Nhiều lỗ hổng trong thẩm định tài sản thế chấp của các ngân hàng

Hoàng Đan |

(Soha.vn) - Theo Luật sư Nguyễn Văn Tú, đã có nhiều lỗ hổng trong quá trình các ngân hàng thẩm định tài sản thế chấp cũng như doanh nghiệp Âu Mỹ...

Nhiều lỗ hổng của ngân hàng

Liên quan đến sự việc, những ngày qua, nhân viên, bảo vệ của nhiều ngân hàng lớn như Techcombank, AB Bank, Liên Việt, MB... đã vây kín cổng nhà máy sản xuất của Công ty cổ phần xuất nhập khẩu và sản xuất thương mại Âu Mỹ thuộc khu công nghiệp Quất Động, xã Quất Động, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội nhằm không cho xuất hàng ra khỏi kho.

Trao đổi với PV, Luật sư Nguyễn Văn Tú, Giám đốc công ty Luật Fanci (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, thực tế, về lý việc các ngân hàng cho nhân viên, bảo vệ đến vây kín cổng công ty Âu Mỹ để không cho xuất hàng ra khỏi kho cũng không hoàn toàn không có lý, do doanh nghiệp này đã thế chấp kho hàng này để vay một số vốn nhất định nhưng quá thời hạn mà chưa thanh toán được.

Luật sư Nguyễn Văn Tú, Giám đốc công ty Luật Fanci.
Luật sư Nguyễn Văn Tú, Giám đốc công ty Luật Fanci.

Tuy nhiên, theo Luật sư Tú cách hành xử của các ngân hàng trong việc đến để quản trị tài sản thế chấp đó bằng cách vây kín cổng nhà máy thì lại chưa đúng.

"Các ngân hàng đều là các đơn vị kinh doanh về tài chính, nắm rất rõ hệ thống pháp luật của Việt Nam, vậy thì ở đây, không biết hiểu các ngân hàng đã làm chưa, khi tại sao lại không khởi kiện đơn vị này ra toà và yêu cầu cơ quan nhà nước đến để phong toả tài sản, cấm dịch chuyển...

Mà lại tự mình tới đây và vây kín, "bế quan toả cảng" làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp khi họ chưa tuyên bố phá sản và gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự tại địa bàn. Ngân hàng có lý nhưng giữa lý và cách hành xử đúng là hoàn toàn khác nhau", Luật sư Tú nói.

Cũng theo Luật sư Tú, ở đây, vay nợ là công ty, còn các công nhân của công ty không hề nợ ngân hàng, nhưng cách hành xử của các Ngân hàng như thế này còn tác động đến tâm lý, tư tưởng và khả năng làm việc của công nhân. Đó là chưa kể đến việc, nếu việc bao vây này gây ảnh hưởng đến hoạt động, dẫn đến doanh nghiệp ngừng hoạt động, phá sản... sẽ khiến lao động mất việc làm, thì đó còn là tác động xã hội rất lớn...

Quay trở lại vấn đề cho công ty Âu Mỹ của các ngân hàng, nhìn vào thực tế, Luật sư Tú nhấn mạnh, ở đây đã cho thấy nhiều lỗ hổng trong vấn đề nghiệp vụ, thẩm định tài sản thế chấp, doanh nghiệp, cho vay vốn của các ngân hàng.

"Thực tế, qua theo dõi phản ánh trên báo chí có thể thấy rõ, ở đây, khi cho vay vốn, ngân hàng đã không thẩm định kỹ đối tác của mình.

Khi cho vay rồi, ngân hàng luôn luôn cần giám sát để biết rõ mục đích, tiến độ sử dụng vốn của doanh nghiệp ra sao, nhưng ở đây, ngân hàng đã không giám sát, để đến hết thời hạn rồi mà không rõ nguồn vốn được sử dụng ra sao. Nói cách khác, ngân hàng đã không quan tâm nguồn vốn của mình được sử dụng ra sao.

Thêm vào đó, khi nhận một tài sản thế chấp để cho vay, lẽ ra ngân hàng phải thẩm định kỹ tài sản thế chấp xem liệu nó đã vướng vào là tài sản thế chấp cho người khác chưa, giá trị bao nhiêu và nó tăng giá trị hay giảm giá trị như thế nào... 

Ngân hàng là chuyên gia của rủi ro tín dụng thì lẽ ra phải có những đánh giá sâu sát về vấn đề vốn, tài sản thế chấp của doanh nghiệp nhưng các ngân hàng lại không làm tốt điều đó.

Từ đó, dẫn đến việc, một kho hàng nhưng lại được thế chấp vay vốn ở nhiều ngân hàng và chỉ đến khi kéo đến đòi nợ các ngân hàng mới biết nhau còn trước đó có thể là không biết... Đó là lỗi cơ bản của phía cho vay", Luật sư Tú nhấn mạnh.

Vào chiều 8/5 vẫn còn khá nhiều nhân viên của một số Ngân hàng vẫn đang túc trực tại trước khu vực kho của công ty Ây Mỹ và inox Châu Âu.
Vào chiều 8/5 vẫn còn khá nhiều nhân viên của một số Ngân hàng vẫn đang túc trực tại trước khu vực kho của công ty Ây Mỹ và inox Châu Âu.

Cơ quan chức năng cần vào cuộc

Luật sư Tú cũng cho rằng, bên cạnh lỗi của ngân hàng, ở đây cũng cần xác định rõ những sai phạm của doanh nghiệp.

"Ở trong trường hợp này cần phải xem xét kỹ xem doanh nghiệp có làm sai luật không, chẳng hạn, theo quy định của pháp luật một tài sản không được thế chấp ở nhiều nơi, nhưng nếu làm như vậy thì là sai.

Cái sai đó, nếu do cá nhân nào thực hiện thì cá nhân đó phải chịu trách nhiệm, ở đây là phạm tội của lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Còn nếu, người được hưởng lợi, tiền vay trở về tài khoản của doanh nghiệp thì doanh nghiệp chịu trách nhiệm liên đới", Luật sư Tú nhấn mạnh.

Trong trường hợp này, theo Luật sư Tú, khi mối quan hệ giữa ngân hàng và doanh nghiệp không còn được đúng, không tôn trọng pháp luật như vậy sẽ ảnh hưởng đến rất nhiều vấn đề.

"Khi mối quan hệ giữa Ngân hàng và doanh nghiệp đã đến mức không còn tôn trọng pháp luật, gây ảnh hưởng đến nhiều vấn đề như vậy thì các cơ quan chức năng ví dụ như: thanh tra ngân hàng, công an, công đoàn, sở lao động, thương binh và xã hội hoặc ở đây là phòng ở cấp huyện cần vào cuộc để phân xử, chứ không thể để cho hai bên thuần tuý làm việc với nhau như hiện giờ", Luật sư Tú đề nghị.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại