Những doanh nhân đình đám nhất năm 2013 đã làm gì?

Có những người tiếp tục gặt hái thêm thành công, có người cay đắng chấp nhận thất bại, lại có người nổi tiếng nhờ những chuyện lùm xùm không giống ai.

Phạm Nhật Vượng: Tỷ phú đầu tiên

Năm nay 44 tuổi và sở hữu khối tài sản 1,5 tỉ USD, câu chuyện của ông Vượng có thể được xem như một câu chuyện làm giàu tiêu biểu của một cá nhân ở Việt Nam trong thời đổi mới: Xuất phát điểm ở Đông Âu, biết tận dụng những ưu đãi của chính sách và thời cơ có một không hai của thị trường chứng khoán, bất động sản.

Ông Vượng cho biết mơ ước sẽ biến những con phố của Hà Nội và Sài Gòn trở nên sầm uất như Hồng Kông hay Singapore.

Trong năm đầu tiên lọt vào danh sách tỷ phú thế giới, tập đoàn Vingroup đã có rất nhiều sự kiện đáng nhớ như đưa vào vận hành 2 khu đô thị Times City, Royal City; bán trung tâm thương mại Vincom Center A tại Tp.HCM với giá chuyển nhượng lên đến 9.800 tỷ hay bán 20% cổ phần Vincom Retail cho Warburg Pincus thu về 200 triệu USD.

Những doanh nhân đình đám nhất năm 2013: Họ đã làm gì? (1)
 

Đoàn Nguyên Đức: Biến cố trên mọi mặt trận

Một năm không thuận lợi với bầu Đức. “Dính” vào vụ lùm xùm với một tổ chức quốc tế, tuyên bố rút chân khỏi bất động sản, thủy điện, khai khoáng. Tới cuối năm ông và HAGL tiếp tục gặp khó khi tìm đường về nước cho sản phẩm mía đường sản xuất tại Lào.

Trong khi tập trung nguồn lực cho dự án bất động sản trị giá 440 triệu USD tại Myanmar thì HAGL đã rút khỏi phần lớn các dự án bất động sản trong nước.

Dù gặp nhiều khó khăn nhưng 2013 không hẳn là một năm quá bế tắc với bầu Đức. Những khoản đầu tư của HAGL tại Lào, Campuchia và Myanmar vẫn rất tiềm năng. Bên ngoài kinh doanh, đội tuyển bóng đá U19 HAGL - Arsenal của bầu Đức cũng ghi dấu ấn rất lớn trong lòng người hâm mộ.

Sau các động thái tái cấu, phần lớn các hoạt động kinh doanh của HAGL là tại các thị trường nước ngoài, với 2 mảng chính là bất động sản và nông nghiệp (mía đường,cao su, cọ dầu).

Những doanh nhân đình đám nhất năm 2013: Họ đã làm gì? (2)
 

Phạm Đình Nguyên: Dấu ấn người Việt trên đất Mỹ

Hơn một năm sau khi mua thị trấn nhỏ nhất nước Mỹ, Phạm Đình Nguyên, ông chủ mới của thị trấn Buford đã ra “Tuyên ngôn cà phê Việt trên đất Mỹ” và công bố đổi tên thị trấn có lịch sử 147 năm này thành PhinDeli, thương hiệu cà phê do ông lập ra.

Với thông điệp về hương vị độc đáo của cà phê Việt Nam, Phạm Đình Nguyên cùng CEO Phin Deli Đỗ Quốc Tuấn đã gây dựng nên một thương hiệu cà phê Việt trên chính đất nước Mỹ.

Những doanh nhân đình đám nhất năm 2013: Họ đã làm gì? (3)
Phạm Đình Nguyên là 1 trong số ít DN Việt tạo được dấu ấn trên đất Mỹ

Jonathan Hạnh Nguyễn: Ông vua hàng hiệu

Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP) từ lâu đã nổi tiếng là nhà phân phối các thương hiệu xa xỉ của LVMH như Chanel, Burberry, Cartier, Salvatore Ferragamo, Role, hay nhận nhượng quyền Burger King – đối thủ lớn nhất của Mc Donald’s tại Việt Nam.

Hồi sinh Tràng Tiền Plaza rồi biến nó thành nơi mua sắm hàng hiệu đẳng cấp nhất Việt Nam, Jonathan Hạnh Nguyễn tiếp tục khẳng định vị thế vua hàng hiệu của mình.

Trước tình trạng vắng khách của trung tâm thương mại này, nhiều người đã đặt dấu hỏi về hiệu quả kinh doanh của Tràng Tiền Plaza.

Những doanh nhân đình đám nhất năm 2013: Họ đã làm gì? (4)
Vua hàng hiệu vẫn khẳng định vị thế của mình trong năm 2013

Huỳnh Uy Dũng: Con kiến kiện “củ khoai” Nhà nước

Cuối năm 2013, Chủ khu Du Lịch Đại Nam nổi tiếng đã đâm đơn tới Thủ tướng Chính phủ tố cáo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Lê Thành Cung trong vụ việc liên quan đến Khu công nghiệp Sóng Thần 3.

Ông Dũng cho biết mình kiện để “xóa bỏ cái lệ xấu” tại Bình Dương nói riêng và cả nước nói chung.

Cách đây không lâu, vào dịp sinh nhật 1 tuổi của con trai, ông Dũng đã tuyên bố để lại toàn bộ tài sản cho cậu bé này.

Những doanh nhân đình đám nhất năm 2013: Họ đã làm gì? (5)
Ông Huỳnh Uy Dũng muốn bỏ đi cái tiền lệ xấu ở Bình Dương và cả nước

Đặng Thành Tâm: Ngập chìm trong nợ nần

Ông Đặng Thành Tâm là đại diện tiêu biểu cho nhóm những doanh nhân chịu tác động trực tiếp từ suy thoái kinh tế tại Việt Nam. Những công ty lớn của ông Tâm như Tổng công ty phát triển đô thị Kinh Bắc (KBC), hay Viễn Thông Sài Gòn (SGT) đều đang trong diện thua lỗ kéo dài.

Dù cổ phiếu tăng tới 75% trong năm qua nhưng những khó khăn với KBC vẫn còn hiện hữu; lớn nhất là tìm nguồn trả nợ khoản trái phiếu trị giá 3.000 tỷ đồng sẽ đáo hạn trong năm 2014.

Trong năm qua, ông Tâm cùng các bên liên quan đã bán đi phần lớn số cổ phần của mình tại 2 ngân hàng Navibank và Western Bank.

Những doanh nhân đình đám nhất năm 2013: Họ đã làm gì? (6)
 

Hồ Huy: Sai lầm trong chiến lược

Chủ tịch của Mai Linh, doanh nghiệp lớn nhất ngành taxi, ông Hồ Huy vẫn đang đau đầu với bài toán tái cấu trúc tập đoàn

Liên tục bành trướng ra nhiều tỉnh thành, Mai Linh dần đánh mất thị trường trọng yếu vào tay Vinasun. Trong khi đó, bộ máy kềnh càng với hàng chục công ty con khiến Mai Linh liên tục thua lỗ.

Sai lầm trong việc dùng nhiều khoản vay ngắn hạn được dùng để đầu tư dài hạn đã khiến cho Mai Linh thiếu hụt nguồn tiền trả nợ.

Những doanh nhân đình đám nhất năm 2013: Họ đã làm gì? (7)
Ông Hồ Huy vẫn phai đau đầu với bài toán tái cơ cấu Mai Linh

Đoàn Quốc Việt: Air Mekong hạ cánh

Chủ tịch BIM Group, cơ quan chủ quản của Air mekong đã quyết đinh tạm ngừng bay do "càng bay càng thấy lỗ". Một trong những sai lầm của Air Mekong được nhiều chuyên gia chỉ ra là chọn sai loại máy bay.

Mặc dù nhiều lần lên tiếng tiếc nuối cho “Sếu đỏ” nhưng ông Việt và BIM Group vẫn chưa đả động gì đến việc Air Mekong sẽ cất cánh trở lại.

Sau khi tạm dừng phiêu lưu với ngành hàng không, BIM tập trung đầu tư các hạng mục trong dự án khu đô thị Hạ Long Marina tại thành phố Hạ Long.

Hiện tại, BIM đang tiến hành tái cấu trúc lại mô hình công ty, tiến tới phát hành cổ phiếu ra công chúng thông qua đấu giá. Ngoài Air Mekong, BIM đã và đang đầu tư cả vào bất động sản, nuôi trồng thủy sản, làm muối...

Những doanh nhân đình đám nhất năm 2013: Họ đã làm gì? (8)
Tiếc nuối nhưng ông Việt chưa có ý định khởi động lại Air Mekong

Alan Phan: Đối mặt lợi ích nhóm bất động sản

Trong khi các DN bất động sản kêu gọi sự trợ giúp của Chính phủ thì ông Alan Phan lại lên tiếng phát biểu hãy để thị trường “rơi tự do”, lúc đó giá bất động sản sẽ còn giảm thêm 30 – 50% nữa.

Các DN và Hiệp hội Bất động sản không để ông Alan yên sau phát biểu này. Hàng loạt đại diện của DN bất động sản Việt Nam đã lên tiếng chỉ trích ông gay gắt, thậm chí đưa ra nhiều tin đồn thất thiệt.

Những doanh nhân đình đám nhất năm 2013: Họ đã làm gì? (9)
Tranh cãi giữa ông Alan Phan và các DN bất động sản Việt Nam: khi cá nhân đối mặt với nhóm lợi ích

Trầm Bê: Từ sừng tê đến dinh thự ngất trời

Cuối tháng 9, ông Trầm Bê, Phó chủ tịch HĐQT Sacombank liên tục xuất hiện trên các phương tiện truyền thông. Tuy nhiên, sự xuất hiện của ông chẳng liên quan gì đến ngành ngân hàng, mà liên quan đến chiếc sừng tê nặng tới 4kg, trị giá hơn 4 tỉ đồng của ông đột nhiên bị đánh cắp.

Vụ việc cuối cùng chẳng đi đến đâu, chiếc sừng tê thì mãi chưa được tìm thấy, chỉ có người dân là được phen mãn nhãn với những hình ảnh về dinh thự hoành tráng của đại gia đất Trà Vinh.

Những doanh nhân đình đám nhất năm 2013: Họ đã làm gì? (10)
 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại