Maritimebank bị nghi "đạo" logo doanh nghiệp ngoại: Giống nhau đến 99%

Cả MaritimeBank và Unicredit đều hoạt động trong lĩnh vực tài chính, giao dịch quốc tế giữa các nhà băng diễn ra thường ngày nên không khó để chứng minh hai logo này có sự "trùng hợp tới 99%".

Bất cẩn?

Chưa nguôi về sự "tình cờ giống nhau" giữa logo của Vietcombank và hãng Voscast, thì một ngân hàng nội khác là NHTMCP Hàng Hải Việt Nam (MaritimeBank) cũng "dính" nghi án "đạo" ý tưởng thiết kế logo của tập đoàn tài chính toàn cầu UniCredit (Italia).

So sánh giữa hai nhãn hiệu này, một họa sĩ thiết kế nhãn hiệu phân tích: "Chỉ cần nhìn qua là có thể nhận thấy "dù không phải là anh em sinh đôi thì cũng là anh em cùng cha khác mẹ".

Maritimebank bị "đạo" logo doanh nghiệp ngoại: Giống nhau đến 99%
Logo của MaritimeBank và UniCredit là "anh em song sinh"?

Trước câu hỏi có hay không việc "đạo" ý tưởng thiết kế giữa Vietcombank, MaritimeBank với các nhãn hiệu nước ngoài, luật sư Trần Đức Sơn – Công ty Luật TNHH Bizlink cho rằng, không tránh khỏi trường hợp trong quá trình thiết kế, các đơn vị tư vấn thiết kế thương hiệu cho các ngân hàng đã đưa ra ý tưởng trùng lặp hoặc sao chép ý tưởng của các thương hiệu nước ngoài.

Nguy cơ đối diện với án kiện

Thực tế, những trường hợp "trùng hợp về ý tưởng" thiết kế nhãn hiệu không hiếm ở Việt Nam và trên thế giới.

Với trường hợp của Vietcombank, do Vocast là hãng cung cấp dịch vụ âm thanh, hai doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khác nhau nên dù có "đạo" ý tưởng, rủi ro đối với Vietcombank sẽ nhỏ hơn. Tuy nhiên, nếu xét về bản quyền tác giả hãng Vocast hoàn toàn có thể "kiện" Vietcombank.

Nhưng với MaritimeBank thì khác, việc ngân hàng này có sao chép ý tưởng của UniCredit hay không không khó kết luận.

Liệu việc sử dụng nhãn hiệu là "anh em sinh đôi" với nhãn hiệu nước ngoài, Vietcombank hay MaritimeBank có nguy cơ bị kiện vi phạm nhãn hiệu?

Trả lời câu hỏi này, luật sư Trần Đức Sơn cho hay, ở Việt Nam việc đăng ký và cấp bản quyền thương hiệu căn cứ theo nguyên tắc quyền nộp đơn đầu tiên, tức là ai nộp đơn trước thì được ưu tiên đăng ký bảo hộ, nhưng cơ quan chức năng vẫn có thể hủy văn bản này nếu chứng minh được có sự gian dối trong quá trình nộp đơn đăng ký nhãn hiệu.

Nói đến nhãn hiệu là nói đến phạm vi lãnh thổ, nghĩa là nếu doanh nghiệp đăng ký nhãn hiệu ở nước nào thỉ chỉ có thể được bảo hộ tại nước đó. Như vậy, nếu nhãn hiệu của các ngân hàng Việt Nam được bảo hộ tại Việt Nam do các chủ sở hữu kia chưa đăng ký thì khi đưa các sản phẩm dịch vụ hoặc đăng ký nhãn hiệu ra nước ngoài, rất có thể sẽ xảy ra tranh chấp trong quá trình đăng ký hoặc bị coi là vi phạm nhãn hiệu, nếu các chủ sở hữu nhãn hiệu tương tự họ đã tiến hành đăng ký trước. 

Trong trường hợp này chủ sở hữu nhãn hiệu có thể khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại và/hoặc yêu cầu cơ quan chức năng thu hồi hoặc hoặc chấm dứt sử dụng nhãn hiệu bị "nhái".

"Trong trường hợp nhãn hiệu của UniCredit sử dụng trước và đăng ký ở nhiều quốc gia trên thế giới và đã trở thành nhãn hiệu nổi tiếng hoặc sử dụng rộng rãi, thì ngay ở Việt Nam giả sử UniCredit chưa đăng ký, chưa được cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu mà có đơn vị khác đăng ký và được cấp văn bằng bảo hộ cho nhãn hiệu có thiết kế trùng lặp hoặc tương tự cao thì cơ quan sở hữu trí tuệ Việt Nam vẫn có thể xét tới trường hợp hủy văn bằng bảo hộ tại chính Việt Nam của đơn vị đã được bảo hộ đó.

Lý do là nhãn hiệu của UniCredit đã trở nên nổi tiếng hoặc sử dụng rộng rãi trên toàn cầu , và UniCredit có thể chứng minh rằng có sự lợi dụng của đơn vị đăng ký nhãn hiệu đó nhằm mục đích không tốt, cố tình gây nhầm lầm để lợi dụng uy tín, danh tiếng của UniCredit..." – luật sư Sơn khẳng định.

Coi đây là "một sự đáng tiếc", luật sư của Công ty Luật TNHH Bizlink nêu quan điểm: "Tôi chắc rằng ngay khi thiết kế chính đơn vị tư vấn thiết kế thương hiệu cho các ngân hàng cũng phải nhận thức được rằng cần tránh trùng lặp với những nhãn hiệu của các tập đoàn tài chính quốc tế, để đưa ra kiểu logo đặc trưng riêng cho khách hàng mà vẫn truyền tải được thông điệp, triết lý kinh doanh của ngân hàng này. Nếu đây là lỗi của đơn vị thiết kế thì các ngân hàng này phải xem xét và làm việc lại với đơn vị này. Còn nếu là ý tưởng của chính ngân hàng thì đây quả là một sự đáng tiếc".

Để có được bộ nhận diện thương hiệu "ưng ý", không ít DN, ngân hàng đã "đổ" vào đây không ít tiền, từ vài triệu tới hàng chục triệu đô la cho nhãn hiệu mới và những sản phẩm "ăn theo".

Việc thay đổi nhãn hiệu của một DN, ngân hàng không chỉ đơn thuần là việc "khoác lên một tấm áo mới", mà chiếc áo đó phải phù hợp, đẹp trong mắt người nhận diện, và trên hết phải đảm bảo tính chính xác về mặt pháp lý.

Ông Lý Trường Chiến - chuyên gia tư vấn về tái cấu trúc và quản trị chiến lược phát triển DN bày tỏ quan điểm, việc các DN thay đổi logo, hệ thống nhận diện thương hiệu là xu hướng tất yếu. Nhưng mỗi sự thay đổi cần có sự cân nhắc kỹ lưỡng, bởi nếu chỉ chạy theo một ý tưởng cho là độc đáo mà không soát xét kỹ rất có thể DN sẽ rơi vào "bẫy" vi phạm  quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu lúc nào không hay.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại