"Nhắm mắt" ký đại, nhiều khách hàng VN bị "hút cạn máu"

Phương Nhi |

(Soha.vn) - Theo luật sư Nguyễn Văn Tú: Do người Việt khá đại khái khi tham gia các giao dịch với số lượng văn bản dài dòng, ngôn từ khó hiểu nên thường ký vội hợp đồng vay.

>>> Vay tiêu dùng gánh lãi suất...74%/năm
>>> Cho vay lãi "cắt cổ", công ty tài chính "hút máu" khách hàng?
>>> Chuyện thật như đùa: Các cty "cắt cổ" khách ở VN vẫn sống khỏe

>>> Người có thu nhập vừa và thấp VN bị "bẫy cắt cổ" như thế nào?
>>> Cắt cổ khách 74%/năm: Bẫy gian dối và lời cảnh báo "thượng đế"

Cần thanh tra công ty tài chính để lành mạnh ngân hàng

Cùng với lãi suất huy động, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đây đã công bố giảm một loạt các lãi suất điều hành khác từ ngày 18/3/2014. Phó thống đốc NHNN Nguyễn Đồng Tiến nói: “Trong cho vay tiêu dùng có một thực tế là rủi ro trong lĩnh vực này lớn hơn hẳn, do vậy, thường các tổ chức tín dụng phải bù đắp bằng chi phí cao hơn, nên lãi suất phải gồng lên cao hơn. Tuy nhiên, với mục đích kích thích tiêu dùng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, xu hướng trong thời gian gần đây là một số tổ chức tín dụng đã giảm cho vay lãi suất tiêu dùng, điều này là tất yếu và phù hợp”.

Trong khi các ngân hàng trong nước đang lần lượt giảm lãi suất thì các tổ chức tín dụng phi ngân hàng vẫn đang duy trì mức lãi suất “khủng”. Đơn cử như trường hợp của công ty tài chính PPF (trụ sở tại Tp.HCM) bị khách hàng "tố" tính lãi suất cho vay lên đến 6,17%/tháng, tương đương 74,04%/năm khiến nhiều khách hàng bức xúc, xảy ra tranh chấp liên miên.

Lý giải về điều này, trao đổi với chúng tôi, luật sư Nguyễn Văn Tú – Giám đốc công ty Luật Fanci (Hà Nội) giải thích: Công ty tài chính là loại hình tổ chức tín dụng phi ngân hàng, họ không được phép nhận tiền gửi và thực hiện việc thanh toán hộ, họ chỉ được trong phạm vi vốn tự có hoặc vốn huy động bằng nguồn lực của chính mình. Do vậy, các quy định chặt chẽ mà Nhà nước áp dụng cho Ngân hàng không áp dụng cho loại hình tổ chức tín dụng này.

Nhiều doanh nghiệp tài chính nước ngoài tham gia vào hoạt động cho vay tín dụng với những lời giới thiệu đường mật.
Nhiều doanh nghiệp tài chính nước ngoài tham gia vào hoạt động cho vay tín dụng với những lời giới thiệu "đường mật".

Lấy một ví dụ: Hiện nay, mức lãi suất cơ bản NHNN quy định là 9% và do vậy các Ngân hàng thương mại không thể cho vay vượt quá 13,5% . Tuy nhiên, các Công ty tài chính thì vẫn không thuộc đối tượng chỉ được cho vay dưới 13,5 %. Mặc dù vậy, “nếu công ty tài chính cho vay cao hơn 10 lần mức nhà nước quy định thì mới chịu chế tài của Bộ luật hình sự, đó là tội cho vay lãi nặng” – luật sư Tú nhấn mạnh.

Ngoài việc được pháp luật bảo hộ, thực trạng “bắt tay” hợp tác giữa các công ty tài chính và các ngân hàng cũng khiến việc cho vay với lãi suất cao của các công ty tài chính được “mọc thêm cánh”, phát triển như “diều gặp gió”.

Theo luật sư Tú, với tình hình kinh tế suy thoái như hiện nay, các ngân hàng gặp khó khăn cho việc tăng trưởng tín dụng ngay cả khi lãi suất cho vay hạ xuống rất sâu, sẽ không loại trừ khả năng Ngân hàng thương mại bắt tay với các tổ chức tín dụng phi ngân hàng (Công ty tài chính) để cho vay tiêu dùng với mức lãi suất cao.

Bởi vì, trong khi các doanh nghiệp không tiếp cận được vốn của ngân hàng thì các tổ chức tín dụng phi ngân hàng vẫn tiếp cận được nhu cầu vốn tiêu dùng của người dân, hơn nữa, lại cho vay được mức lãi suất cao đến 74%. Như vậy, nếu ngân hàng hợp tác đưa vốn cho tổ chức tín dụng phi tài chính thì ngân hàng vẫn tăng trưởng được tín dụng còn tổ chức tín dụng phi tài chính lại được cung cấp vốn khá dồi dào của Ngân hàng.

Tuy nhiên, rủi ro trong việc liên minh này là rất lớn vì người dân phải gánh chịu mức lãi suất quá cao, tổ chức tín dụng phi ngân hàng có thể gặp khó vì nợ xấu hình thành và phát triển kéo theo hệ lụy nợ xấu tiếp cho ngân hàng.

“Nếu tồn tại liên minh này thì nó đã phá vỡ chính sách lãi suất mà Nhà nước quy định đối với Ngân hàng. Hiện tượng này có thể gây nhiều hậu quả khôn lường cho xã hội dân sự - kinh tế. Khả năng này chắc cũng phải quan tâm vì khá nhiều Ngân hàng của Việt Nam được thành lập công ty tài chính. Có lẽ cần phải thanh tra hoạt động của các công ty tài chính để lành mạnh ngân hàng” – Luật sư Tú kiến nghị.

“Văn hóa đại khái” làm hại người tiêu dùng

Mặc dù cho vay với lãi suất "cắt cổ" nhưng các công ty tài chính cho vay hiện nay vẫn sống được bằng nghiệp vụ cho vay cao hơn nhiều so với Ngân hàng, bởi theo luật sư Tú: “Rủi ro có thể xảy ra đối với cả hai là như nhau mà thôi. Nhiều người vẫn vay vì nhu cầu cuộc sống, một mặt nữa vì thiếu hiểu biết và văn hóa đại khái mỗi khi tham gia một giao dịch tín dụng của người Việt Nam ta”.

Theo luật sư Nguyễn Văn Tú, GĐ công ty Luật Fanci: Do người Việt khá đại khái khi tham gia các giao dịch với số lượng văn bản dài dòng nên thường ký vội, không hiểu rõ các điều khoản của hợp đồng.
Theo luật sư Nguyễn Văn Tú, GĐ công ty Luật Fanci: Do người Việt khá đại khái khi tham gia các giao dịch với số lượng văn bản dài dòng nên thường ký vội, không hiểu rõ các điều khoản của hợp đồng.

Giám đốc công ty Luật Fanci phân tích thêm: “Người dân chúng ta vốn có nền văn minh lúa nước và chủ nghĩa duy tình nên khá đại khái khi tham gia các giao dịch với số lượng văn bản dài dòng, ngôn từ khó hiểu. Chính vì thế, họ thường đại khái, qua loa khi ký các văn bản hay hợp đồng mà chỉ quan tâm đến việc ký để nhận được tiền phục vụ nhu cầu tiêu dùng trước mắt. Thậm chí, khi ký xong họ còn chẳng cần giữ một bản để về nhà đọc nữa. Quá nhiều bài học người dân phải trả giá đắt cho việc qua loa, đại khái của mình”.

Trên thực tế, không ít các tranh chấp xảy ra giữa các công ty tài chính và người tiêu dùng xuất phát từ những điều khoản ràng buộc trong hợp đồng mà người vay không đọc “nhắm mắt” ký đại. Chỉ sau khi bị "hút cạn máu' họ mới cay đắng nhận ra.

Như tâm sự rất thật của một “nạn nhân” của công ty PPF, anh Phạm N. như sau: “Trong lúc đang túng thiếu, có một người tự xưng là nhân viên của PPF gọi điện đến và nói công ty đang có chính sách ưu đãi cho vay với số tiền 5 triệu đồng, ban đầu mình cũng phân vân nhưng thấy điều kiện dễ dàng lại còn được trả góp, mình đã quyết định vay. Nhân viên hẹn mình đến một cửa hàng xe gắn máy trên đường Quang Trung, rồi sau đó đưa cho mình một đống đủ thứ giấy tờ bắt mình ký vào. Sai lầm là mình đã không đọc xem họ ghi gì trên đó. Họ hẹn sau 2 ngày ra Sacombank lĩnh tiền”.

Một tuần sau, sau khi nhận được 5 triệu đồng từ Sacombank, anh N. nhận được bản hợp đồng gửi bằng đường bưu điện, lúc này, anh mới “ngã ngửa” vì mỗi tháng phải đóng 561.000 đồng trong vòng 15 tháng, tổng cộng số tiền phải trả lên tới 8.415.000 đồng.

“Cắn răng” chấp nhận trả đủ 15 kỳ cả vốn cả lãi cao ngất, tưởng sẽ thở phào vì hoàn trả xong khoản nợ, gần đây, anh N. cho biết: Anh lại bị nhân viên PPF gọi điện thúc giục vì còn nợ số tiền lên đến gần 3,5 triệu đồng chi phí phát sinh do đóng trễ. Xin lưu ý là tôi chỉ đóng trễ 4 ngày của tháng 9/2013 thôi” – anh N. xót xa phân trần.

“Văn hóa đại khái” mỗi khi tham gia một giao dịch tín dụng đã khiến nhiều người dân Việt nhanh chóng rơi vào “bẫy” vay tiêu dùng với lãi suất “cắt cổ”.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại