Cắt cổ khách 74%/năm: Bẫy gian dối và lời cảnh báo "thượng đế"

Luật sư Trịnh Cẩm Bình - Giám đốc Công ty luật Biển Đông |

(Soha.vn) - Theo Luật sư Trịnh Cẩm Bình: NHNN cần xem xét việc cho vay của Công ty tài chính PPF để làm rõ có yếu tố gian dối trong quá trình ký kết hợp đồng hay không.

>>> Vay tiêu dùng gánh lãi suất...74%/năm
>>> Cho vay lãi "cắt cổ", công ty tài chính "hút máu" khách hàng?

>>> Chuyện thật như đùa: Các cty "cắt cổ" khách ở VN vẫn sống khỏe
>>> Người có thu nhập vừa và thấp VN bị "bẫy cắt cổ" như thế nào?

Luật có cho phép công ty tài chính cho vay tới 74%/năm?

Do nhu cầu mua sắm cá nhân hoặc cần vốn để kinh doanh nhưng không xoay sở đủ tiền, vay ngân hàng khó, nhiều người dân “bất đắc dĩ” phải “cầu cứu” các công ty tài chính. Tuy nhiên, gần đây, xảy ra không ít các tranh chấp giữa người vay và các công ty tài chính bởi thực trạng “vay dễ, trả khó”.

Mới đây, một số khách hàng đã “tố” Công ty tài chính PPF (có trụ sở tại Tp.HCM) khi họ cho vay với lãi suất lên đến 6,17%/tháng, tương đương 74,04%/năm. Người vay “tố” công ty mập mờ không nói rõ các điều khoản, lãi suất cao, phạt nặng, trong khi công ty tài chính cho rằng mình làm đúng quy định trong hợp đồng.

Để làm rõ về vấn đề này, chúng tôi đã có trao đổi với Luật sư Trịnh Cẩm Bình - Giám đốc Công ty luật Biển Đông:

Thưa bà, mới đây, một số khách hàng đã “tố” Công ty tài chính PPF (có trụ sở tại Tp.HCM) khi họ cho vay với lãi suất lên đến 6,17%/tháng, tương đương 74,04%/năm. Việc PPF cho vay với lãi suất “cắt cổ” như vậy có vi phạm quy định luật không?

Theo quy định tại Điều 2 - Nghị định số 81/2008/NĐ-CP ngày 29/7/2008 sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định số 79/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Công ty tài chính thì: Công ty Tài chính là loại hình tổ chức tín dụng phi ngân hàng, với chức năng là sử dụng vốn tự có, vốn huy động và các nguồn vốn khác để cho vay, đầu tư; cung ứng các dịch vụ tư vấn về tài chính, tiền tệ và thực hiện một số dịch vụ khác theo quy định của pháp luật, nhưng không được làm dịch vụ thanh toán, không được nhận tiền gửi dưới 01 năm.

Cũng theo quy định tại Điều 18 Nghị định số 79/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 thì Công ty tài chính được cho vay dưới hình thức cho vay ngắn hạn, trung hạn và dài hạn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Như vậy, Công ty tài chính PPF được cho vay theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Về lãi suất cho vay: Theo quy định tại Khoản 1 Điều 476 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định: "Lãi suất vay do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng”.

Lãi suất cơ bản bằng đồng Việt Nam theo Quyết định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là 9%/năm. Như vậy mức lãi suất cho vay cao nhất là 13,5%/năm. Nếu căn cứ theo quy định tại Điều 476 BLDS thì mức lãi suất cho vay 74%/năm là vi phạm quy định này.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện chính sách tiền tệ, NHNN đã ban hành Thông tư số 12/2010/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn tổ chức tín dụng cho vay bằng đồng Việt Nam đối với khách hàng theo lãi suất thoả thuận. Theo đó, tổ chức tín dụng thực hiện cho vay bằng đồng Việt Nam theo lãi suất thỏa thuận đối với khách hàng nhằm đáp ứng nhu cầu vốn của dự án, phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, đầu tư phát triển và đời sống có hiệu quả…

Tổ chức tín dụng báo cáo NHNN Việt Nam về lãi suất cho vay bằng đồng Việt Nam theo phụ lục kèm theo Thông tư này và các văn bản của tổ chức tín dụng quy định về lãi suất cho vay ngay sau khi ban hành.

Theo Luật sư Trịnh Cẩm Bình, Giám đốc Công ty luật Biển Đông: Ngân hàng Nhà nước cần xem xét việc cho vay của Công ty tài chính PPF để làm rõ có yếu tố gian dối trong quá trình ký kết HĐ hay không.
Theo Luật sư Trịnh Cẩm Bình, Giám đốc Công ty luật Biển Đông: Ngân hàng Nhà nước cần xem xét việc cho vay của Công ty tài chính PPF để làm rõ có yếu tố gian dối trong quá trình ký kết HĐ hay không.

Như vậy, trong trường hợp này PPF đã “lách luật”?

Nếu căn cứ theo quy định tại Thông tư số 12/2010/NHNN của NHNN thì công ty PPF đã căn cứ vào lãi suất thỏa thuận theo quy định tại Thông tư 12 để áp dụng đối với khách hàng.

Tuy nhiên, Thông tư số 12 thì việc cho vay cần đáp ứng yếu tố hiệu quả trong quá trình cho vay. Hơn nữa, lãi suất thỏa thuận nhưng vẫn nằm trong sự giám sát của NHNN, cụ thể là công ty tài chính phải báo cáo NHNN kèm theo văn bản quy định về lãi suất cho vay ngay sau khi ban hành.

Trong vụ việc này, NHNN cần xem xét và giám sát chặt chẽ việc cho vay của Công ty tài chính PPF để làm rõ có yếu tố gian dối trong quá trình ký kết Hợp đồng với khách hàng hay không và việc áp dụng mức lãi suất 74%/năm đã đáp ứng yếu tố hiệu quả của việc cho vay không để đưa ra hướng giải quyết phù hợp, đảm bảo tính ổn định xã hội.

Trên thực tế, hầu hết vụ việc tổ chức, cá nhân cho vay bên ngoài với mức lãi suất vượt quá 150% lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước. Khi xảy ra tranh chấp, Tòa án thường áp dụng quy định của Điều 476 Bộ luật dân sự để giải quyết và chỉ áp dụng mức lãi suất theo quy định này.

Như vậy, ở đây đã tồn tại thực trạng là văn bản dưới luật có quy định trái với luật gây ra nhiều sự phức tạp và khó khăn trong quá trình áp dụng pháp luật và giải quyết tranh chấp. Nhà nước cần sửa đổi, bổ sung văn bản luật và văn bản hướng dẫn sao cho thống nhất, tránh xảy ra mâu thuẫn trong việc áp dụng luật.

Người vay cần hết sức thận trọng khi vay tiêu dùng bởi vì khoản vay này có thể trở thành gánh nặng nợ nần trong thời gian dài và có thể dẫn đến mất cân đối tài chính trong chi tiêu gia đình.
Người vay cần hết sức thận trọng khi vay tiêu dùng bởi vì khoản vay này có thể trở thành gánh nặng nợ nần trong thời gian dài và có thể dẫn đến mất cân đối tài chính trong chi tiêu gia đình.

Theo bà, lý do tại sao mà người dân dù biết lãi suất tại các công ty tài chính quá cao nhưng vẫn chấp nhận vay “cắt cổ” trong khi ngân hàng mức lãi suất thấp hơn nhiều?

Thứ nhất, thủ tục cho vay của ngân hàng thường chặt chẽ hơn rất nhiều. Với hình thức cho vay tiêu dùng, nhiều ngân hàng đòi hỏi có tài sản thế chấp hoặc vay qua lương được chứng minh bằng việc tiền lương chuyển qua tài khoản ngân hàng…

Trong khi đó, với Công ty tài chính, thủ tục cho vay đơn giản hơn, không đòi hỏi tài sản thế chấp hoặc chỉ cần chứng minh bằng bảng lương…

Thứ hai, nhu cầu vay của người dân trong tiêu dùng là hoàn toàn phù hợp với xu thế của nền kinh tế ngày càng phát triển, nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao và cho vay tiêu dùng cũng mang lại nhiều tiện ích. Với nền kinh tế khó khăn thì người dân càng có nhu cầu vay vốn để đáp ứng nhu cầu đầu tư kinh doanh ngắn hạn, nhỏ lẻ hoặc nhu cầu thiết yếu của đời sống.

Mặc dù, mức lãi suất cho vay cao “cắt cổ” nhưng người dân vẫn vay xuất phát từ hai yếu tố: có thể vì thủ tục cho vay dễ dàng hơn trong khi với tâm lý cần tiền, chỉ cần vay được tiền nên đôi khi người dân không để ý nhiều đến các điều khoản về lãi suất trong Hợp đồng. Cũng có thể vì cần tiền và không thể vay được tiền từ ngân hàng cũng như những người xung quanh nên họ chấp nhận vay với lãi suất cao.

Bà có đánh giá gì về những rủi ro khi vay với lãi suất cao cắt cổ?

Người vay cần hết sức thận trọng khi vay tiêu dùng bởi vì khoản vay này có thể trở thành gánh nặng nợ nần trong thời gian dài và có thể dẫn đến mất cân đối tài chính trong chi tiêu gia đình.

Người vay cần tìm hiểu kỹ về biểu lãi suất. Thường khi nghe qua giới thiệu, người vay thấy khá hấp dẫn nhưng trên thực tế cần chú ý tính minh bạch về mức lãi suất của các khoản vay sau thời gian ưu đãi.

Ngoài ra, cần lưu ý các điều khoản phạt. Thường trong khoản vay tiêu dùng, người vay phải trả nợ đúng thời hạn. Người vay thanh lý sớm sẽ bị phạt, càng sớm thì mức phạt càng cao.

Ngoài việc tìm hiểu kỹ sản phẩm vay, về lãi suất vay, người vay cần tính toán khả năng trả nợ để không trở thành áp lực nợ nần.

Khi vay tiêu dùng, người vay cần tính toán kỹ lưỡng vì lãi suất cho khoản vay này không nhỏ. Không nên vay để mua sắm đồ dùng sinh hoạt tràn lan dễ rơi vào cảnh túng thiếu, lãi chồng lãi.

Cảm ơn Luật sư Trịnh Cẩm Bình!

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại