Muốn làm "ông hoàng bán lẻ”, Lotte nên dừng bán hàng nhập nhèm

Ly Ly |

(Soha.vn) - Để thực hiện giấc mộng “ông hoàng bán lẻ”, Lotte cần dừng ngay việc bán hàng nhập nhèm đồ Trung Quốc, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị HN cho hay.

Ông lớn Hàn Quốc "bành trướng" thị trường Việt

Theo đánh giá của công ty nghiên cứu thị trường Savills Việt Nam, hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) bất động sản tại Việt Nam thời gian gần đây nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Sự quan tâm của các nhà đầu tư Nhật Bản và Hàn Quốc, vốn chiếm phần lớn các hoạt động M&A trong hai năm qua và dự kiến ​​sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Đơn cử như vụ chuyển nhượng đình đám giữa Lotte Mart và Pico, tập đoàn bán lẻ hàng đầu Hàn Quốc đã mua lại Pico Plaza để mở rộng hoạt động.

Bình luận về thương vụ này, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội nói: “Thời kỳ mở cửa, chúng ta phải chấp nhận sự cạnh tranh. Việc chuyển nhượng giữa các ông lớn trong thời gian gần đây là việc hoàn toàn bình thường”.

Mặc dù có ý kiến nhận xét rằng đây là hành động đầu tư mạo hiểm của Lotte bởi trước đó Pico Mall không đạt thành công như kỳ vọng nhưng ông Phú lại cho rằng: Việc mua bán này sẽ đem lại nhiều triển vọng cho ông chủ Lotte.

Bởi lẽ, khi thâu tóm Pico Mall, Lotte Mart sẽ cạnh tranh trực tiếp với siêu thị Fivimart ở Thái Thịnh. Giữa một siêu thị có diện tích gần 2.000m2 với hơn 15.000 mặt hàng thực phẩm và phi thực phẩm của Fivimart, việc thuê được toàn bộ diện tích 4 sàn thương mại (khoảng 20.000m2) của trung tâm thương mại Mipec Mall (Pico Mall trước đây) của Lotte Mart sẽ đem lại nhiều cạnh tranh. Thêm vào đó, nhờ vị trí thuận tiện ngay ngã ba đường, cộng với sự liên kết, hậu thuẫn với một Trung tâm thương mại nằm trong tòa nhà Lotte Center (Ba Đình, Hà Nội) sẽ mở thêm tới đây, Lotte sẽ có đầy lợi thế.

Thâu tóm Pico Mall, Lotte có nhiều triển vọng trong tương lai.
Thâu tóm Pico Mall, Lotte có nhiều triển vọng trong tương lai.

Còn nhớ việc kinh doanh tại khu trung tâm thương mại này trước đó gặp khá nhiều khó khăn, nhiều gian hàng phải đóng cửa vì vắng khách, Pico Mall đã phải thay tên đổi chủ 2 lần.

Tuy nhiên, giới trong ngành tin tưởng rằng Lotte sẽ vực dậy trung tâm này, sẽ không thay tên đổi chủ lần nữa, bởi Lotte đã bước chân vào sẽ không rút chân ra. Và chắc chắn Lotte sẽ thuê địa điểm này lâu dài, khả năng ít nhất là 30 năm.

Ngoài ra, việc phải cạnh tranh gay gắt với một trung tâm mua sắm "khủng" khác ở ngay sát cạnh là Royal City của Tập đoàn VinGroup cũng không khiến Lotte tỏ ra lo ngại. Bởi từ trước đó rất lâu, Lotte đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng, ngay từ khi vào Việt Nam, ông lớn này đã làm ăn rất bài bản.

Nói như Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội, khi “trăm hoa đua nở”, chỉ cần Lotte kiểm soát được về chất lượng, hàng hóa cũng như chất lượng dịch vụ, Lotte sẽ có nhiều tiềm năng phát triển.

Có mặt tại Việt Nam từ năm 2007, nhưng đến cuối năm 2013, Lotte- tập đoàn bán lẻ tên tuổi thế giới của Hàn Quốc hiện đã mở được 7 trung tâm thương mại trên cả nước gồm: có 2 siêu thị tại TP.HCM, 1 tại Bình Thuận, 1 tại Bình Dương, 1 tại Đồng Nai, 1 tại Đà Nẵng và 1 tại Hà Nội.

Kế hoạch của Lotte là khai trương tại thị trường Việt Nam 60 trung tâm thương mại đến năm 2020, nếu tính chi phí đầu tư mỗi trung tâm thương mại từ 30-40 triệu USD thì số vốn mà Lotte đổ vào thị trường bán lẻ có thể lên tới hàng tỷ USD và chiếm vị trí hàng đầu tại Việt Nam.

Nói về giấc mộng bá chủ thị trường bán lẻ tại Việt Nam, ông Vũ Vinh Phú nhận xét: Lotte hiện nay chưa thể hoàn hảo, chất lượng tương đương khoảng 80% trong khi Pico Mall chỉ khoảng 30%. Tuy nhiên, “Thương hiệu này khá triển vọng trong tương lai. Giấc mộng thành “ông hoàng bán lẻ” không phải viển vông, Lotte cần thực hiện giấc mộng đó bằng hành động. Tôi đã từng thấy bắp cải Trung Quốc ở Lotte lại ghi trên nhãn mác là “bắp cải TQ”, như vậy là nhập nhèm. Tôi đã góp ý ngay với giám đốc siêu thị. Nhất là các cửa hàng thuê mặt bằng trong đó, thuế má nộp cho ai, thái độ bán hàng đối với người tiêu dùng, ai sẽ chịu trách nhiệm, niêm yết giá ra sao, cần phải rõ ràng minh bạch...” – ông Phú nhấn mạnh.

Lời cảnh báo cho siêu thị Việt

Gần đây, hàng loạt các thương vụ chuyển nhượng bất động sản đã diễn ra. Ngoài thương vụ M&A giữa Pico và Lotte, thị trường còn chứng kiến cuộc “thôn tính” ngoạn mục của ông chủ người Thái Lan đối với Metro Việt Nam. Trước khi có cuộc thâu tóm Metro Việt Nam, Tập đoàn BJC của ông chủ người Thái Chearavanont đã “đánh bật” Family Mart Nhật Bản ra khỏi liên doanh Family Mart tại Việt Nam và nhảy vào thế chân. Chuỗi cửa hàng tiện lợi này được đổi tên thành B'mart.

Thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu Tư cho thấy cả nước thu hút 5,7 tỷ đô la vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giải ngân vào nửa đầu năm nay, tăng 1% so với cùng kỳ năm trước. Vốn FDI rót vào lĩnh vực bất động sản chiếm 10%, chủ yếu thông qua hoạt động M&A.

Hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) bất động sản tại Việt Nam thời gian gần đây đang gia tăng.
Hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) bất động sản tại Việt Nam thời gian gần đây đang gia tăng.

Thực tế đó đã chứng minh, nhiều siêu thị bán lẻ lớn tại Việt Nam đang có nguy cơ bị thôn tính rất lớn với siêu thị Việt Nam, hiện nay hầu hết doanh nghiệp nội co cụm để chống đỡ làn sóng tràn vào đầu tư của các tập đoàn bán lẻ lớn của thế giới Lotte, E-Mart Co, Aeon, Auchan…

Bởi lẽ theo ông Phú, siêu thị Việt đang có 4 điểm yếu cố hữu từ lâu vẫn chưa được khắc phục:

Thứ nhất vốn nhỏ bé, vay lãi suất cao các nước 1% - 2% mình dù hạ lãi suất vẫn trên 10%... như vậy về vốn đã thua.

Thứ hai về chiến lược, siêu thị, doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam không có chiến lược rõ ràng. Mở siêu thị miễn sao bán được hàng không có chiến lược dài hạn.

Thứ ba là quản trị doanh nghiệp yếu dẫn tới lãng phí, tiêu cực, hiệu xuất kém. “Tôi biết có những công ty bán lẻ quản lý siêu thị lỗ hàng 3 – 4 tỉ đồng mà chưa tìm rõ nguyên nhân. Cùng với đó nguồn nhân lực làm siêu thị kém không được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp văn hóa kinh doanh phục vụ kém cả ngày không cám ơn được câu nào”, ông Phú cho biết.

Thứ tư liên kết siêu thị nội kém, câu chuyện 10 siêu thị cử người đi mua dầu ăn thay vì chỉ cần 1 siêu thị đi mua, cách làm ăn manh mún, mệnh ai nấy lo.

“Vì thế, để không thua trên sân nhà, các doanh nghiệp phải vượt lên chính mình, nếu sợ sệt thì sẽ chết, nếu không chấp nhận cạnh tranh thì cũng sẽ khó có thể tồn tại được” – ông Phú kết luận.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại