“Nghiện” đồ gốm Nhật
Chị Thu Huyền (Quán Thánh, Ba Đình, Hà Nội), một người “nghiện” đồ Nhật, nhất là các loại gia dụng, chia sẻ: “Ngày nào đi làm tôi cũng tranh thủ lướt web để tìm những món đồ gốm sứ cũ của Nhật được rao bán trên mạng. Thấy đẹp, ưng ý thì cuối buổi chiều qua cửa hàng của họ xem kỹ hơn; nếu ưng thì rinh ngay về nhà”.
“Có lần, buổi sáng tranh thủ lướt facebook thấy các shop gốm sứ Nhật rao bán cái bát hay chiếc đĩa mình thích, phải gọi điện, nhắn tin đặt hàng ngay. Thế là trưa quên ăn, phi xe thẳng đến cửa hàng lấy vì sợ chiều người khác mua mất”, chị kể.
Theo chị Huyền, hàng hóa Nhật Bản vốn được người Việt ưa chuộng và tin dùng bởi chất lượng và độ uy tín, nhất là đồ gia dụng, sữa trẻ em, mỹ phẩm... Còn những món đồ gốm sứ không những bền mà hoa văn còn tinh xảo, đẹp, độc đáo.
“Trước đây, tôi nghiện mua các món đồ gia dụng của Nhật như nồi cơm điện, máy giặt, bàn là, quạt điện... Hàng cũ đấy nhưng còn bền hơn hàng mới của Việt Nam chán. Hai năm gần đây, tôi lại quay sang nghiện mấy món đồ gốm sứ cũ của Nhật chứ. Có khi tôi chạy xe vài chục cây số chỉ để mua một chiếc bát, đĩa cũ của Nhật nếu thấy ưng ý”, chị Huyền nói.
Cũng là một tín đồ của hàng Nhật, chị Thảo Nguyên (Nguyễn Hữu Thọ, Hoàng Mai) hiện đã có một bộ bát đĩa gốm Nhật khá độc, từ đĩa, bát, thố cơm, tô để canh... đến bộ bình trà uống nước chị vừa bỏ ra 950.000 đồng tậu về hơn một tháng nay. Thậm chí, khi mua được một chiếc cốc uống nước của Nhật rất đẹp, muốn mua một chiếc thứ hai mà lùng mãi không có, chị đành lên mạng đăng tin tìm mua.
Đồ gốm sứ cao cấp của Việt Nam cũng nhiều nhưng mẫu mã không độc đáo, thường sản xuất hàng loạt. Hàng Trung Quốc thì quả rẻ, chất lượng men không tốt... Riêng đồ gốm Nhật, mỗi cái một họa tiết, men tốt, kiểu dáng lại phong phú đa dạng - chị Thảo Nguyên cho hay.
“Lần nào tìm được món hàng ưng ý cũng chỉ mua được một chiếc. Nhiều lần mua như thế mới thành một bộ”. Thường thì mỗi chiếc lại có hoa văn trang trí khác nhau. Nhiều cái được vẽ bằng tay, chị còn chi 150.000 đồng để mua nó về.
“Hiện bạn bè tôi cũng thích mua đồ gốm Nhật lắm. Cuối tuần, mấy chị em rảnh rỗi còn rủ nhau đi la cà ở các cửa hàng bán đồ gốm cũ để săn hàng”, chị cho biết.
Hiện trên một số tuyến đường, tuyến phố như Nguyễn Công Hoan, Trần Quốc Toản, Âu Cơ... đã xuất hiện khá nhiều cửa hàng bán gốm sứ Nhật, trong đó đa phần là đồ gốm sứ cũ.
Từ mua dùng đến khởi nghiệp kinh doanh
Nhiều người từ mê đồ Nhật, thích dùng gốm sứ cũ, sau một thời gian đã trở thành bà chủ của cả một tiệm bán đồ gốm sứ cũ Nhật Bản.
Chị Huyền (Nguyễn Công Hoan, Ba Đình) là một trường hợp như vậy. Mới đầu, chị chỉ mua về dùng và sưu tập ở nhà, về sau bị nghiện đồ gốm Nhật nên tính chuyện kinh doanh để phục vụ nhu cầu của chị em cùng sở thích.
Hiện chị có một cửa hàng chuyên bán đồ gốm sứ Nhật, trong đó 75% là gốm sứ cũ, với số lượng lên đến gần 1.000 sản phẩm. Mỗi sản phẩm thường chỉ có một chiếc và tất cả đều được chị chọn lựa, nhập mua cẩn thận từng chiếc một.
Theo chị Huyền, giá đồ gốm sứ cũ của Nhật không hề rẻ, thậm chí có món còn đắt hơn đồ gốm cao cấp của Việt Nam. Đơn cử như chiếc đĩa sành trắng, men bóng, có hoa văn vẽ bằng tay, đường kính 35cm, là hàng cũ nhưng có giá tới 450.000 đồng. Một số loại đĩa khác nhỏ hơn giá cũng khoảng 150.000-300.000 đồng/chiếc. Còn hàng bộ, giá phải lên tới hàng vài triệu đồng. Ấy vậy mà cửa hàng vẫn khá đông khách. Nhiều khi chị mới đăng bán 5 phút đã có người gọi điện đặt mua.
Chị Huyền tiết lộ, bí quyết để mua được gốm sứ Nhật tốt, đặc biệt là những món đồ gốm cũ, là dùng ngón tay gõ lên đồ sứ: đồ tốt sẽ thấy tiếng kêu coong coong như tiếng kim loại, đồ chất lượng kém thì tiếng kêu đục và nặng.
Với bát ăn cơm, đĩa và khay bằng sứ có ba cách chọn: nhìn, gõ và úp. Nhìn là quan sát bề mặt ngoài của đồ vật để xem độ sáng, xỉn của mầu men, tươi tối, đậm nhạt của các hình vẽ và các điểm đen, vết rạn nứt hay không. Gõ là dùng một que nhỏ gõ nhè nhẹ lên thành bát hay cạnh đĩa, khay.
Nếu âm thanh phát ra nghe giòn, trong thì đó là đồ tốt, nếu âm thanh đục hay pha tạp thì chứng tỏ trên mình nó có vết rạn nứt nào đó mà bạn chưa nhìn ra. Cuối cùng, úp ngược bát hay đĩa lên một mặt phẳng hay úp ngược chúng vào nhau để xem độ tròn méo như thế nào. Nếu đồ vật được tạo tròn trĩnh, cân đối thì khi úp xuống sẽ không thấy cong lệch. Ngoài ra, cần chú ý, với bát ăn cơm nên chọn loại cao đế, vì như vậy sẽ tránh được bỏng tay và thuận tiện khi cầm.