Lý giải lỗ hổng khiến tín dụng đen... tung hoành

Có 3 nhóm diễn viên tham gia vào "vở kịch" tín dụng đen, đó là nhóm người cho vay đầu tiên, nhóm người đi vay cuối cùng và nhóm người trung gian, đi vay để cho vay lại.

Màn kịch của “quỷ” và dàn diễn viên “âm binh”

Chưa bao giờ, "cơn lốc" tín dụng đen "thổi" mạnh như những năm gần đây. Nó cuốn phăng hàng chục, hàng trăm tỷ đồng - kiếm được từ mồ hôi, công sức - của những doanh nhân thành đạt cho đến những người nông dân chân chất nhất. Bi kịch tín dụng đen tràn từ Bắc vào Nam, từ quê nghèo đến phố lớn. Có người đã ví von vay mượn là kịch bản, pháp luật là sân khấu, dân chúng là khán giả, còn chủ nợ và con nợ là đạo diễn kiêm diễn viên.

Đầu tiên là "con mồi" siêu lãi dẫn dụ để "gom" vốn, chúng đưa ra lãi suất thường là dăm bảy chục phần trăm mỗi năm. Không ít khổ chủ đã móc sạch hầu bao, thậm chí bán hoặc thế chấp nhà cửa vay vốn người khác để cho vay lại. Cuối cùng tay trắng vì ham, vì dại, vì nhẹ dạ, cả tin trước những món lợi trước mắt, những lời hứa hẹn hươu vượn về tiền bạc, hàng hoá, dự án hoành tráng.

Qua vài "lớp kịch", diễn viên nhận lãi ngày một cao hơn, đến lớp, diễn viên phải đi vay vốn, cuối cùng thì lãi lên đỉnh điểm, thấp thì vài nghìn/1 triệu đồng, cao thì tới cả chục ngàn đồng/triệu/ngày trở lên, tức từ 100 - 200% đến 300 - 400%/năm. Người vay thật sự không làm gì, lấy gì ra để trả được mức lãi khủng như vậy. Vì vậy, nguy cơ đổ vỡ doanh nghiệp, làm ăn và gia đình chỉ còn là ngày tháng. Và, chỉ cần một mắt xích vỡ nợ là đủ để sụp đổ cả đường dây tín dụng đen.

Nhưng không chỉ có lãi cao, song hành cấu thành nên tín dụng đen còn phải kèm theo yếu tố không “sạch” và thiếu minh bạch, rõ ràng của nhiều yếu tố. Tín dụng đen luôn lòng vòng, chuyền qua nhiều diễn viên, không biết vay để làm gì, không biết lấy gì ra mà trả lãi, luôn đi đôi với giang hồ, mờ ám, lừa đảo, đe dọa, hành hung, cưỡng bức, bạo lực.

Lý giải lỗ hổng khiến tín dụng đen... tung hoành
Tín dụng đen luôn là nỗi ám ảnh đối với mỗi người dân.

Đặc biệt, đáng tiếc trước bi kịch của đau con xót, một số chủ nợ còn mất thêm tiền thuê mướn người đòi nợ hòng gỡ gạc phần nào. Và, không ít trường hợp tự biến mình từ chủ nợ thành tội đồ, từ bị hại thành bị cáo, tiền mất, tật mang bởi trót thuê những "nhân vật phản diện" cộm cán bắt giữ, cưỡng đoạt trái phép tài sản của con nợ.

Có 3 nhóm diễn viên tham gia vào "vở kịch" tín dụng đen, đó là nhóm người cho vay đầu tiên, nhóm người đi vay cuối cùng và nhóm người trung gian, đi vay để cho vay lại. Nhóm đầu và cuối chủ yếu là nạn nhân. Nhóm giữa thường sắm vai đạo diễn kiêm diễn viên, vừa là nạn nhân vừa là thủ phạm. Nhóm cho vay đầu tiên, từa tựa như nhà đầu tư chứng khoán. Nhưng đầu tư kiểu "ném" nhầm tất cả trứng vào một giỏ chứng khoán, "dốc" hết của nả, nhà cửa vào "canh bạc tín dụng" ngoài luồng.

Pháp luật và “sân khấu tín dụng”

Theo đúng cách phân tích của luật sư Trương Thanh Đức, công ty Luật BASICO: Nếu pháp luật là sân khấu diễn tuồng, thì kịch bản cho vay nào sẽ được công diễn và cấm diễn? Soi vào ánh đèn sân khấu, lộ ra bên cạnh việc cho vay mức lãi thấp hơn huy động cũng vi phạm pháp luật, thì cho vay mức lãi ngất ngưởng cũng vẫn không sai. Với tín dụng đen, pháp luật lại càng tù mù đến mức bất lực, từ pháp luật ngân hàng, kinh tế, dân sự, hành chính cho đến hình sự.

Luật Các tổ chức tín dụng nghiêm cấm cá nhân, tổ chức không phải là tổ chức tín dụng thực hiện hoạt động ngân hàng, tức là hoạt động vay vốn và cho vay. Nhưng không có ranh giới nào phân biệt giữa hoạt động vay vốn hợp pháp và bất hợp pháp ở ngoài ngân hàng. Riêng lãi suất huy động và cho vay của ngân hàng thì được "diễn" trên "sân khấu" riêng và vi phạm trong mảng này thì chỉ có Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xử lý. Nhưng xưa nay, phát hiện và xử lý được mấy vụ và phạt thì cũng mới chỉ vài trường hợp.

Nếu cứ chiểu đúng quy định của Bộ luật Dân sự, thì gần như 100% các hợp đồng vay tiền ở ngoài ngân hàng ở vào tình trạng phạm luật. Vi phạm tràn lan ngoài "sân khấu ngân hàng", chỉ khi có kiện cáo kinh tế, dân sự ra toà, mới soi xét kiểm duyệt, gạt bỏ tình tiết nào vượt quá trần lãi suất dân sự để xử lý.

Đương nhiên, pháp luật buộc con nợ có vay có trả, chỉ có điều khó thu hồi được "công cụ diễn xuất" quan trọng nhất là tiền bạc, vào lúc bi kịch vỡ nợ, phá sản đã hạ màn. Về hành chính, nếu diễn ra kịch bản cho vay lãi cao gấp vài ba, thậm chí cả chục lần giới hạn của Bộ luật Dân sự, thì cũng chẳng hề bị xử phạt. Vì pháp luật hành chính chưa có quy định xử phạt bất kỳ đối tượng cho vay vượt trần lãi suất.

Còn Bộ luật Hình sự thì có một điều luật dường như chỉ để hù dọa khán giả. Một người chỉ có thể phạm vào "tội" cho vay lãi nặng nếu đồng thời vi phạm hai điều kiện là: Cho vay với mức lãi suất cao hơn mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định từ 10 lần trở lên và có tính chất chuyên bóc lột. Điều kiện thứ hai chẳng dễ chứng minh, vì trên sân khấu tín dụng đen, biết ai là diễn viên bóc lột chuyên nghiệp? Chỉ riêng điều kiện thứ nhất cũng đã làm cho "ban giám khảo" rơi vào bế tắc, vì biết đâu là mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định? Trần 13,5%/năm nói trên không thể coi là mức lãi suất cao nhất, vì ngân hàng vay của dân còn 14%/năm.

“Canh bạc” không dễ phá?

Theo luật sư Nguyễn Thế Truyền - trưởng văn phòng Luật hợp danh Thiên Thanh thì, với các chủ nợ, hoạt động cho vay của họ rất khó có thể làm rõ có mang tính chất "bóc lột" hay không. Vì vậy, cho dù lãi suất cho vay có cao hơn mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định từ 10 lần trở lên, các chủ nợ này vẫn không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cho vay lãi nặng theo Điều 163 Bộ luật Hình sự.

Còn với con nợ, khi xảy ra tình trạng vỡ nợ thì sao? Trước hết cần phải chứng minh con nợ có hành vi chiếm đoạt tài sản. Biểu hiện của hành vi chiếm đoạt là chủ nợ hoàn toàn mất khả năng thực hiện các quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt đối với số tiền đã đưa cho con nợ. Thay vào đó, ba quyền này đã được trao vào tay con nợ thông qua lỗi cố ý trực tiếp của con nợ.

Ở tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, con nợ đã có hành vi lừa dối nhằm chiếm đoạt tài sản của chủ nợ. Hành vi lừa dối này xuất hiện ngay từ khi con nợ tiếp cận chủ nợ. Con nợ dùng mọi thủ đoạn như nói dối, cung cấp giấy tờ giả mạo... để đưa ra những thông tin giả. Do bị lừa dối, chủ nợ đã tin tưởng và giao tài sản cho con nợ.

Với tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, sự lừa dối không tồn tại trong mối quan hệ ban đầu giữa chủ nợ và con nợ. Con nợ và chủ nợ đã thỏa thuận được với nhau về việc xác lập hợp đồng vay tài sản. Sau đó, con nợ mới dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt số tiền vay.

Cũng được coi là lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, nếu sau khi xác lập hợp đồng vay, con nợ sử dụng tiền vay vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản. Nhưng theo luật sư Truyền, để chứng minh được những điều này là rất khó. Vì vậy, truy cứu trách nhiệm hình sự chủ nợ lẫn con nợ trong các vụ vay nợ tín dụng đen hẳn là không dễ!

Thừa đất sống và... sống khỏe!?

Sau một thời gian "lội" trong thế giới ngầm của tín dụng đen, PV "ngộ" ra rằng, người ta có trăm ngàn lý do cần đến tiền, nhưng không dễ gì kiếm được nguồn vốn, nhất là vốn vay ngân hàng trong thời kỳ suy thoái kinh tế, lạm phát lớn, lãi suất cao, điều kiện cho vay chặt chẽ, tín dụng bị siết chặt.

Để giải toả "cơn khát" vốn tột đỉnh, họ buộc phải vay mượn tứ tung và đó là lý do dẫn đến tín dụng đen "thừa đất sống" và "sống cực khoẻ". Không phải cứ vay lãi cao là tín dụng đen, nhưng tín dụng đen thì luôn đi liền với lãi suất cao và những thủ đoạn "thu hồi vốn" vi phạm pháp luật.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại