"Ngân hàng đạo"

Khá buồn cười là trong lúc các ca sĩ, nhạc sĩ Việt Nam đã chuyển sang vai nạn nhân bị đạo nhạc, thì đến lượt các ngân hàng bị tố là sử dụng logo giống hệt của nước ngoài.

Vài tuần trước, ngay khi Vietcombank công bố logo “chiến thắng” mới, cư dân mạng đã lập tức phát hiện sự tương đồng với logo của Voscast, một hãng cung cấp dịch vụ cho các đài phát thanh online. Cả 2 cùng sử dụng chữ V tạo hình 3D, một đằng xoay dọc, một đằng xoay ngang như nút play trên các thiết bị chơi nhạc điện tử.

"Ngân hàng đạo"
Logo của Vietcombank và Voscast.

Từ vụ việc này, logo ra mắt năm 2009 của Maritime bank cũng bị soi khi còn giống hơn nữa với biểu tượng của UniCredit - một tập đoàn tài chính lớn nhất khu vực Trung và Đông Âu. 2 logo này cùng có số 1 trắng nằm trên nền đỏ, chỉ khác là một đằng xiên nhiều, một đằng xiên ít. Maritime bank từng được trao giải logo ấn tượng nhất năm 2012.

"Ngân hàng đạo"
Logo của Maritime bank và UniCredit.

Theo một số chuyên gia về thương hiệu, việc trùng lắp ý tưởng thiết kế trên thế giới khá phổ biến. Thậm chí có người còn quả quyết nếu Vietcombank “đạo” ý tưởng của Vostcast thật, ngân hàng này cũng không phạm luật vì khác biệt về lĩnh vực kinh doanh.

Logo là thứ mà bất cứ doanh nghiệp trong lĩnh vực nào cũng rất coi trọng, bởi  đây là phương tiện thiết lập sự hiện diện và thương hiệu trên thị trường. Có những hãng thành lập đã hàng trăm năm, như các công ty bảo hiểm, mà đến nay logo vẫn được giữ  nguyên, chỉ thay đổi cách biểu đạt cho phù hợp.

 Trong khi đó, ngân hàng Việt Nam, kinh doanh vốn ít tuân thủ các tiêu chí của một thị trường cạnh tranh nên ngay cả Vietcombank đến giờ mới quan tâm tới việc tạo ra một logo đúng nghĩa thay cho các chữ cái lồng vào nhau một cách ấu trĩ như trước đây.

Đáng nhẽ không phải là logo. Có những thứ mà ngân hàng cần “đạo”, sao chép nhiệt tình mà không ai tranh giành, lại rất được hoan nghênh. Đó là đạo kinh doanh có đức, rõ ràng minh bạch, xử sự cẩn trọng với tiền của khách hàng, phục vụ chu đáo, không ngừng nâng cao nghiệp vụ. Nếu ngân hàng nào cũng thế, thì chẳng xảy ra cảnh bấp bênh vì nợ xấu như hiện nay.

Trong cuốn sách mới ra mắt mang tên “Những con chữ biết hát”, tác giả, cậu bé 11 tuổi Đỗ Nhật Nam, có đặt câu hỏi về chuyện tại sao một người lại có ý thức giữ gìn vệ sinh ở nơi sạch sẽ, và ngược lại, sẵn sàng cẩu thả mà không phải áy náy tại những nơi không được sạch sẽ lắm?

“Có thể vì ở nơi đã rất sạch sẽ, bạn thấy mình được tôn trọng, được chăm sóc và bạn phải đáp lại điều đó”, Nam viết. “... Họ sẽ làm mọi thứ tốt nhất cho mình trong khả năng có thể và đổi lại, mình sẽ phải cố gắng để trở thành một người lịch sự, biết giữ gìn cho bản thân mình và cho mọi người xung quanh”.

Bài học mà cậu bé 11 tuổi học được cũng xứng đáng là bài học không chỉ cho các ngân hàng!

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại