Ngân sách chưa có, đành “nhịn” tăng lương?

Hoài Vũ |

Theo ông Bùi Sỹ Lợi, lương cơ sở hiện nay không phản ánh đúng mức sống thực của công nhân viên chức, đáng ra cần phải tăng lương rồi nhưng vì ngân sách chưa có nên vẫn đành… “nhịn”.

Tiếp tục kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII, tuần qua các ĐBQH có phiên thảo luận tại tổ về Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2015 và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016; Kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2015; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2016; Đánh giá kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015, xây dựng và đề xuất chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020; Phương án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ còn dư của các dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên.

Vấn đề nóng nhất được bàn đến là lộ trình tăng lương cơ cở ở nước ta.

ĐB Nguyễn Văn Minh (TPHCM) than thở sau kỳ họp này không biết trả lời cử tri thế nào, vì năm trước đã không tăng, khi cử tri chất vấn thì nói năm 2016 sẽ tăng nhưng giờ lại nói ngân sách chưa cân đối nên chưa tăng được.

“Tôi chưa đồng tình là do khó khăn mà chưa tăng lương, cần thiết giảm chi khác để đảm bảo chi lương theo lộ trình” - ông Minh nêu quan điểm.

Sau đó, Phó trưởng đoàn ĐBQH TPHCM Trần Du Lịch đề nghị đại biểu Minh đề xuất cụ thể cắt chi chỗ nào để dành nguồn tăng lương chứ không thể đi vay làm việc này được.

Ông Lịch cho rằng nên cắt tiền tiếp khách, giao lưu, kỷ niệm, đi nước ngoài để lấy nguồn đó cho việc tăng lương.

Ông Lịch cũng bày tỏ lo ngại trong vài năm tới bộ máy của chúng ta còn phình to hơn nữa, việc tinh giản biên chế “vô cùng khó” nên bài toán cho việc cải cách tiền lương, theo đó, sẽ ngày càng khó hơn.

Theo ông Lịch, không thể đi vay để tăng lương được. Thực tế hàng chục năm, chúng ta đi vay nhưng cuối cùng thu chỉ đủ chi thường xuyên, còn chi đầu tư phát triển phải đi vay.

Chính vì vậy, Chính phủ phải mạnh tay cắt giảm các khoảng chi không cần thiết.

Phó chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi (ĐB tỉnh Thanh Hoá) bình luận, chi phí tiền lương ở Việt Nam trong giá thành sản phẩm vẫn cao nhất khu vực (18,7% so với mức 16% của Thái Lan) trong khi tiền lương rõ ràng là thấp.

Điều đó chứng tỏ năng suất lao động của chúng ta rất thấp.

Theo ông Lợi, lương cơ sở hiện nay không phản ánh đúng mức sống thực của công nhân viên chức, đáng ra cần phải tăng lương rồi nhưng vì ngân sách chưa có nên vẫn… “nhịn”.

Ông Lợi cho rằng tăng lương cơ sở lúc này kéo theo nhiều hệ luỵ lớn, khi đó lợi cho người lao động nhưng tất cả các doanh nghiệp sẽ chết, không tồn tại được.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại