Ngân hàng 'tranh' khách với tín dụng đen

Ngân hàng đang tích cực xâm lấn “lãnh địa” của tín dụng đen khi cùng rộng cửa cho vay tiêu dùng cá nhân.

Xuống chợ cho tiểu thương vay

Tiến sĩ Đinh Thế Hiển, Giám đốc viện Nghiên cứu tin học và Kinh tế ứng dụng TP.HCM, nhận định tăng trưởng tín dụng đầu năm chỉ ở mức thấp 4,5% nhưng phản ánh đúng tình hình kinh tế. Bởi vì bất động sản co lại, thị trường sản xuất tiêu dùng nội địa không khởi sắc làm sao đưa tiền ra được. 

Song theo ông Hiển, thực tế là ngân hàng không hề thụ động, hay không muốn cho vay, mà đang rất tích cực tìm khách hàng vay. Bằng chứng là gần đây, lĩnh vực thương mại bắt đầu khởi sắc nhờ ngân hàng tích cực đưa tiền ra cho khách hàng cá nhân.

Ngân hàng 'tranh' khách với tín dụng đen
Tiểu thương chợ lẻ có thể vay tiền từ ngân hàng để kinh doanh.

Theo nhận định của các chuyên gia tài chính, ở mảng cho vay tiêu dùng, ngân hàng nên mạnh dạn hơn, bởi xác suất mất vốn thấp, lãi suất cho vay cao (từ 14- 20%/năm). Cũng có ý kiến cảnh báo ngân hàng có thể mất vốn khi khách hàng chuyển từ vay ngoài luồng (tín dụng đen) sang vay ngân hàng, nhưng ông Hiển nhìn nhận đây là một dấu hiệu tích cực. Vì thực tế lãi suất vay ngân hàng, dù có cao vẫn rất thấp so với bên ngoài.

Trước đây, lĩnh vực cho vay tín dụng đen chiếm tới 70%. Một con số khác từ đại diện công ty tài chính nước ngoài có thị phần lớn hiện nay tại Việt Nam, thì chỉ có 4% khách hàng vay tiêu dùng cá nhân tiếp cận được với ngân hàng. 

Ông Hiển nhấn mạnh, nhiều ngân hàng đã xuống chợ để cho tiểu thương vay với lãi suất thỏa thuận, thậm chí vay 1 triệu cũng được. Vì thế, bây giờ, nếu khách hàng không vay được là do bản thân người vay (không đạt chuẩn) chứ không thể đổ lỗi cho ngân hàng không muốn cho vay.

Ông Doãn Anh Tuấn, giám đốc phụ trách kinh doanh khối doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VBBank), thừa nhận lãi suất cho vay tiêu dùng của ngân hàng tuy thấp hơn từ các công ty tài chính nhưng vẫn tương đối cao so với cho vay khối doanh nghiệp.

Ngân hàng 'tranh' khách với tín dụng đen
Nguồn vốn đang dư thừa trong khi doanh nghiệp vẫn chưa mạnh dạn vay vốn để sản xuất kinh doanh, các ngân hàng rộng cửa với khách hàng vay tiêu dùng cá nhân.

Dè dặt với doanh nghiệp

Tiến sĩ Trần Du Lịch (Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội) chia sẻ câu chuyện nghịch lý, là hiện nay có nhiều doanh nghiệp được ngân hàng tới năn nỉ cho vay lãi suất 8 – 9% /năm nhưng họ không thèm vay, trong khi nhiều doanh nghiệp khác tìm đủ mọi can thiệp để được vay với lãi suất 14%/năm nhưng ngân hàng không dám cho vay. Nguyên nhân là do ngân hàng thiếu sự tin tưởng, sợ gia tăng nợ xấu, mất vốn.

Ông Lịch nhận định, tình trạng thừa tiền, thiếu vốn còn kéo dài. Sắp tới, khả năng kéo giảm lãi suất cho vay không nhiều, khó đáp ứng sự mong đợi của doanh nghiệp. Nếu lạm phát kỳ vọng của năm là 7% thì việc kéo giảm lãi suất tiết kiệm tiền gửi có kỳ hạn không còn nhiều dư địa và lãi suất cho vay còn khá cao. Vì thế, khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp vẫn còn khó khăn, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Tuy nhiên, cũng theo ông Lịch, kinh nghiệm cho thấy sau mỗi cuộc khủng hoảng kinh tế, sau cái họa đều có cái phúc cho những người biết nắm được thời cơ. Với lạm phát kỳ vọng 6-7% và tỷ giá VND/USD ổn định ở biên độ 2-3% trong năm 2013, sẽ tạo điều kiện quan trọng cho doanh nghiệp xây dựng kế hoạch kinh doanh, phát triển thị trường và tính toán lại các mục tiêu trung hạn. Thị trường sắp tới sẽ diễn ra quá trình tự điều chỉnh, thị phần sẽ được phân chia lại. Đây là cơ hội cho những doanh nghiệp có điều kiện mở rộng thị phần, tăng đầu tư với chi phí rẻ.

Ngân hàng 'tranh' khách với tín dụng đen
Ngân hàng bắt đầu tham gia cho vay mua hàng trả góp cùng với công ty tài chính.

Ông Phạm Ngọc Hưng - Phó chủ tịch hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM, cho rằng lãi suất giảm có lợi cho doanh nghiệp, nhưng bối cảnh hiện nay lãi vay không phải là yếu tố quan trọng nhất. Vấn đề là cầu thị trường thấp, hàng tồn kho và sự thiếu bình đẳng trong cạnh tranh.

Đầu tư vào đâu sinh lời?

Lãi suất ngân hàng thấp chỉ mới bù đắp lạm phát, chứng khoán bấp bênh, vàng không ổn định. Bây giờ dân có tiền nhàn rỗi nên đầu tư vào đâu? Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển chia sẻ: Tăng trưởng nóng những năm qua làm “hư” người Việt mình. Từ xe ôm đến dân văn phòng, ai cũng nghĩ có tiền sẽ đẻ ra tiền, có tiền là thắng. Khi bỏ đồng tiền ra là phải nhìn đồng tiền tăng lên thấy rõ.

Ông Hiển cho rằng, nếu người dân có tiền nhàn rỗi, muốn gia tăng lợi nhuận, ít rủi ro, thì đầu tư vào chứng khoán. Nhưng chỉ mua 1 mã của một công ty đang làm ăn có hiệu quả, có sản phẩm bán ra thị trường được người tiêu dùng chấp nhận. Khoảng 2 năm nữa có thể lời ít nhất 30% (lời hơn so với 7%/năm gửi ngân hàng) chứ không phải nay mua mai thấy lỗ là bán.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại