Nhập khẩu vàng tăng 7 lần, ai hưởng lợi?

Quý I/2013, trong số nhóm hàng cần kiểm soát nhập khẩu kim ngạch, nhập khẩu vàng tăng đột biến, tăng hơn gấp 7 lần so với cùng kỳ.

Cụ thể, nhóm hàng cần kiểm soát nhập khẩu kim ngạch nhập khẩu tăng cao, tăng 42,3%, nguyên nhân do nhập khẩu vàng tăng đột biến, tăng hơn gấp 7 lần so với cùng kỳ.

Nếu trừ yếu tố nhập khẩu vàng thì nhập khẩu nhóm này giảm 11% so với cùng kỳ.

Đây là số liệu tình hình sản xuất công nghiệp và thương mại của Bộ Công Thương cung cấp. Con số nhập khẩu vàng tăng đột biến khiến người ta đặt nhiều dấu hỏi khi giá vàng trong nước luôn cao hơn vàng thế giới.

Thêm nữa, Ngân hàng nhà nước (NHNN) lại là đơn vị can thiệp trực tiếp vào thị trường vàng, song lại tuyên bố chỉ bình ổn thị trường, không bình ổn giá.

Ngay sau khi áp lệnh siết vàng miếng, chọn thương hiệu vàng quốc gia, NHNN chính thức ra tay để can thiệp vào thị trường vàng.

Trước đó, khi đăng đàn tại kỳ họp Quốc hội hồi tháng 11/2012, để khẳng định tính đúng đắn của Nghị định 24, Thống đốc Ngân hàng lập luận giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới là không ổn, dẫn đến tình trạng đầu cơ, nhập lậu, lũng đoạn thị trường vàng.

Từ đó NHNN đặt ra nhiệm vụ phải giảm mức chênh lệch giá vàng với mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới không quá 400.000 đồng/lượng. Tại thời điểm đó, sự chênh lệch giá đang là gần 4 triệu đồng một lượng.

Nhưng đến khi các ĐBQH truy vấn tại sao Nghị định 24 đã được ban hành nhiều tháng trời mà độ chênh lệch giá vẫn quá cao, phải chăng có điều gì đó bất ổn đang diễn ra trên thị trường vàng mà NHNN không kiểm soát nổi thì ngay lập tức, Thống đốc cũng có câu trả lời rằng: vàng không phải là hàng hóa thiết yếu như chất đốt, thực phẩm… nên Nhà nước đâu cần phải bình ổn giá?!

Nhập khẩu vàng tăng 7 lần, ai hưởng lợi?
 

Quan điểm này được thể hiện ngay trong việc can thiệp trực tiếp vào thị trường vàng của NHNN. Thực tế sau đó giá vàng được cho thả dốc, tuột một mạch xuống vùng 42 triệu đồng/lượng và được giữ trong một khoảng thời gian đủ dài, sau đó lại leo ngược lên vùng 44 triệu đồng/lượng và tiếp tục duy trì cách biệt đối với giá vàng thế giới.

Đã có những nhận định cho rằng, giới ngân hàng đắc lợi trong đợt vàng nhảy giá vừa qua khi nhanh tay gom vàng hạ giá để chuẩn bị cho đợt tất toán sắp tới.

Trở lại với lập luận của Thống đốc, trong một hội nghị bàn về sự phát triển KT-XH tại Đà Nẵng ngày 20/3/2013, Thống đốc Nguyễn Văn Bình lại khẳng định: “Quan điểm của Nhà nước hiện nay là không bình ổn giá vàng” với phân tích từ đầu năm tới nay, giá vàng trong nước và giá vàng thế giới tuy chênh nhau rất lớn nhưng “có ảnh hưởng đến tỷ giá đâu?”, “có ảnh hưởng gì đến nhập siêu đâu?”.

Sự bất cập lại tiếp tục thể hiện ngay trong phiên đấu thầu vàng miếng đầu tiên, mà NHNN đã thực hiện.

Sau phiên đấu thầu vàng miếng ngày 28/3 gây tác dụng ngược làm giá vàng trong nước tăng cao và 24.000 lượng vàng không có người mua.

Qua vụ việc này, dư luận cho rằng NH Nhà nước chỉ nên đứng ở góc độ quản lý vĩ mô, thay vì “nhảy” vào thị trường vàng như là “người buôn vàng”.

Theo Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối  - NHNN, ông Nguyễn Quang Huy, phiên đấu thầu ngày 28/3 quy mô 26.000 lượng vàng là tương đối lớn. Mục tiêu của NH Nhà nước là tăng cung vàng miếng trên thị trường để can thiệp bình ổn thị trường vàng, không nhằm bình ổn giá vàng và đặc biệt là không bù lỗ cho bất cứ đối tượng nào trên thị trường.

Chuyên gia kinh tế - TS Vũ Đình Ánh phân tích: Không biết mục tiêu phiên đấu thầu là gì nếu gắn vai trò NHNN với người kiến tạo thị trường vàng? Nếu xác lập giá cho thị trường thì mức 43,81 triệu đồng/lượng giá sàn lại cao hơn thị trường.

Nếu mục tiêu tạo sự liên thông với thế giới, thu hẹp khoảng cách với giá thế giới nhưng giá sàn lại cao hơn thế giới 3 triệu đồng/lượng, chẳng khác nào NHNN công nhận mức chênh lệch này là hợp lý, vì cơ quan này quyết định giá vàng?...

Cũng “nhờ” phiên đấu thầu này giá vàng trong nước đã tăng cao. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng NHNN chỉ nên quản lý ở góc độ vĩ mô. Một mình NH Nhà nước không thể “vừa đá bóng vừa thổi còi”, vừa độc quyền sản xuất, độc quyền giá, tham gia điều tiết thị trường như một người “buôn vàng” nhưng vẫn phải bảo đảm “không bị hụt dự trữ ngoại hối của Nhà nước”.

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng Thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI), nhận xét: Không có NH trung ương nước nào lại có nhiều chính sách quản lý vàng như Việt Nam.

Dường như NH Nhà nước đang rơi vào vòng luẩn quẩn của chính mình, đưa ra một cái “mạng nhện” về quản lý vàng rồi dính vào đó! NH Nhà nước đấu thầu vàng để làm gì? Vì sao việc nhập khẩu vàng lại tăng đột biến trong quý I/2013 như vậy?

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại