Những chiêu xiết nợ 'độc' của các ngân hàng

Để xiết nợ, nhiều ngân hàng đã đưa ra mọi chiêu trò gây tai tiếng, tranh cãi: tịch thu tài sản, thu hồi tài sản thế chấp...

Khác với cảnh xiết nợ "nhẹ nhàng" của ông Đặng Văn Thành, nhiều đại gia khác bất ngờ bị bắt ô tô, thu hồi tài sản thế chấp… vì thiếu nợ. Những cảnh xiết nợ các “đại gia” của các ngân hàng thương mại đang gây sự chú ý của dư luận.

Trước đó, nhiều chuyên gia kinh tế đã cảnh báo nợ xấu gia tăng sẽ khiến cảnh xiết nợ diễn ra nhiều hơn. Và thực tế hiện nay cho thấy, các khoản nợ từ lớn đến bé đang lộ dần khi các ngân hàng phải công khai tại trước các cổ đông.

Tại đại hội đồng cổ đông ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), các cổ đông đã rất quan tâm tới khoản tiền hơn 7.400 tỷ đồng mà ông Nguyễn Đức Kiên (“bầu” Kiên) nợ ACB. Theo lãnh đạo ACB, trước đây 6 công ty của ông Kiên có vay ACB hơn 9.400 tỷ đồng, sau đó ACB xử lý được hơn 2.000 tỷ và còn dư nợ 7.400 tỷ. Cũng may cho ACB, hiện khoản tài sản đảm bảo đủ để trừ khoản nợ này.

Giàu có như ông Đặng Văn Thành, nguyên Chủ tịch HĐQT Sacombank (mã CK STB), từng là người đứng đầu Sacombank suốt gần 20 năm qua, cũng không tránh khỏi món nợ “đồng lần”.

Trong báo cáo báo cáo tài chính riêng năm 2012, Sacombank cho biết đã ký thỏa với ông Đặng Văn Thành và con trai là ông Đặng Hồng Anh vào ngày 5/12/2012. Theo đó, Sacombank đồng ý sử dụng khoản sở hữu vốn trong trong ngân hàng tương đương 7,435% (tương đương gần 80 triệu cổ phiếu) của ông Đặng Văn Thành và ông Đặng Hồng Anh để cấn trừ vào các khoản cho vay, đầu tư trái phiếu và phải thu khác với giá trị thỏa thuận là 1.596.853 triệu đồng (xấp xỉ gần 1.600 tỷ đồng).

Đơn vị kiểm toán PricewaterhouseCoopers (PWC) cho rằng: "Trường hợp này, Sacombank đã sử dụng cổ phiếu của chính ngân hàng làm tài sản xiết nợ".

Những chiêu xiết nợ 'độc' của các ngân hàng

Ngân hàng xiết nợ tài sản thế chấp là khu lăng mộ của một đại gia đất Cảng.

Các khoản cấn trừ này bao gồm, gần 172 tỷ đồng từ công ty Tín Việt; trên 678 tỷ đồng tại Sacomreal (công ty CP địa ốc Sài Gòn Thương Tín); hơn 329 tỷ đồng đầu tư vào trái phiếu Sacomreal; 18 tỷ đồng cho vay công ty Thành Thành Công; khoảng 192 tỷ đồng đầu tư vào trái phiếu Thành Thành Công; hơn 148 tỷ đồng đầu tư vào trái phiếu công ty Đặng Huỳnh; gần 59 tỷ đồng cho vay công ty Thành Ngọc.

Tuy nhiên, theo ông Đặng Văn Thành, khoản nợ trên đã có sự chủ động thỏa thuận giữa 2 bên là ông Thành và Sacombank. Các khoản nợ đều có thế chấp, đầy đủ giấy tờ và là nợ trong hạn. "Do cả hai bên cùng muốn xử lý dứt điểm nên đã chọn cách dùng cổ phiếu của chúng tôi tại ngân hàng để cấn qua", ông Thành cho biết.

Không nhẹ nhàng như cách của Sacombank, vụ siết nợ của chi nhánh Vietinbank Lê Chân (Hải Phòng) đối với tài sản thế chấp là khu lăng mộ của một đại gia đất Cảng đang khiến dư luận xôn xao.

Theo thông báo của chi nhánh Vietinbank Lê Chân gửi ông Vũ Hồng Khánh, tháng 9/2012, ngân hàng đã ký hợp đồng tín dụng cho doanh nghiệp tư nhân Hoàng Đại do ông Vũ Đức Hòa vay 990 triệu đồng. Tổng số nợ gốc và lãi vay đã phát sinh lên hơn 1 tỷ đồng.

Do khoản nợ đã quá hạn (hết thời hạn trả nợ cuối cùng là ngày 10/4/2013), nhưng ông Hòa đã “biến mất” không rõ lý do. Do đó, ngân hàng đã khởi kiện doanh nghiệp này để tiến hành thủ tục xử lý tài sản đảm bảo, thu hồi khoản nợ xấu.

Chi nhánh Vietinbank Lê Chân cho biết, ông Hòa đã thế chấp cho ngân hàng mảnh đất rộng 350,2m2 tại khu dân cư số 2, phường Quán Trữ, Q.Kiến An, Hải Phòng. Giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất (số V636352) do UBND quận Kiến An cấp ngày 25/10/2001 (chủ sở hữu là hộ ông Vũ Đức Hòa).

Tuy nhiên, vụ xiết nợ trở nên rắc rối khi ông Vũ Hồng Khanh phản đối và khẳng định mảnh đất đem thế chấp cho ngân hàng chính là khu lăng mộ bằng đá mà gia đình ông đã xây từ năm 1999, khánh thành năm 2001. Trên tấm bia đá có khắc chữ thể hiện sở hữu là mảnh đất chung của gia đình, được giao cho ông Vũ Đức Hòa - con trưởng - đứng tên sở hữu để chăm lo việc hương hỏa sau này.

Đến nay, vụ xiết nợ vẫn còn gây tranh cãi. Gần đây, trao đổi với báo giới về quy chế cho vay, nhận thế chấp tài sản của Vietinbank, một lãnh đạo cấp chi nhánh của ngân hàng này cho biết: “Chưa nghe, chưa nhìn thấy chuyện nhận thế chấp như vậy. Nhưng không thể có chuyện ngân hàng (Vietinbank) nhận thế chấp tài sản là đất đai có công trình kiến trúc là lăng mộ trên đó”.

Mới đây nhất, vụ xiết nợ cỡ nhỏ hơn, nhưng đã khiến khổ chủ bị bất ngờ và ngỡ bị mất cắp. Theo tin trên một số tờ báo, sự việc xảy ra ngày 24/4 khi anh Lê Hưng Thịnh (trú tại P.Ngọc Thụy, Gia Lâm, Hà Nội) có việc đi Thái Nguyên đến tối mới về thì chiếc xe Huyndai Avante màu đen của mình không cánh mà bay. Tưởng bị mất cắp, anh Thịnh lên công an phường trình báo vụ việc thì công an cho biết ngân hàng đã đến lập biên bản thu hồi chiếc xe.

Trước đấy vào tháng 11/2011 anh Thịnh có thế chấp chiếc xe ô tô trị giá 700 triệu đồng để vay 350 triệu đồng của ngân hàng Bảo Việt với thời hạn 3 năm. Hiện tại, anh Thịnh đã trả 100 triệu, số nợ cả gốc lẫn lãi là 284 triệu đồng.

Vụ việc này cũng gây tranh cãi khi khổ chủ của chiếc xe cho rằng ngân hàng thu hồi xe mà không thông báo là phạm luật. Phía Ngân hàng Bảo Việt - nơi cho anh Thịnh vay tiền, cho hay anh Thịnh đã chậm trả nợ từ tháng 6 năm ngoái tới nay nên khoản vay của khách hàng đã tự động chuyển sang nợ xấu theo quy định trong hợp đồng.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại