Tỷ phú đôla đầu tiên của Việt Nam
Năm 2013, ông Phạm Nhật Vượng – Chủ tịch HĐQT Vingroup trở thành người Việt Nam đầu tiên được Forbes thống kê trong danh sách tỷ phú thế giới và cũng là doanh nhân Việt đầu tiên lên trang bìa tạp chí danh tiếng này. Đây cũng là lần hiếm hoi ông chủ Vingroup đồng ý trả lời phỏng vấn và chụp hình với nhà báo.
Theo thống kê của Forbes, ông Vượng đứng thứ 974 trong danh sách tỷ phú thế giới với 1,5 tỷ USD trị giá tài sản, chủ yếu nhờ 53% cổ phần ở tập đoàn Vingroup.
Ngoài việc trở thành người Việt Nam đầu tiên có tên trong danh sách tỷ phú đôla của Forbes, ông Vượng còn gắn liền với những sự kiện và con số ấn tượng trong năm. Đầu tiên là việc Vingroup khai trương Royal City – trung tâm thương mại dưới lòng đất lớn nhất châu Á.
Trong bối cảnh kinh tế trong nước còn nhiều khó khăn, khu trung tâm thượng mại hạng sang rộng mênh mông của ông Vượng vẫn đông nghịt khách và trở thành một điểm sáng hiếm hoi với thị trường bất động sản phía Bắc. Thậm chí, dịp 2/9, Vingroup còn khuyến cáo khách hàng không nên đến đây vì sợ quá tải sẽ gây ra nhiều sự cố không đáng có.
Bên cạnh đó, kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm của Vingroup cũng gây choáng váng với lãi sau thuế hơn 6.000 tỷ đồng, tăng 311% so với cùng kỳ năm trước. Vào dịp Noel, tỷ phú đôla đầu tiên của Việt Nam tiếp tục khai trương Vincom Mega Times City - siêu trung tâm thương mại thứ hai trong chuỗi hệ thống Vincom Mega Mall của Vingroup.
Trả lời phỏng vấn Forbes, vị doanh nhân rất ít khi xuất hiện trước công chúng này cho biết, ông ước mơ biến Hà Nội và Sài Gòn thành điều gì đó tương tự như Singapore hay Hong Kong: "Nếu tôi có thể thực hiện, cho dù nó khiến tôi mất một vài tỷ USD, tôi vẫn sẽ rất hạnh phúc. Tôi sẽ để lại thứ gì đó - bạn không thể mang theo tiền khi đã chết".
Người mời Nick Vujicic đến Việt Nam
Với ông chủ Tôn Hoa Sen – Lê Phước Vũ, 2013 là một năm thành công và những điều tốt lành. Tính đến gần cuối tháng 11, giá trị tài sản cổ phiếu của ông Vũ tăng hơn gấp đôi (114%) tương ứng với mức cộng thêm gần 950 tỷ đồng và là người giàu duy nhất thuộc Top đầu sàn chứng khoán có mức tăng cao đến vậy. Kết quả kinh doanh của Tập đoàn Hoa Sen cũng có những con số rất khả quan với lãi sau thuế 11 tháng 570 tỷ đồng, vượt 43% kế hoạch.
Một dấu ấn trong năm 2013 giúp ông Vũ phủ sóng khắp các mặt báo, thương hiệu Tôn Hoa Sen trở nên đình đám khắp nơi là việc chi hơn 1,5 triệu USD mời chàng trai kỳ diệu nhất hành tinh Nick Vujicic đến Việt Nam diễn thuyết.
Trùng với thời điểm mời chàng trai không tay không chân đến Việt Nam, giá chứng khoán của Tập đoàn Hoa Sen tăng rất mạnh và giúp trị giá tài sản bằng cổ phiếu của ông Vũ tăng tới 170 tỷ đồng. Ông chủ của Tôn Hoa Sen cũng lần đầu lọt vào danh sách 10 người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt.
Trả lời phỏng vấn về việc giá cổ phiếu tăng cũng như lọt Top 10 sàn chứng khoán, ông Vũ chia sẻ: “Thì cũng vui vui, vậy thôi. Thực ra, tôi quan tâm đến những việc khác hơn. Đó là sự cạnh tranh, khả năng phát triển, đối phó với những thách thức, thay đổi, sự thích nghi với những cạnh tranh khốc liệt của doanh nghiệp hơn là những thống kê như vậy”.
Người chủ doanh nghiệp sùng bái đạo Phật này nói thêm: “Hoa Sen mời Nick đến Việt Nam để mang lại những giá trị tốt cho cộng đồng. Chúng tôi tin rằng anh đã truyền cảm hứng cho tất cả mọi người, đặc biệt là người khuyết tật vượt qua nghịch cảnh cuộc sống để vươn lên. Đó mới là những mục tiêu của Hoa Sen khi mời Nick về Việt Nam, chứ không phải chúng tôi muốn tạo thương hiệu thông qua người nổi tiếng”.
Người hồi sinh Tràng Tiền Plaza – Johnathan Hạnh Nguyễn
Hồi sinh trung tâm thương mại Tràng Tiền (Tràng Tiền Plaza), biến nó thành nơi mua sắm hàng hiệu đẳng cấp nhất Việt Nam trong bối cảnh kinh tế khủng hoảng được đánh giá là một quyết định rất mạo hiểm của Johnathan Hạnh Nguyễn.
Tuy nhiên, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (Imex Pan Pacific - IPP) – người được gọi là ông vua hàng hiệu Việt Nam chia sẻ: “Tôi không 'chơi ngông', liều lĩnh hay thiếu suy nghĩ để chi 400 tỷ đồng cải tạo, mời nhà đầu tư quốc tế góp 3.000 tỷ đồng vào Tràng Tiền Plaza. Bởi với tôi, đó không đơn giản là một trung tâm thương mại mà còn là khát vọng một đời của người con xa xứ”. Trong số 112 gian hàng siêu sang tại Tràng Tiền Plaza, ông Johnathan Hạnh Nguyễn sở hữu 20 gian.
Người có nhiều năm kinh doanh hàng hiệu thành công tại Việt Nam cho rằng, sau thời kỳ tồi tệ, nền kinh tế đang dần phục hồi và sẽ vào độ “sung mãn” nhất. Màu hồng của nền kinh tế đồng nghĩa với sức mua sẽ gia tăng trở lại trong thời gian ngắn.
Thế nhưng, diễn biến sau đó của Tràng Tiền Plaza chưa được như tính toán của ông vua hàng hiệu Việt Nam. Dù được đầu tư nhiều chương trình đình đám, Tràng Tiền Plaza vẫn rất vắng khách. Nhiều người dân Hà Nội chỉ đến đó chụp ảnh cưới, hay vào chơi cho mát, dỗ con ăn trong mùa hè chứ không phải để tham quan hay mua sắm.
Tuy nhiên, người hồi sinh Tràng Tiền Plaza vẫn rất kiên định, ông chia sẻ trong một bài phỏng vấn: “Bản thân tôi luôn vững niềm tin có ‘nếm mật nằm gai’ thì mới gặt hái được hoa thơm quả ngọt. Và chắc chắn hương vị của thành công này sẽ càng đậm đà hơn bởi với quyết định đầu tư vào Tràng Tiền Plaza, tôi đã vượt qua chính những dè dặt, toan tính thua lỗ trên thương trường, để tự tin bước những bước chân vững vàng nhất”.
Được đồn đoán sở hữu khối tài sản trị giá hàng trăm triệu, thậm chí cả tỷ đôla với hình ảnh của dinh thự siêu xa xỉ tại Việt Nam nhưng Chủ tịch của IPP chưa từng công bố về gia tài mình có. Các số liệu thống kê chính thức về tài sản của Johnathan Hạnh Nguyễn cũng chưa từng xuất hiện.
Khi có người hỏi, ông có ngại không khi được gọi là tỷ phú, Chủ tịch IPP trả lời: “Hãy cho tôi thêm thời gian, tôi sẽ phấn đấu, bổ sung những gì còn thiếu sót để thật sự xứng đáng là tỷ phú, chứ không phải tỷ phú trên giấy hay tỷ phú bong bóng”.