Nghỉ lễ 6 ngày: "Việt Nam còn nghèo nhưng ham chơi quá"

Kiều Linh |

Xung quanh nghỉ lễ 30/4 - 1/5 kéo dài 6 ngày, chuyên gia kinh tế Bùi Trinh chia sẻ: "Thời gian nghỉ lễ 6 ngày liên tục như thế là vô lý. Việt Nam còn nghèo nhưng ham chơi quá".

Làm khó doanh nghiệp

Theo thông báo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đợt nghỉ lễ 30/4 - 1/5 sắp tới, công chức, viên chức đi làm ngày thứ bảy (ngày 25/4) để nghỉ ngày thứ tư (ngày 29/4).

Kỳ nghỉ này trùng với dịp Giỗ Tổ Hùng Vương 10/3, nên công chức, viên chức sẽ được nghỉ liền 6 ngày, từ ngày 28/4 đến hết ngày 3/5.

Trong khi nhiều người dân đang rục rịch lên kế hoạch du lịch dài ngày thì không ít người lao động khác lại tỏ ra buồn rầu, chán nản vì nghỉ quá dài dẫn đến nguồn thu nhập giảm.

Trao đổi với chúng tôi, chuyên gia kinh tế Bùi Trinh cho rằng, việc nghỉ lễ kéo dài sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế Việt Nam.

Chuyên gia Bùi Trinh phân tích: “Hiện nay, nguồn cung của chúng ta đang yếu, thì nghỉ kéo dài rõ ràng tác động trực tiếp đến nền kinh tế Việt Nam.

Tết Nguyên đán đã nghỉ 9 ngày liền, sau Tết lại hội hè, đình đám, giờ nghỉ lễ 6 ngày nữa thì sẽ làm nguồn cung ngày càng yếu, kích thích cầu tăng dẫn đến rủi ro và lạm phát.

Kể cả khi  doanh nghiệp họ vẫn làm, nhưng cơ quan hành chính ăn lương ngân sách nghỉ, dẫn đến tất cả công việc đình trệ”.

Theo ông Trinh, việc đình trệ này sẽ không tạo được giá trị gia tăng, ảnh hưởng đến năng suất lao động cũng như sức cạnh tranh của nền kinh tế đối với các nước xung quanh.

“Trong khi nền kinh tế chưa kịp hồi phục, các doanh nghiệp mới lóp ngóp bò dậy, thì giá điện tăng, giá xăng tăng, giá chi phí sản xuất lại rục rịch tăng.

Như thế chẳng khác nào doanh nghiệp đang ngóc cổ lên thì bị đập cho một phát nữa.

Tôi thấy, thời gian nghỉ lễ 6 ngày liên tục như thế này là quá vô lý. Việt Nam còn nghèo, nhưng ham chơi quá”- chuyên gia kinh tế Bùi Trinh nhấn mạnh.

Cơ hội cho ngành du lịch "vớ bẫm"

Ngược với quan điểm trên, GS Đặng Đình Đào (Viện Kinh tế, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân) cho rằng, quyết định này không hẳn làm giảm sút tăng trưởng kinh tế, mà ngược lại đây là cơ hội cho ngành phi sản xuất phát triển mạnh.

Đặc biệt là đối với ngành công nghiệp không khói: Du lịch.

Theo GS Đặng Đình Đào, Việt Nam có quá nhiều lễ hội

Hình minh họa

“Tôi chắc chắn, nghỉ nhiều như vậy các dịch vụ phi sản xuất như du lịch, ẩm thực, cơ sở hạ tầng có điều kiện phát triển.

Nhiều người cho rằng, chuyến du lịch nội địa dài 5-6 ngày đắt gần bằng nước ngoài như Singapore, Thái Lan, Thượng Hải…

Nếu giá các dịch vụ trong nước cạnh tranh hơn, đây sẽ là cơ hội hiếm có để thu hút khách trong dịp nghỉ này. Điều này cũng chứng tỏ khả năng cạnh tranh của du lịch nội địa yếu”- GS Đào khẳng định.

Theo GS Đặng Đình Đào, ngành du lịch trong nước yếu nhất là khâu tổ chức một chuỗi dịch vụ du lịch. Chưa kể đến sản phẩm du lịch đơn điệu, chưa có sản phẩm vui chơi giải trí thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.

GS Đào cũng cho rằng, dịp nghỉ lễ này, những ngành buộc có mặt trên công trường, ngành sản xuất cốt lõi, có thể vẫn làm việc nên không ảnh hưởng nhiều đến tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Song, ông cũng nhấn mạnh: “Vấn đề là nghỉ ngơi để làm việc tốt hơn, còn nghỉ ngơi xả hơi, ăn chơi như Việt Nam là không nên. Vì Việt Nam đã có quá nhiều lễ hội, lãng phí dành cho lễ hội là quá lớn rồi.

Chúng ta phải xác định thời gian làm việc thế nào để đảm bảo năng suất, chất lượng công việc.

Nghỉ 6 ngày là điều kiện để tăng kích cầu thu nhập ở một số địa phương có thuận lợi phát triển du lịch, có các di tích lịch sử, điểm du lịch hấp dẫn".

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, bà Nguyễn Ngọc Thư, Giám đốc Công ty Du lịch Bitour (Q.Phú Nhuận, T.p  HCM) cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, lượng khách đăng ký tham gia các chuyến du lịch nội địa và quốc tế tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2014.

"Nghỉ 6 ngày nhưng khách đăng ký đi du lịch chỉ trong vòng 4 ngày, vì tâm lý mọi người chơi 4 ngày là đủ, còn hai ngày để ở nhà thư giãn với gia đình và chuẩn bị cho một thời gian lao động vất vả sau đó.

Về quan điểm, chúng tôi ủng hộ nghỉ 6 ngày, vì như vậy sẽ là điều kiện tốt để thúc đẩy ngành du lịch phát triển"- bà Thư nói.

Chuyên gia kinh tế
Nguyễn Trí Hiếu
"Nghỉ lễ kéo dài không những ảnh hưởng đến doanh nghiệp trong nước mà còn ảnh hưởng trực tiếp đối với doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam. Việc nghỉ lễ dài ngày sẽ kéo theo nhiều tác động tiêu cực như làm giảm năng lực làm việc vốn đã thấp, tác động đến các hoạt động sản xuất kinh doanh kéo theo thiệt hại về GDP".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại