Nghề mưu sinh dưới... “âm phủ”

Duy Hậu |

Năm nào cũng thế cứ sau Tết Nguyên đán, những người thợ đào giếng ở Tây Nguyên lại được dịp tất bật với nghề. Bởi ở đấy, hàng ngàn ha cây trồng cần nước mà cái hạn cứ thế bắt đầu gay gắt dần lên. Làm thợ đào giếng tuy đồng tiền công có khá nhưng nguy hiểm thì lúc nào cũng chực ập xuống đầu họ.

Vào lòng đất để tìm nước

Ăn Tết xong anh Trương Thảo ở thị trấn Krông Năng, huyện Krông Năng (Đăk Lăk) đã nhận được hàng chục “đơn đặt hàng”.

Năm nay, nắng hạn gay gắt nên chỉ mới hơn 1 tháng nhóm của anh Thảo đã thu về hơn trăm triệu đồng tiền công đào giếng.

Suốt hơn tháng qua, chẳng ngày nào nhóm thợ của anh Thảo được nghỉ nhưng người gọi đào giếng vẫn chưa hết. Krông Năng năm nay hạn đến sớm.

Nghe muu sinh duoi...  “am phu”
Cứ mỗi mùa khô đến, những người thợ đào giếng lại tất bật tìm nước cho dân.

Mới đến giữa mùa khô mà nhiều sông suối ở huyện này đã trơ đáy, khiến nguồn nước tưới vô cùng khan hiếm.

Thế nên người dân, phần thì đào giếng xuống sâu thêm, phần thì phải đào thêm giếng mới để lấy nước tưới.

Không chỉ đào thẳng đứng, mà khi giếng đã quá sâu nhưng vẫn tìm thấy nước, các thợ đào giếng phải khoan ngang ra tứ phía để tìm mạch nước ngầm.

“So với mọi năm, năm nay hầu hết các giếng đều phải đào sâu hơn mới có nước. Ở nhiều giếng để tìm được mạch nước, chúng tôi còn phải khoan ra tứ phía hàng chục mét mới có.

Và cũng không ít chỗ dù đã tìm mọi cách nhưng vẫn không tìm thấy nước”- anh Thảo cho biết.

Giữa cái nắng trưa chang chang, ghé lại một vườn cà phê ở Buôn buôn Tul, xã Ea Tul, huyện Cư M’ga (Đăk Lăk) chúng tôi gặp ông Ma Zet vẫn đang hì hục kéo đất dưới giếng lên.

Dưới đáy giếng, Ma Vin, con trai ông cũng đang tất bật đào bới. Cái giếng mà cha con ông Ma Zet đang đào đã sâu đến hơn 20m nhưng vẫn chưa thấy nước rỉ ra.

“Cũng phải thôi! Người ta đào giếng ngay giữa hồ nước mà còn khó có nước thì nói gì ở đây”- ông Ma Zét trần tình.

“Dưới đó nóng bức quá, không có quạt gió ngột ngạt không chịu nổi. Chắc phải đào thêm vài mét nữa mới có nước, nếu không được thì khoan ngang để tìm nước”- Ma Vin nói với cha khi vừa lên khỏi giếng.

Nghe muu sinh duoi...  “am phu”
Mỗi lần xuống đáy giếng, những người thợ này phải đối mặt với không ít nguy hiểm.

Cùng giống như nhóm của anh Thảo, năm nay cha con ông Ma Zet đã “ra quân” từ rất sớm.

Nhưng so với trước đây, năm nay để tìm được nước, nhóm thợ của ông Ma Zet phải đào giếng xuống sâu hơn thông thường 5-7m mới tìm thấy nước.

Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, chính tình trạng suy giảm nguồn nước ngầm nghiêm trọng đã khiến các thợ đào giếng phải “lặn” sâu hơn để kiếm nước.

Năm nay ở Cư M’Gar hạn cũng đến rất sớm. Mới ra giêng mà suối Ea M’roh, nơi cung cấp nước tưới cho 4 ngàn ha cà phê tại 5 xã của huyện đã trơ đáy, hàng chục hồ, đập lớn nhỏ cũng bốc hơi nhanh chóng.

Theo thống kê, hiện nay các hồ đập chỉ đáp ứng chưa đến 50% diện tích thực tế.

Có lẽ vì thế mà nhiều năm nay dù đã đào hàng ngàn chiếc giếng nhưng cha con ông Ma Zet cũng như các nhóm thợ đào giếng khác vẫn chưa bao giờ hết việc.

Mỗi mùa khô về, người đào giếng cứ thế khoét xuống “âm phủ” tìm nước cho dân.

Suýt bỏ mạng nơi đáy giếng

Cha con ông Ma Zet lập nhóm thợ thợ đào giếng nhiều năm nay. Ban đầu họ tự làm cho mình rồi dần dần thành nghề.

Nhưng so với nhóm thợ của anh Thảo, nhóm thợ của ông Ma Zet đối diện với rất nhiều nguy hiểm.

Bởi giếng họ đào thường ở những vùng sâu vùng xa chưa có điện nên thường phải “đào chay”- tức là không có quạt để đưa không khí xuống giếng.

Vậy nên, những người đào bên dưới phải rất khỏe mạnh mới có thể đảm đương được. Họ bảo, cái nghề “ăn cơm trần gian, làm việc âm phủ” tuy đồng tiền công có cao nhưng chưa biết điều gì xảy đến.

“Lần đầu xuống giếng tôi thấy mình như đối mặt với âm phủ thực sự, nhưng làm riết rồi cũng quen”- Ma Vin tâm sự.

Ông Ma Zet bảo, nhà khó quá chẳng có việc gì nên mới làm cái nghề này để kiếm chén cơm, chứ ngày công từ 3-5 trăm ngàn có đáng gì đâu.

Thấy thì nhiều vậy nhưng rồi thuốc thang đau ốm cũng hết. Biết thế những những người đào giếng như ông Ma Zet dường như đã bị cái “nghiệp” ấy vướng vào thân, khó mà dứt được.

Hơn nữa, làm cái nghề ấy đôi khi chẳng phải đầu tư gì nhiều, chỉ cần một đoạn dây dài làm ròng rọc, một chiếc sọt bằng sắt, một chiếc xà beng và cái xẻng là đủ.

Những người khó khăn như ông Ma Zet dễ dàng kiếm được và hành nghề lấy tiền mưu sinh.

Nghe muu sinh duoi...  “am phu”
Nếu không may mắn, những người thợ đào giếng như anh Toàn sẽ phải trả giá đắt cho "nghiệp" của mình.

Anh Bùi Trọng Thuỷ (thôn 1, xã Ea Ngai, huyện Krông Buk) người đã từng  thắp  điện đào giếng sâu đến 40m kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về cái nghề “làm việc dưới âm phủ” rằng đã có lúc anh phải nôn ra cả máu khi làm nghề.

Những người thợ như anh ban đầu chẳng ai muốn làm, nhưng vì hoàn cảnh mà họ phải nương theo, riết rồi cũng quen.

Anh Thủy cho biết, sợ nhất là phải đào lại giếng cũ.

Loại giếng này muốn đào phải vừa bơm nước vừa đào. Hơn nữa, thường chủ nhà yêu cầu phải mở rộng thêm giếng để chứa thêm nhiều nước khiến chiếc giếng trở nên trên túm dưới bè, rất dễ bị sập xuống.

“Mỗi lần xuống đáy những chiếc giếng cũ, chạm lớp đất ướt mềm nhũn là lạnh sống lưng, cứ ngỡ nó có thể chôn vùi mình bất cứ lúc nào.

Còn nhớ một lần khi tôi vừa xuống đào được mấy nhát thì bên trên đất hai bên giếng đổ sập xuống lưng.

May hôm đó chỉ sập một mảng nhỏ chứ nếu nó sập mạnh thì chẳng có ai có thể cứu được tôi ở dưới cái giếng sâu hơn 30m.

Cứ mỗi lần bước xuống giếng là mỗi lần như bước xuống địa ngục, tối tăm nguy hiểm. Ở độ sâu khoảng 30m chỉ cần một hòn đất bằng đầu ngón tay cái rơi xuống đã đau điếng người.

Vậy nên nếu người quay đất lên không cẩn thận, chỉ cần một hòn đá to bằng cổ tay rơi trúng đầu có khi phải bỏ mạng”- anh Thủy kể.

Không may như anh Thủy, anh Nguyễn Văn Toàn (ở buôn Cư Juốt, xã Cư Pơng, huyện Krông Buk) giờ đây phải gắn chặt cuộc đời mình trên chiếc xe lăn.

Bảy năm trước, anh Toàn nhận đào lại một chiếc giếng cũ. Chiếc giếng này bên trên được xây bằng gạch.

Chiều hôm đó, sau khi đào được xô đất đầu tiên thì tai nạn xảy ra. Chỉ sơ sẩy một chút, những người thợ quay đất bên trên mạnh tay khiến xô đất va vào thành giếng là rơi một viên gạch trúng đầu anh Toàn.

Từ độ cao hơn 20m, viên gạch như một quả tạ giáng xuống, chiếc mũ bảo hộ đã không đỡ nổi viên gạch cho cái đầu của anh Toàn.

Sau hôm đó, anh Toàn phải sống đời thực vật hơn 1 năm và giờ thì chân tay còn bị liệt, mắt nhòa đi…

Giữa tháng Tư nhưng Tây Nguyên vẫn chỉ mới xuất hiện vài trận mưa dông, chẳng thể đủ để làm dịu cơn khát gần nửa năm qua.

Trên những con đường chúng tôi qua, cái nắng vẫn chan xuống như đổ lửa. Vậy cũng có nghĩa là ở đâu đấy những người thợ đào giếng vẫn phải chấp nhận gian nan tìm mạch nước.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại