Một trong những "ông lớn" đầu tiên rời bỏ thị trường bất động sản trong nước đó là Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) .
Không đơn giản là một tập đoàn bất động sản mạnh với 15 công ty con và liên kết, hiện đang đầu tư hàng chục dự án căn hộ, văn phòng và đất nền tại thành phố Hồ Chí Minh, Gia Lai, Bình Định, Đà Nẵng, Cần Thơ, HAGL lại chọn cách rời bỏ thị trường, chuyển hướng tập trung đầu tư vào cao su, mía đường ở Lào, Campuchia và bất động sản Myanmar, Thái Lan.
Lý giải thắc mắc của nhiều người về việc mang tiền khủng đi đầu tư nước ngoài, bầu Đức - Đoàn Nguyên Đức, ông chủ HAGL cho biết: "Trong khi thị trường BĐS trong nước không ai nói được khi nào mới có dấu hiệu phục hồi thì HAGL lựa chọn giải pháp an toàn là đầu tư vào thị trường BĐS nước ngoài". Nguyên nhân được vị đại gia giải thích do: "HAGL tạm thời bỏ ngỏ thị trường BĐS Việt Nam vì càng làm càng lỗ".
Mới đây nhất, trong Đại hội Cổ đông thường niên 2014, tổ chức ngày 18/04, Chủ tịch Hội đồng quản trị HAGL Đoàn Nguyên Đức chia sẻ, nhìn lại việc HAGL mạnh tay, quyết liệt dứt bỏ bất động sản vẫn là một bước đi đúng đắn.
Nhờ đó, HAGL mới có tiền đầu tư sang Lào và Campuchia. "Từ năm 2009, HAGL đã hạ đến 40% giá bất động sản tại thành phố Hồ Chí Minh, tôi cho rằng nếu năm 2009 HAGL không làm điều này, HAGL sẽ không có khối tài sản lớn như hiện nay".
Hiện dự án BĐS hiếm hoi được HAGL giữ lại, là dự án khu phức hợp bất động sản tại Myanmar đã được xây dựng, dự kiến sẽ hoàn thiện và đi vào hoạt động trong năm 2015.
Sau khi rút khỏi thị trường bất động sản trong nước, HAGL đã chuyển sang ngành mới - đầu tư vào nông nghiệp và quyết định chọn đây là ngành chủ lực trong tương lai. Tính đến thời điểm hiện nay, HAGL đã đầu tư 18.000 tỷ đồng vào nông nghiệp công nghệ cao tại Lào và Campuchia.
Hòa Phát có lãi vẫn muốn bỏ bất động sản
Tiếp theo chân của Hoàng Anh Gia Lai, một ông lớn nữa cũng quyết định rút khỏi thị trường bất động sản, đó là Tập đoàn Hòa Phát.
Theo báo cáo quý I/2014, Tập đoàn Hòa Phát đạt 910 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế từ lợi nhuận kinh doanh thép và doanh thu từ dự án Mandarin Garden. Mặc dù kinh doanh có lãi nhưng Chủ tịch Hội đồng quản trị Hòa Phát - ông Trần Đình Long, cho biết, doanh nghiệp này sẽ không đầu tư vào bất động sản trong dài hạn.
Bất động sản hiện nay không còn là lĩnh vực đầu tư sinh lời cao, thêm nữa trong vài năm trở lại đây thị trường này đang đóng băng, chưa có nhiều dấu hiệu phục hồi, do đó để tránh khỏi những rủi ro, nhiều doanh nghiệp đã lần lượt rút khỏi thị trường và tìm hướng đầu tư mới hoặc tập trung nghành nghề kinh doanh cũ. Việc HAGL, sắp tới là Hòa Phát quyết định chuyển hướng đầu tư là minh chứng cho xu hướng này.
Trước HAGL và Hòa Phát cũng đã có rất nhiều doanh nghiệp chạy khỏi thị trường bất động sản như Tập đoàn Hoa Sen từ cuối 2011 cũng nhanh nhạy rút khỏi mảng bất động sản và tập trung cho lĩnh vực kinh doanh cốt lõi là thép.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã thoái vốn ở các lĩnh vực đầu tư ngoài ngành, trong đó có việc rút hàng nghìn tỷ đồng từ các công ty bất động sản Sài Gòn - Vina, Điện lực miền Trung...