Đủ kiểu chào mời
Chọn ngày cuối tuần, nhân viên Ngân hàng MHB đã cho nhân viên đến từng nhà dân trong khu tập thể Thanh Xuân - Hà Nội để tiếp thị. Hàng loạt phòng giao dịch của các ngân hàng khác như VP Bank, Việt Á Bank, Đông Á Bank ... cũng liên tục có các cuộc tiếp thị tới khách hàng, đến tận nhà hoặc gọi điện thoại chào mời.
Sau khi giới thiệu về ngân hàng là các chương trình cho vay, đặc biệt nhất là cho vay gói 30.000 tỷ đồng để mua nhà với lãi suất 5%/năm, nếu ai có nhu cầu hoặc biết ai cần thì giới thiệu giúp, thủ tục nhanh gọn. Ngoài ra là các gói cho vay tiêu dùng khác như mua xe, mua nhà đất, sửa chữa nhà cửa với lãi suất năm đầu 11%, các năm sau tính theo lãi suất trên thị trường.
Tiếp thị cho vay đến tận nhà hoặc công sở đã được một số ngân hàng thực hiện trong thời gian qua, nhưng hiện nay càng rầm rộ hơn khi nhiều ngân hàng ế vốn. Nhiều gia đình cho biết, 1 tuần họ phải tiếp 2-3 nhân viên ngân hàng cùng các cuộc điện thoại giới thiệu những chương trình cho vay tại nhà.
Giám đốc phòng giao dịch của một ngân hàng tại đường Trần Hưng Đạo (Hà Nội) cho biết, chỉ tiêu trên giao xuống cho phòng này mỗi tháng mỗi nhân viên tín dụng phải cho vay tiêu dùng 500 triệu đồng, ngoài ra ít nhất phải tìm được 1 khách hàng vay mua ô tô hoặc vay mua nhà. Nếu liên tiếp 6 tháng không đạt thì nhân viên đó sẽ bị hủy hợp đồng, thử việc lại từ đầu và bị cắt hết các khoản thưởng. Trước sức ép chỉ tiêu, các nhân viên phải bỏ công sở xuống tận nhà dân để chào mời cho vay.
Tuy nhiên cũng theo vị giám đốc này, đó là cách làm khá tốt bởi sẽ giúp ngân hàng gần gũi với khách hàng hơn. Không những thế, xuống tận nhà cũng sẽ biết rõ về hoàn cảnh, vị trí xã hội, mức sống... của khách hàng, qua đó có thể quyết định cho vay hay không.
Dụ khách vay tiêu dùng
Hàng loạt các ngân hàng cho biết 4 tháng qua tăng trưởng tín dụng rất thấp, thậm chí là âm. Theo NHNN, tính đến hết tháng 4/2014, tín dụng tăng trưởng 0,93%, thấp hơn nhiều con số 2,11% của cùng kỳ năm 2013.
Trong khi tiền chảy vào ngân hàng vẫn nhiều, ngân hàng đang huy động với lãi suất từ 5-6%/năm, không cho DN vay được, phải đổ vào trái phiếu Chính phủ với lãi suất thấp (kỳ hạn 1-2 năm khoảng 4,7-5,6%/năm). Chưa kể hàng tháng vẫn phải trả lãi huy động cho "cục" nợ xấu hơn 300.000 tỉ đồng (9,71%). Như vậy tiền càng để chết trong ngân hàng thì càng thua lỗ.
Chính vì áp lực này, cho vay tiêu dùng đang được coi là hướng để các ngân hàng đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, tăng lợi nhuận. Nhiều ngân hàng cho biết đến nay tăng trưởng tín dụng chủ yếu vẫn dựa vào cho vay tiêu dùng.
Giá nhà đất giảm mạnh, nên các ngân hàng đang "đánh" vào nhu cầu mua nhà ở của người dân, cho vay đối với khách hàng mua nhà dự án, ngay cả khi dự án đó không liên kết gì với các ngân hàng, thậm chí kể cả mua nhà cũ cũng sẵn sàng.
Tính toán của các ngân hàng cho thấy, nhu cầu sử dụng tiền vào các việc nhỏ lẻ như mua sắm, sửa chữa nhà cửa và đặc biệt là mua xe, mua nhà trả góp là rất lớn. Nếu chỉ một phần mười dân số, tức là 9 triệu người vay và mỗi người vay bình quân 30 triệu đồng/năm, thì tổng số tiền cho vay ra đã đạt mức 270.000 tỷ đồng. Hơn nữa, nếu vay mua nhà với 1 khoản 600 triệu đồng, trả trong 15 năm, lãi suất bình quân 12%/năm, mỗi tháng khách hàng chỉ phải trả cả gốc và lãi 6 triệu đồng. Đây là mức vừa phải đối với các gia đình 2 vợ chồng đều là công chức, nên có nhiều người có thể vay.
Tuy nhiên nhiều người dân vẫn e ngại. Ngân hàng cũng là DN, họ vay tiền và cho vay lại thì phải hưởng lãi, vì vậy nhìn lãi suất ưu đãi thời gian đầu thấy thấp hơn lãi suất huy động, tôi e ngại sau đó sẽ tăng cao để bù vào. Các ngân hàng thì luôn trấn an, lãi suất theo thị trường như hiện nay chỉ 12%-13% và sắp tới còn hạ tiếp.
Cái nhiều người e ngại nhất là lãi suất tính theo thị trường. Người ta sợ rủi ro thuộc về mình, bởi tính với ngân hàng làm sao mình lại được. Bên cạnh đó, nếu vay kéo dài mà công việc, cuộc sống đột ngột thay đổi, không có khả năng thanh toán cho ngân hàng, tài sản (nhà, xe) bị thu hồi bán trả nợ, cũng rất bấp bênh.
Bên cạnh đó, do kinh tế khó khăn phải thắt chặt chi tiêu, nhiều người không muốn vay để thêm nợ hay mua sắm mà chỉ muốn giữ tiền mặt. Số tiền mặt này nên bỏ vào ngân hàng mặc dù lãi suất thấp. Tình hình này có lẽ lại càng làm cho các ngân hàng căng thẳng hơn, vì quá thừa tiền.