Chỉ trong một ngày, hai thương vụ trị giá hàng tỷ USD là thông qua việc sáp nhập hai ngân hàng và mua 100 máy bay mới đã gây rung động thị trường Việt Nam. Điều đáng nói, cả hai đều liên quan đến một tập đoàn lớn và doanh nhân thành đạt, kín tiếng. Chỉ với hai thương vụ nay, doanh nghiệp và doanh nhân này đã xứng là đại gia số 1 của năm 2013.
Sovico ai biết đều nể
Trong giới đầu tư, cái tên Sovico Holdings đã rất nổi tiếng với khá nhiều vụ đầu tư lớn trong lĩnh vực bất động sản (BĐS) và liên quan tới nhiều ngân hàng. Tuy nhiên, tên tuổi của một trong những tập đoàn tư nhân hàng đầu Việt Nam này chưa thực sự được biết đến trên diện rộng, cho đến khi doanh nghiệp (DN) này lấn sân sang lĩnh vực hàng không.
Hôm 25/9, hãng hàng không tư nhân Việt Nam VietJet Air đã ký kết thỏa thuận mua 92 chiếc A320 của hãng Airbus tại Paris, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức nước Pháp của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Thương vụ trị giá khoảng 9 tỷ USD của Vietjet Air gây chấn động ngành hàng không không chỉ trong nước mà cả quốc tế, và nó được xem như một cú bứt phá mạnh mẽ muốn vươn rộng hơn ra các thị trường quốc tế của hãng hàng không giá rẻ mới vài năm tuổi đời này.
Thông tin ban đầu cho thấy, số tiền khổng lồ dùng để mua 92 máy bay (62 chiếc sẽ được giao cho VietJetAir trong vòng 8 năm) và thuê 8 chiếc nói trên, chủ yếu sử dụng vốn vay từ các ngân hàng nước ngoài.
Cũng giống như đại đa số các hãng hàng không giá rẻ khác, VietJet Air dùng tiền vay để tài trợ cho đội bay của mình. Tuy nhiên, quyết định trang bị thêm 100 máy bay cùng với số tiền bỏ ra rất lớn, cho thấy thực lực cũng như vị thế của các ông chủ VietJet Air quả là to lớn.
Vậy ai là ông chủ của hãng hàng không tư nhân đầu tiên của Việt Nam, mới chính thức đi vào hoạt động từ cuối tháng 12/2011 và đã bất ngờ ước lãi khoảng 120 tỷ đồng trước thuế trong 7 tháng đầu năm 2013; dự kiến IPO, niêm yết trên thị trường chứng khoán nước ngoài trong vòng 18 tháng tới này?
Cho tới thời điểm hiện nay, thông tin đầy đủ về cổ đông VietJet Air chưa có, nhưng giới đầu tư đã biết đến tập đoàn tư nhân Sovico Holdings có vai trò là cổ đông lớn của hãng hàng không này. Và như thế, thương vụ của VietJet Air là một sự bất ngờ về vị thế của tập đoàn Sovico.
Cùng ngày với thương vụ “trăm tỷ USD” nói trên, giới đầu tư còn đón nhận thông tin Đại hội cổ đông bất thường ngân hàng thương mại cổ phần Đại Á (DaiABank) đã thông qua các văn kiện quan trọng để sáp nhập vào HDBank.
Thông tin về vụ sáp nhập này đã được nói đến nhiều và đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận từ cuối năm ngoái. Tuy nhiên, đại hội của DaiABank hôm 25/9 mới là câu trả lời cuối cùng của cổ đông ngân hàng có vốn điều lệ 3.100 tỷ, và mạng lưới gần 70 điểm giao dịch trên cả nước, chấp nhận xóa sổ tên tuổi để sáp nhập vào HDBank.
Gần đây, 2 vị trí cao nhất tại DaiABank đều là người từ HDBank sang. Điều mà nhiều người quan tâm là HDBank và DaiABank có quan hệ mật thiết với tập đoàn Sovico Holdings. Ông Chu Việt Cường vừa được bầu vào vị trí Chủ tịch Hội đồng Quản trị (HĐQT) DaiABank là thành viên HĐQT, Phó tổng giám đốc điều hành của Sovico Holdings. Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Phương Thảo - cổ đông sáng lập, Chủ tịch điều hành của Sovico Holdings là Phó chủ tịch HDBank.
Gương mặt đại gia bí ẩn
Nói đến VietJet Air và HDBank, gần đây nhiều người mới biết đến Sovico Holdings, nhưng với giới đầu tư tài chính, cái tên này khá quen thuộc. Chủ nhân của tập đoàn tư nhân này là vợ chồng doanh nhân Nguyễn Thanh Hùng-Nguyễn Thị Phương Thảo, là 2 trong 3 sáng lập viên xây dựng Sovico (cùng ông Nguyễn Cảnh Sơn) từ những ngày đầu thành lập - năm 1992. Ông Hùng hiện là chủ tịch HĐQT Sovico Holdings, trong khi bà Thảo là chủ tịch điều hành.
Ông Hùng được biết đến là thành viên Hội đồng tư vấn doanh nghiệp của APEC (ABAC) do Thủ Tướng phê chuẩn; là Phó chủ tịch diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Nhật Bản; Uỷ viên Ban chấp hành hội Hữu nghị Việt Nam - Hoa Kỳ; thành viên duy nhất của DN Việt Nam tại diễn đàn kinh tế thế giới, và được diễn đàn này họp tại Davos Thụy Sĩ năm 2007 bầu chọn là Nhà lãnh đạo trẻ toàn cầu.
Ông là kỹ sư năng lượng, tiến sỹ chuyên ngành tự động hóa, viện sỹ Viện Hàn Lâm Nghiên cứu Hệ thống Quốc tế Liên bang Nga. Còn bà Thảo là cử nhân kinh tế và tín dụng - ngân hàng, tiến sỹ kinh tế, ủy viên sáng lập Viện Hàn Lâm Nghiên cứu Hệ thống Quốc tế Liên Bang Nga.
Với năng lực cá nhân và uy tín ở trong nước và quốc tế, ông Hùng và bà Thảo đã cùng Sovico đầu tư vào nhiều DN trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Tập đoàn này hiện là cổ đông chính của HDBank, chứng khoán Phú Gia, công ty Quản lý Quỹ Tài chính Dầu khí PVFC Capital.
Trong lĩnh vực BĐS, Sovico Holdings đã mua lại khu resort Furama ở Đà Nẵng; rót vốn vào khách sạn Hồ Gươm tại Hà Nội, dự án Ariyana ở Đà Nẵng, công ty cổ phần Địa ốc Phú Long (dự án Dragon City), Abacus Tower tại Quận 1, TP.HCM…
Trước đó, theo thông tin từ Sovico, tập đoàn này là một trong những cổ đông sáng lập của Techcombank và VIB Bank. Trong lĩnh vực hàng không, Sovico Holdings là cổ đông sáng lập và cổ đông lớn nhất của hãng hàng không tư nhân đầu tiên của Việt Nam - VietJet Air. Ngoài ra, Sovico còn rót vốn vào những lĩnh vực khác như thủy điện, cao su, giáo dục, thương mại...
Giống như đại gia “gốc” Nga khác, ông Hùng đã xây dựng cơ nghiệp ban đầu của mình tại Liên bang Nga từ cuối thập kỷ 80, với các ngành hàng như tiêu dùng, nhu yếu phẩm, hàng thực phẩm, điện tử, may mặc…
Chủ trương quay về thị trường Việt Nam bắt đầu tư giữa những năm 2000 đến nay, và tập trung trong hai lĩnh vực chính là BĐS, tài chính ngân hàng. Riêng với ông Hùng, mảng hàng không là một sự khác biệt và là dấu mốc quan trọng thể hiện định hướng chiến lược phát triển của Sovico.
Trong khi rất nhiều DN từ nhỏ tới lớn đang vật lộn trong khó khăn vì đầu tư dàn trải, đa ngành, tập đoàn của ông Hùng-bà Thảo lại đang đầu tư rất lớn ở rất nhiều lĩnh vực. Nhiều người cảm giác e ngại về sự phát triển mạnh mẽ của tập đoàn này. Tuy nhiên, cho tới thời điểm này, những dự án mà Sovico triển khai, trong đó có VietJet Air - một dự án rất mạo hiểm trong một thị trường “tồn tại đã khó” - lại rất tích cực.
Hãng hàng không tư nhất duy nhất của Việt Nam hiện còn bay, hồi đầu tháng 9 cho biết, DN đã có lợi nhuận trước thuế 120 tỷ đồng trong 7 tháng đầu năm (thay vì dự kiến lỗ 3 năm), và dự định sẽ IPO và niêm yết ở thị trường chứng khoán nước ngoài trong vòng 18 tháng tới.
Tới cuối tháng 8 vừa qua, VietJet Air đã nâng thị phần ở thị trường nội địa lên 20%, bằng việc mở thêm các đường bay mới, vượt qua Jetstar Paciffic - một hãng hàng không giá rẻ khác thuộc quyền sở hữu của Vietnam Airlines (hiện nắm 12%).