoàn Nguyên Đức – Doanh nhân Việt đầu tiên có “ảnh hưởng nhất tại Đông Nam Á”
Tháng 9/2011, Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai Đoàn Nguyên Đức là người Việt Nam duy nhất được Wall Street Journal bầu chọn vào danh sách những doanh nhân có ảnh hưởng nhất tại khu vực Đông Nam Á và được Wall Street Journal coi là có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế – đặc biệt là kinh tế tư nhân Việt Nam.
Bản thân ông Đức cũng là một trong những doanh nhân giàu có nhất Việt Nam và luôn có ước mơ trở thành tỷ phú thế giới.
Năm 2008 và 2009, ông Đức liên tiếp xếp ở vị trí thứ nhất trong danh sách những người giàu nhất Việt Nam. Năm 2012, ông xếp ở vị trí thứ hai sau ông Phạm Nhật Vượng với tổng tài sản 5.600 tỷ đồng.
Hoàng Anh Gia Lai hiện đang thoát dần khỏi tình trạng nguồn thu phụ thuộc chủ yếu vào các dự án bất động sản trong nước.
Tập đoàn này đang chuyển dần mũi nhọn sang cao su với 51.000 ha tại Lào, Việt Nam và Campuchia.
Một số tính toán cho thấy, khi toàn bộ diện tích này được khai thác sẽ mang về cho Hoàng Anh Gia Lai khoảng 300 triệu USD/năm.
Bên cạnh đó, dự án bất động sản 300 triệu USD tại Yangon (Myanmar) có thể mang lại cho tập đoàn này cả tỷ USD nếu thị trường này nóng lên trong vòng 5 năm tới.
Đồng thời, các dự án cao su, mía đường ở Lào… cũng là một tài sản tiềm năng lớn của đại gia này.
3. Ông Đặng Lê Nguyên Vũ – “Vua cà phê Việt Nam”
Đặng Lê Nguyên Vũ là một thương hiệu đặc biệt. Tạp chí National Geographic Traveller gọi Đặng Lê Nguyên Vũ là “Vua cà phê”. Tạp chí Forbes đặt cho danh vị “zero to hero”.
Trung Nguyên là một doanh nghiệp đặc biệt. Không chỉ nổi tiếng với sản phẩm cà phê, Trung Nguyên còn được nhắc đến bởi tư duy đáng chú ý của người chủ công ty, ông Đặng Lê Nguyên Vũ.
Theo nhận định của giới doanh nhân phương Tây ở Việt Nam, tài sản cá nhân của ông Đặng Lê Nguyên Vũ hiện có thể lên tới 100 triệu USD.
Đây là con số khổng lồ so với một quốc gia có mức thu nhập bình quân đầu người 1.300 đô la như Việt Nam.
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ – CEO Tập đoàn Trung Nguyên, với tuyên ngôn khá nổi tiếng: “Đất nước không thể mạnh nếu thiếu những cá nhân giàu có”.
Ngoài việc kinh doanh, vị doanh nhân này thường xuyên đăng đàn cổ vũ thanh niên ra sức sáng tạo, lập nghiệp để thành công.
Không dừng lại ở lời nói, ông Vũ còn hiện thực hóa lời kêu gọi của mình bằng nhiều cách như kế hoạch in 100 triệu cuốn sách để tặng cho giới trẻ.
Ngoài việc xây dựng cà phê Trung Nguyên trở thành thương hiệu quốc tế, ông Vũ luôn khát khao và có một hoài bão là góp sức mình đưa Việt Nam trở thành quốc gia đi đầu, chinh phục và có tầm ảnh hưởng trên thế giới.
Ông xác định 3 mục tiêu phải làm là: Toàn cầu hóa Trung Nguyên; đóng góp vào chiến lược quốc gia cho một Việt Nam hùng mạnh; theo đuổi học thuyết cà phê trên phạm vi toàn cầu.
Với con số ấn tượng -xuất khẩu cafe Trung Nguyên sang 60 quốc gia và dần tiến sâu vào thị trường Mỹ, Trung Quốc, ông Đặng Lê Nguyên Vũ tin rằng Việt Nam có thể tiến xa hơn trong chuỗi giá trị của ngành công nghiệp tỷ đô này.
4. Bà Mai Kiều Liên – Doanh nhân xuất sắc nhất và quyền lực nhất của Châu Á
Năm 2012, Tạp chí Quản trị Doanh nghiệp châu Á (có trụ sở tại Hong Kong) bình chọn bà Mai Kiều Liên, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) là một trong những CEO (Tổng giám đốc) xuất sắc của Châu Á trong lĩnh vực Quan hệ với nhà đầu tư.
Giải thưởng này nằm trong khuôn khổ cuộc bình chọn “Những cá nhân/công ty xuất sắc nhất Châu Á 2012″ của tạp chí trên với quá trình khảo sát kéo dài 7 tháng.
Kết quả được lập ra dựa trên sự đánh giá của bạn đọc và phỏng vấn các nhà đầu tư liên quan.
Đây cũng là lần thứ hai bà Mai Kiều Liên được Tạp chí Quản trị doanh nghiệp Châu Á vinh danh.
Vào tháng 5/2012, bà đã được tạp chí này bình chọn và trao giải thưởng nhà lãnh đạo doanh nghiệp xuất sắc nhất khu vực Châu Á trong lĩnh vực Quản trị doanh nghiệp.
Bà Mai Kiều Liên cũng được tạp chí Forbes vinh danh trong hàng ngũ 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất khu vực Châu Á.
Công ty Vinamilk của bà Liên trong năm 2012 đã đạt doanh thu hơn 27.300 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước hơn 2.900 tỷ đồng.
Hiện, Vinamilk có một nhà máy sản xuất sữa ở New Zealand và 11 nhà máy sản xuất trong nước.
Bà Liên cũng đặt mục tiêu đưa Vinamilk lọt vào top 50 doanh nghiệp sản xuất sữa lớn nhất thế giới trong 5 năm tới, với doanh thu 3 tỷ USD.
Trả lời phỏng vấn của BBC, bà Liên đã bày tỏ tham vọng muốn “Vinamilk sẽ trở thành tập đoàn đa quốc gia và sẽ có những trang trại lớn để 2017 sẽ tự túc 40% nguyên liệu từ bò trong nước, giảm bớt nhập khẩu nguyên liệu nước ngoài”.
5. Bà Phạm Thị Việt Nga – “Bông hồng thép”, doanh nhân quyền lực nhất châu Á
Là 1 trong 2 người phụ nữ hiếm hoi ở Việt Nam được vinh danh là doanh nhân quyền lực nhất châu Á, bà Phạm Thị Việt Nga được biết đến như một người phụ nữ quyết liệt và cứng rắn, đã chèo lái thành công con thuyền của Công ty Dược Hậu Giang từng bước vượt qua khủng hoảng và đứng vững trên thị trường trong nước và quốc tế.
Theo Forbes đánh giá, kể từ khi gia nhập Công ty Dược Hậu Giang năm 1988, bà Nga đã biến một xí nghiệp bên bờ vực phá sản thành công ty dược lớn nhất sàn chứng khoán Việt Nam.
Dược Hậu Giang hiện sản xuất và kinh doanh hơn 300 loại dược phẩm, trở thành thương hiệu dược số một Việt Nam và giành lại thị trường nội địa từ các hãng nước ngoài.
Năm 2012, công ty này đạt doanh thu 140 triệu USD. Lợi nhuận ròng tăng 18% lên 24 triệu USD”.
Đi lên từ kháng chiến nhưng bà Nga điều hành doanh nghiệp vượt cả các doanh nhân giỏi thời bình. Kỹ năng lãnh đạo và quản trị doanh nghiệp của bà là nhờ liên tục học hỏi.
Bà Nga cho biết: “Đã thành nề nếp, dù là công việc gì, cũng phải làm tới nơi, tới chốn theo tiêu chí ‘đã muốn phải làm, đã làm phải thắng’.
Bản thân tôi, mỗi buổi công tác với cộng sự tôi đều đào tạo họ. Học là một quá trình liên tục và học qua công việc là cách học hiệu quả nhất”.
6. Ông Trương Gia Bình – Doanh nhân Việt đầu tiên được Nikkei vinh danh
Giải thưởng Nikkei được Tập đoàn truyền thông hàng đầu Nhật Bản Nikkei lập ra năm 1996, vinh danh các cá nhân và tổ chức châu Á (trừ Nhật Bản) có đóng góp đáng kể trong ba lĩnh vực: Phát triển khu vực, khoa học – công nghệ – đổi mới và văn hóa.
Được tổ chức suốt 18 năm qua nhưng mới có 9 doanh nhân được giải thưởng này vinh danh, trong đó có ông Trương Gia Bình – đại diện duy nhất của Việt Nam lọt vào sanh sách danh giá này.
Theo Nikkei, ông Bình không chỉ sáng lập và xây dựng thành công Tập đoàn Công nghệ thông tin, viễn thông FPT mà còn đóng góp lớn cho sự phát triển của ngành này tại Việt Nam.
Ông Bình đã xây dựng Hiệp hội công nghiệp phần mềm Việt Nam và lập ra trường đại học đào tạo các chuyên gia công nghệ.
Chia sẻ về giải thưởng này, ông Bình cho biết: “Đây là vinh dự lớn cho cá nhân tôi và FPT.
Nhật Bản là đối tác chiến lược của Việt Nam và tôi tin rằng, đi cùng Nhật Bản, quốc gia công nghệ hàng đầu thế giới là cơ hội để ngành công nghiệp phần mềm Việt Nam vươn lên sánh vai cùng các quốc gia khác như Ấn Độ, Trung Quốc”.
7. Bà Nguyễn Thị Nga – Nhân vật nổi tiếng ngành ngân hàng, nữ doanh nhân quyền lực
Một trong hai người nằm trong danh sách tỷ phú đôla của Việt Nam là bà chủ SeABank, doanh nhân thành đạt Nguyễn Thị Nga. Bà Nga cũng được tạp chí Forbes bình chọn là 1 trong 50 doanh nhân quyền lực năm 2013.
Được biết, bà là người đầu tiên được mời theo học ở George (Mỹ) và từng tham gia học tập tại các quốc gia như Pháp, Đức, Nhật Bản, Úc.
Năm 2000, bà Nga trở thành cổ đông của ngân hàng Techcombank và tới năm 2002 bà đã vươn lên làm phó chủ tịch ngân hàng Techcombank. 3 năm sau, bà Nga đã đạt cương vị là Chủ tịch Techcombank.
Từ năm 2007 đến nay, người phụ nữ này kiêm chức Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đông Nam Á (SeA Bank).
Hiện nay, nữ doanh nhân này đang nắm giữ trong tay nhiều khu nghỉ dưỡng, khách sạn, sân golf cùng hàng loạt các giải thưởng danh giá như: Công dân thủ đô ưu tú năm 2014, Hội nghị thượng đỉnh và đầu tư Asean 2014, Nhà lãnh đạo nữ xuất sắc nhất,…
8. Bà Thái Hương – “Người đàn bà sữa tươi” quyền lực châu Á
Năm 2015, bà Thái Hương lọt top 50 doanh nhân quyền lực châu Á năm 2015.
Năm 2009, khi thành lập TH True Milk, bà Thái Hương đã có lời thề sẽ thay đổi ngành công nghiệp sữa Việt Nam vốn chuyên sử dụng chất bột để tạo ra sản phẩm.
Kể từ đó, tập đoàn TH đã đầu tư 450 triệu USD để nhập khẩu cũng như chăn nuôi bò với mục đích sản xuất ra các sản phẩm sữa tươi nguyên chất, dựa trên công nghệ đến từ Israel.
Hiện với 40.000 con bò trên diện tích 8.100 ha, TH có kế hoạch nâng tổng diện tích chăn nuôi và sản xuất lên mức 37.000 ha.
Tập đoàn TH dự kiến doanh thu năm 2014 sẽ vượt mức 200 triệu USD và chiếm lĩnh 1/3 thị trường sữa tươi cả nước.
Bên cạnh tập đoàn TH, bà Hương cũng là chủ tịch kiêm người sáng lập của Ngân hàng Bắc Á kể từ năm 1994.
9. Bà Nguyễn Thị Mai Thanh - Top 50 Doanh nhân Việt quyền lực châu Á
Bà Nguyễn Thị Mai Thanh (sinh năm 1952, nguyên quán Tây Ninh) là con gái của Trung tướng Nguyễn Thới Bưng – nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.
Trong kháng chiến chống Mỹ, bà theo học lớp dược tá và được phân công về Sư đoàn 9 ở chiến trường miền Đông ác liệt.
“Tôi làm mọi thứ. Chẻ củi, tải gạo, lội sông, lội suối như đàn ông.
Tôi luôn cố gắng quên mình là con của một cán bộ để sống như mọi người, càng không cho phép xem mình là phụ nữ để gây khó khăn cho người khác” – đó chính là suy nghĩ tự lập đáng nể của nữ doanh nhân khi mới 16 tuổi.
Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành cơ khí điện tại Đại học Karl-Marx-Stadt (Đức), năm 1982, bà gia nhập REE với vị trí là một kỹ sư và trở thành lãnh đạo công ty này từ năm 1985.
Từ đó, bà Nguyễn Thị Mai Thanh đã giúp REE thoát khỏi cảnh chật vật nhờ thương hiệu máy điều hòa Reetech. Đây cũng là công ty đầu tiên niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam năm 2000.
Cuối năm 2013, tổng tài sản của REE đông 350 triệu USD, vốn chủ sở hữu hơn 200 triệu USD, doanh thu mỗi năm trên 100 triệu USD.
Từ ngày đầu có vài cỗ máy cũ kỹ, REE mở rộng hoạt động kinh doanh ra nhiều lĩnh vực mới, nền tảng vững chắc theo thế “chân kiềng”: Cơ điện – văn phòng cho thuê – đầu tư chiến lược vào lĩnh vực hạ tầng tiện ích.
Hồi tưởng về 15 gắn bó với thị trường chứng khoán, bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch kiêm CEO REE cho hay mình đã có nhiều bài học quý báu, không ít kỷ niệm vui và cả những giọt nước mắt.
Tính đến ngày 10/2/2105, bà Mai Thanh và gia đình hiện đang nắm giữ lượng cổ phiếu REE trị giá hơn 1031,4 tỷ đồng, trong đó cá nhân bà nắm giữ khoảng 469 tỷ đồng.
Hiện, người phụ nữ này đang xếp vị trí thứ 40 trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.
Bà Mai Thanh cũng được tạp chí Forbes vinh danh là 1 trong 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á.